Hà Nội: Tập trung nguồn lực, triển khai sớm các dự án nhằm “chống ngập” trước mùa mưa bão
(Xây dựng) – Thời gian qua, những trận mưa lớn kéo dài đã khiến cho nhiều tuyến đường tại Thủ đô ngập sâu, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân và các phương tiện tham gia giao thông khi di chuyển qua các khu vực này. Trước tình trạng trên, UBND Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung nguồn lực, triển khai sớm các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước theo quy hoạch thoát nước của thành phố.
Nhiều tuyến đường trong nội thành Hà Nội ngập sâu chỉ sau một trận mưa lớn |
Trước thông tin trên, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có buổi phỏng vấn ông Nguyễn Thế Công – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội về công tác triển khai các dự án thoát nước, phòng chống ngập úng trên địa bản Thủ đô trước mùa mưa bão 2022.
PV: Thưa ông, xin ông cho biết Kế hoạch chống ngập đã được Sở Xây dựng triển khai đến giai đoạn nào?
Ông Nguyễn Thế Công: Để chuẩn bị cho mùa mưa, hàng năm Sở Xây dựng đã tổ chức khảo sát, xây dựng Kế hoạch Đảm bảo thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành Hà Nội mùa mưa, báo cáo UBND Thành phố để chỉ đạo ban hành và triển khai thực hiện. Ngày 07/5/2022, Sở đã ban hành Kế hoạch số 58/KH-SXD(HT) về việc đảm bảo thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành Hà Nội mùa mưa năm 2022, gồm các nội dung chính như sau:
Tăng cường duy trì thường xuyên hệ thống cống, rãnh thoát nước, mương, sông; Thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng các công trình đầu mối (trạm bơm, đập điều tiết, cống qua đê…) được thực hiện xong trước ngày 15/4/2022; Kiểm soát, thường xuyên giữ mực nước đệm trên hệ thống các hồ điều hòa thoát nước.
Công tác vận hành cụm công trình đầu mối Yên Sở, Bắc Thăng Long – Vân Trì, các cửa điều tiết và các trạm bơm tiêu thoát nước trên hệ thống được chuẩn bị, bố trí 24/24h sẵn sàng thực hiện bơm tiêu thoát nước; thực hiện các công trình cải tạo, sửa chữa, khắc phục sự cố hệ thống thoát nước; Triển khai công tác ứng trực giải quyết thoát nước suốt mùa mưa; Lập đường dây nóng đặt tại Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị và các đơn vị duy trì thoát nước (điện thoại, danh sách lãnh đạo và cán bộ, danh sách các bộ phận liên quan) để tiếp nhận và xử lý thông tin kịp thời giải quyết các sự cố thoát nước khi mưa;
Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục đê điều và Phòng chống lụt bão, các Công ty Thủy nông kết hợp điều hòa nước hợp lý trên hệ thống thoát nước nội thành và thủy nông ngoại thành; vận hành hệ thống trạm bơm nông nghiệp, các cửa đập điều tiết, bơm tiêu nước ra sông Đáy và sông Hồng giảm áp lực cho sông Tô Lịch khi mưa lớn.
Phối hợp Sở Giao thông Vận tải, Cảnh sát giao thông – Công an Thành phố cung cấp các điểm úng ngập; thống nhất phương án phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông tại các điểm úng ngập khi có mưa.
PV: Việc rà soát, nghiên cứu trong Kế hoạch triển khai hàng loạt dự án phát triển hệ thống thoát nước, xử lý nước thải đô thị và thủy lợi tại thành phố được thực hiện ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Thế Công: Việc triển khai thực hiện các dự án thoát nước đang từng bước được thực hiện theo Quy hoạch Thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 725/QĐ-TTg ngày 10/5/2013. Đến nay, rất nhiều dự án đã được hoàn thành đưa vào sử dụng, điển hình như Dự án thoát nước cải thiện môi trường giai đoạn 1 và 2 đã đầu tư cơ bản hoàn thiện cho lưu vực Tô Lịch diện tích 77,5km2 thuộc địa bàn các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng và một phần các quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai; bao gồm các công trình chính: Trạm bơm Yên Sở 90m3/s cùng hệ thống kênh mương, hồ điều hòa; với thiết kế cường độ mưa 310mm/2ngày cho toàn bộ hệ thống và 70mm/h đối với hệ thống cống. Bên cạnh đó, một số trạm bơm chính: Bắc Thăng Long 20m3/s, Cầu Đông Trù 2m3/s, Đồng Bông 1 là 16m3/s, Đồng Bông 2 là 12m3/s, Cổ Nhuế 12m3/s, Cầu Bươu 5m3/s; 05 nhà máy/trạm xử lý nước thải: Yên Sở, Kim Liên, Trúc Bạch, Hồ Bẩy Mẫu, Hồ Tây với tổng công suất trung bình năm khoảng 235.000m3/ngày đã được đầu tư và đưa vào vận hành.
