Hà Tĩnh: Xã hội hóa nạo vét cảng cá – bài toán gỡ “nút thắt” về kinh phí
(Xây dựng) – Mặc dù, Quyết định 3483/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt và công bố danh mục Dự án nạo vét vùng neo đậu tàu trước bến và luồng vào cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà), đề ra giải pháp kêu gọi nhà đầu tư tham gia xã hội hóa nạo vét cảng cá là “lợi đơn lợi kép”, nhưng sau hơn 2 năm, dự án vẫn “dậm chân tại chỗ”. Nguyên nhân được cho là sự vào cuộc của một số Sở, ngành trên địa bàn tỉnh chưa quyết liệt.
Những vật liệu tận thu tập kết tại bãi thải từ dự án nạo vét luồng Cửa Sót trước đó nay đã “không cánh mà bay”. |
Gỡ “nút thắt” về kinh phí
Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp thì xã hội hóa nạo vét các cảng cá là một trong những giải pháp hữu hiệu để gỡ “nút thắt” về vấn đề kinh phí. Theo đó, tỉnh Hà Tĩnh giao Ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án nạo nạo vét vùng neo đậu tàu trước bến và luồng vào cảng cá Cửa Sót theo quy định tại Mục 3 Chương IV, Nghị định 189/2018/NĐ-CP ngày 28/11/2028 của Chính phủ; hướng dẫn tại văn bản số 4307/BNN-PCTT ngày 21/6/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các quy định có liên quan để triển khai kịp thời, có hiệu quả.
Cảng cá Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà là cảng cá lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh đến thời điểm này. Bình quân mỗi năm, nơi đây đón từ 18.000 – 20.000 lượt tàu thuyền ra vào (trong đó 60 – 70% tàu công suất lớn), mang về trên dưới 10.000 tấn hải sản và tiếp nhận gần 3.000 tấn hàng hóa khác.
Vào mùa mưa bão, cảng cá Cửa Sót đóng vai trò bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của hàng nghìn ngư dân với hàng trăm chiếc tàu thuyền không chỉ của Hà Tĩnh mà còn kéo dài đến tận Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Nghệ An… Tầm quan trọng của cảng cá này không ai bàn cãi. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ để phát huy tối đa tiềm năng của cảng, ngăn chặn tình trạng bồi lắng luồng lạch liên tục thì chưa được giải quyết triệt để.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh từng chia sẻ: “Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp thì xã hội hóa nạo vét cảng cá Cửa Sót là một trong những giải pháp hữu hiệu để gỡ “nút thắt” về vấn đề kinh phí. Cách làm này vừa tiết kiệm ngân sách hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ mỗi năm vừa đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư”.
Đồng quan điểm, lãnh đạo Ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh cho rằng, xã hội hóa nạo vét cảng cá là xu thế tất yếu và hết sức cần thiết. “Nhà nước không thể bao cấp mãi, bởi nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này quá lớn. Trong một năm hai không thể đầu tư số tiền hàng trăm tỷ để nạo vét, còn bỏ ra dăm ba tỷ hay chục tỷ đồng mỗi năm để tổ chức nạo vét thì cũng chỉ “như muối bỏ biển”, vị này nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2014 đến nay, Nhà nước đã chi ra ít nhất 170 tỷ đồng thực hiện các dự án nạo vét và chỉnh trị luồng vào cảng neo đậu tránh trú bão Cửa Sót. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, tình trạng bồi lắng “đâu lại vào đấy”, gây khó khăn cho hoạt động tiêu thụ hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, tàu thuyền bị mắc cạn, hư hỏng…
Dự án “lợi đơn, lợi kép” vì sao các Sở, ban, ngành lại thờ ơ?
Tháng 10/2019, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định 3483/QĐ-UBND, phê duyệt và công bố danh mục dự án nạo vét vùng neo đậu tàu trước bến và luồng vào cảng cá Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà. Có thể thấy, Quyết định 3483 đã phần nào nhìn nhận, giải pháp kêu gọi nhà đầu tư tham gia xã hội hóa nạo vét cảng cá là “lợi đơn lợi kép”. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai, dự án này vẫn “dậm chân tại chỗ”. Nguyên nhân được cho là sự vào cuộc của một số Sở, ngành trên địa bàn tỉnh chưa quyết liệt.
