Đại gia Nguyễn Duy Kiên tại Kita Land: Vòng vèo sở hữu, “lách” để bán hàng
(Xây dựng) – Hệ sinh thái Kita Group (bao gồm Kita Land) gắn liền với tên tuổi đại gia Nguyễn Duy Kiên. Tuy nhiên, vị doanh nhân này lại có màn sở hữu “vòng vèo” tại Kita Land. “Vòng vèo” cũng là phong cách bán hàng mà Kita Land sử dụng khi xài chiêu “cho chủ đầu tư vay tiền”.
Những màn “ẩn hiện” bất ngờ tại Kita Land
Kita Group là một trong những cái tên đang nổi của thị trường bất động sản với thương hiệu Kita Land. Công ty Cổ phần Kita Land thành lập tháng 12/2018. Cổ đông sáng lập bao gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn Kita (sở hữu 25% vốn công ty), ông Nguyễn Duy Kiên (44%), bà Đặng Kim Khánh (1%), bà Đặng Thị Thuỳ Trang (30%). Ở thời điểm thành lập, bà Đặng Thị Thuỳ Trang là Tổng Giám đốc công ty.
Tuy nhiên sau đó, ông Lê Văn Lợi nắm giữ vị trí Tổng Giám đốc Kita Land. Cơ cấu cổ đông cũng thay đổi. Vợ chồng ông Nguyễn Duy Kiên, bà Đặng Thị Thuỳ Trang rút. Thay vào đó là ông Đỗ Xuân Cảnh (sở hữu 62% vốn công ty), Phan Hải Xuyên (37%). Bà Đặng Kim Khánh vẫn sở hữu 1% vốn.
Nhưng tới ngày 10/12/2021, ông Nguyễn Duy Kiên đã trở lại với vai trò người đại diện pháp luật và Chủ tịch HĐQT Kita Land. Cơ cấu cổ đông Kita Land tiếp tục biến động rất mạnh. Ông Đỗ Xuân Cảnh và Phan Hải Xuyên rút hoàn toàn. Kita Land chỉ còn 2 cổ đông là bà Đặng Kim Khánh (sở hữu 1% vốn). Một cái tên mới xuất hiện. Đó là Công ty Cổ phần đầu tư Saturn. Saturn sở hữu 99% vốn Kita Land, tương đương 1.188 tỷ đồng. Vốn điều lệ công ty đã đạt 1.200 tỷ đồng.
Công ty Saturn thành lập ngày 3/12/2020 với vốn điều lệ 800,7 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập bao gồm ông Phan Hải Xuyên (1%), ông Võ Văn Huệ (98%), ông Đỗ Hữu Phước (1%). Ông Võ Văn Huệ vừa là đại diện pháp luật, vừa là Chủ tịch Saturn ở thời điểm Công ty thành lập. Tuy nhiên, tới ngày 25/10/2021, ông Nguyễn Duy Kiên đã thế chân ông Võ Văn Huệ tại Saturn, từ đó có ảnh hưởng Kita Land.
Bán hàng bằng cách “cho chủ đầu tư vay tiền”
Hoạt động bán hàng của Kita Land cũng không diễn ra theo cách thông thường. Nghĩa là Kita Land và khách hàng không ký hợp đồng mua bán. Thay vào đó, Kita Land ký hợp đồng vay vốn và hợp đồng cam kết giữ chỗ nhận quyền sử dụng đất với với Kita Land. Kết quả là không ít khách hàng đã “ngậm trái đắng” với cách làm vòng vèo này.
Năm 2020, khách hàng Nguyễn Trọng Bình (ngụ quận Từ Liêm, Hà Nội) phản ánh về việc có dấu hiệu khuất tất trong mua bán đất tại một dự án trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Kita Land hiện hiện tại một dự án bất động sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. |
Theo đó, anh Bình ký với Công ty Cổ phần Kita Land 2 hợp đồng: Hợp đồng thứ nhất là Hợp đồng vay vốn và Hợp đồng cam kết giữ chỗ nhận quyền sử dụng đất số 0382/B1.B2-11.028/HDCKGC. Sau nhiều tháng, anh Bình không nhận được đất mà tiền cũng không được trả lại.
Trước đó, năm 2019, khách hàng Lê Thị Kim Nga cũng ký hợp đồng cam kết giữ chỗ nhận Quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, đến hạn mà Kita Land không thực hiện cam kết nên đã bị khách hàng kiện ra toà.
Càng tăng vốn càng thua lỗ
Kita Land thành lập tháng 12/2018 nên không có gì ngạc nhiên khi Công ty gánh khoản thua lỗ 1,5 triệu đồng trong năm đầu hoạt động. Đáng chú ý, Công ty có vốn điều lệ 200 tỷ đồng nhưng tới cuối năm 2018, vốn chủ sở hữu Kita Land lại lên tới gần 300 tỷ đồng. Sau đó, bước sang 2019, chỉ tiêu này tăng vọt, tăng 398 tỷ đồng, tương đương 133% so với năm 2018 lên 698 tỷ đồng. Bước sang 2020, chỉ tiêu này giảm rất nhẹ xuống 692 tỷ đồng.
Dù được rót thêm vốn nhưng lợi nhuận của Kita Land chưa hề được cải thiện. Càng năm sau, số lỗ càng lớn hơn năm trước. Trong 3 năm 2019 và 2020, Công ty lần lượt lỗ 2,4 tỷ đồng và 5 tỷ đồng. Bên cạnh thua lỗ, Công ty thường xuyên rơi vào tình cảnh nợ nần chồng chất. Ngoại trừ năm 2018 mới thành lập, cả năm 2019 và 2020, nợ phải trả tại Kita Land rất cao.
Tại thời điểm cuối năm 2020, nợ phải trả của Công ty lên đến 2.050 tỷ đồng, nhiều gấp 3 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 74,7% tổng nguồn vốn. Trước đó, cuối năm 2019, tình trạng nợ nần tại Kita Land còn “căng thẳng” hơn nhiều khi nợ phải trả đạt 2.695 tỷ đồng, cao gấp 3,86% lần vốn chủ sở hữu và chiếm 79,4% tổng nguồn vốn Kita Land.
Nguồn: Báo xây dựng