Trên cơ sở rà soát, đánh giá hiện trạng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị trên địa bàn Thành phố Hà Nội theo quy hoạch thoát nước, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố giai đoạn hiện tại và tiếp theo, kế hoạch đầu tư công trung hạn, Thành phố đã giao cho Sở Xây dựng phối hợp với các Sở, ngành đơn vị xây dựng báo cáo và đã ban hành Kế hoạch số 312/KH-UBND ngày 28/12/2021 về phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải giai đoạn 2021-2025 của UBND Thành phố. Theo đó, lập kế hoạch đầu tư xây dựng mới 05 công trình thoát nước mưa, 04 công trình thu gom và xử lý nước thải, 04 công trình thủy lợi hỗ trợ tiêu thoát nước đô thị bằng nguồn ngân sách và tiếp tục kêu gọi xã hội hóa 03 công trình thu gom và xử lý nước thải.
PV: Ông có thể cho biết những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện Kế hoạch?
Ông Nguyễn Thế Công: Kế hoạch số 312/KH-UBND ngày 28/12/2021 về phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải giai đoạn 2021-2025 của UBND Thành phố mới được ban hành và triển khai thực hiện trong 6 tháng đầu năm, đã đạt được một số kết quả bước đầu như: HĐND Thành phố đã ra Nghị quyết số 03/NQ-HĐND ngày 08/4/2022 phê duyệt Chủ trương đầu tư 03 dự án trên địa bàn quận Long Biên: Dự án Xây dựng tuyến mương Việt Hưng – Cầu Bây và hồ điều hòa Cự Khối; Dự án Xây dựng trạm bơm Cự Khối và tuyến mương xả ngoài đê Tả Hồng; Dự án Xây dựng tuyến cống thoát nước Long Biên – Cự Khối.
UBND Thành phố đã có quyết định giao nhiệm vụ cho Sở Xây dựng lập Đề xuất 04 dự án: Xây dựng hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải Kiến Hưng, quận Hà Đông; Xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Sơn Tây, thị xã Sơn Tây; Xây dựng hệ thống thu gom nước thải (lưu vực S1) về Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở; Dự án xây dựng hệ thống thoát nước mưa lưu vực tả sông Nhuệ – Giai đoạn I. Hiện Sở Xây dựng đang phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội hoàn thiện các hồ sơ đề xuất.
Sở Xây dựng đã gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất tham mưu cho UBND Thành phố giao Sở nhiệm vụ lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu kỹ thuật cho 03 dự án: Dự án Xây dựng trạm bơm Gia Thượng, hồ điều hòa và tuyến mương Thượng Thanh; Xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Tây sông Nhuệ; Dự án xây dựng thoát nước quận Hà Đông thuộc lưu vực Hữu Nhuệ; và lập đề xuất chủ trương đầu tư 01 dự án: Cải thiện thoát nước và quản lý nước thải tại quận Long Biên và huyện Gia Lâm.
Tuy nhiên, Các dự án đầu tư xây dựng hệ thống lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải chủ yếu mang tính kỹ thuật, công nghệ cao, nhu cầu kinh phí lớn, hiện chủ yếu sử dụng vốn vay ODA (Dự án thoát nước cải thiện môi trường Hà Nội), thời gian thực hiện dài, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng… Hiện, do nguồn ngân sách Thành phố hạn hẹp, phải cân đối bố trí cho nhiều lĩnh vực quan trọng. Trong khi đó, cơ chế, chính sách hiện hành chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế trong nước tham gia đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống thoát nước, xử lý nước thải.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Báo xây dựng