Sau hơn 2 năm triển khai, dự án này vẫn “dậm chân tại chỗ”. Nguyên nhân được cho là sự vào cuộc của một số sở, ngành trên địa bàn tỉnh chưa quyết liệt. |
Tại cuộc họp tham mưu thực hiện dự án xã hội hóa nạo vét cảng cá Cửa Sót mới đây nhất, Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh cho hay, khó khăn hiện nay của dự án là chưa có đơn vị tư vấn trong tỉnh đủ năng lực, kinh nghiệm lập dự án xã hội hóa, trong khi thuê ngoài tỉnh không có kinh phí thực hiện.
Việc đánh giá vật liệu nạo vét cần các thí nghiệm chuyên ngành để thực hiện khảo sát, đánh giá song kinh phí khoan địa chất, lấy mẫu phân tích thí nghiệm vật liệu khảo sát vị trí đổ thải… ở trên bờ và ngoài biển chưa được thực hiện, đòi hỏi nguồn kinh phí tương đối nhiều. Một số nội dung chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể như: Chưa xác định được vị trí đổ thải phù hợp; chưa có cơ sở xác định chi phí thuế, phí, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản liên quan đến dự án; vùng nước trước bến chưa được giao cho Ban quản lý các cảng cá quản lý…
Những vướng mắc dự án đang gặp phải, các Sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện Lộc Hà… cho rằng đó là trách nhiệm Ban quản lý các cảng cá phải làm và gần như không đưa ra được giải pháp nào hỗ trợ Ban tháo gỡ vướng mắc. Rõ ràng, việc xác định các loại thuế, phí, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản liên quan đến dự án thuộc thẩm quyền của Sở Tài chính.
Hay việc khoan địa chất, thăm dò, đánh giá vật liệu tận thu… thuộc chuyên môn của Sở Tài nguyên và Môi trường thì đơn vị này có trách nhiệm chung tay thực hiện hoặc báo cáo, tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí triển khai. Còn hướng dẫn trình tự thủ tục như Sở Tài nguyên và Môi trường đang làm thì vô hình chung coi việc nạo vét là cấp mỏ khoáng sản.
“Nếu xem đó là mỏ khoáng sản thì nhà đầu tư xin một cái mỏ cát nước ngọt thuận lợi hơn rất nhiều so với việc tận thu cát mặn. Hơn nữa, giá thành cát tận thu này chỉ phục vụ san lấp mặt bằng và cải tạo đáy một số ao hồ nuôi tôm mà không sử dụng vào xây dựng được nên giá thành rất thấp. Nếu muốn hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư, kêu gọi được doanh nghiệp tham gia xã hội hóa, trước hết cơ quan quản lý nhà nước phải cùng vào cuộc quyết liệt”, một cán bộ ủng hộ việc xã hội hóa nạo vét cảng Cửa Sót phân tích.
Về phía chính quyền địa phương, UBND huyện Lộc Hà cũng “giữ” một góc, không đồng ý đề xuất của Ban Quản lý các cảng cá đổ thải tại khu đất 16,7ha thuộc địa bàn thị trấn Lộc Hà (xã Thạch Bằng cũ), với lý do khu đất này đã sử dụng đổ thải của dự án nạo vét luồng Cửa Sót trước đây, lo ngại quá tải. Tuy nhiên ghi nhận thực tế cho thấy, việc quá tải hay không cần có sự tham gia đánh giá của sở ngành liên quan và chính quyền địa phương. Hiện tại những vật liệu tận thu tập kết tại bãi thải từ dự án nạo vét luồng Cửa Sót trước đó nay đã “không cánh mà bay”.
Vì sao một dự án đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt được xác định là “lợi đơn, lợi kép” mà các cơ quan, ban, ngành liên quan lại thờ ơ, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm?
Nguồn: Báo xây dựng