Đồng loạt đòi giảm lãi suất, ngân hàng lo lợi nhuận suy giảm
Các hiệp hội doanh nghiệp và ngành hàng đồng loạt đề nghị giảm mạnh lãi suất cho vay vì quá khó khăn, nhưng khó được đáp ứng.
Đồng loạt xin giảm lãi suất
Covid-19 đang tàn phá các doanh nghiệp, vì vậy nhiều hiệp hội doanh nghiệp và ngành hàng đồng loạt kiến nghị giảm mạnh lãi suất cho vay.
Mới đây nhất, Hiệp hội nhựa Việt Nam (VPA) có văn bản “kêu cứu” gửi Thủ tướng Chính phủ. Ngành nhựa có khoảng gần 3.000 doanh nghiệp, với hơn 300.000 lao động, trong đó 70% hoạt động tập trung tại TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh. Hiện nay hơn 50% doanh nghiệp ngành nhựa đã phải đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng, nguy cơ không thực hiện được đơn hàng, giao hàng chậm hoặc bị hủy đơn hàng.
Trong các giải pháp hỗ trợ nêu ra, VPA đề xuất ngân hàng giảm tiếp từ 2%-3% lãi suất cho vay, đối với những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19.
Các DN đang khó khăn, rất cần được hỗ trợ giảm lãi suất cho vay |
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho hay, đại dịch đã làm trầm trọng thêm các khó khăn của thị trường bất động sản, khiến hầu hết các doanh nghiệp, nhà đầu tư, khách hàng đều gặp khó khăn. HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp, bao gồm giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm, cho các đối tượng trên.
Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội khảo sát gần 1.500 doanh nghiệp trên địa bàn trong tháng 6/2021, kết quả cho thấy có tới 57% hoạt động cầm chừng. Ông Mạc Quốc Anh, thay mặt Hiệp hội, gửi kiến nghị 10 giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp lên các cơ quan chức năng, trong đó đề nghị giảm lãi vay từ 3-5%/năm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cũng gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Hiệp hội này đề nghị giảm lãi suất 2%/năm cho mọi khoản vay hiện hữu của doanh nghiệp trong ít nhất một năm, đồng thời tiếp tục giảm lãi suất cho các khoản vay mới thêm từ 1,5-2%/năm. Các doanh nghiệp đang hết sức khó khăn, đến hạn của mức chịu đựng. Nhiều doanh nghiệp tới ngày trả gốc và lãi ngân hàng, nhưng không có khả năng trả đúng hạn.
Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng TP. Hà Nội (HAPTA) cũng kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành chỉ đạo hệ thống ngân hàng áp dụng các giải pháp hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp. Cụ thể, giảm từ 3-5%/năm lãi suất cho vay.
Với ngành du lịch, đề xuất còn mạnh mẽ hơn. Ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang (Khánh Hòa), cho hay, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh đang đứng trước nguy cơ phá sản. Từ khi Covid-19 xảy ra, Nha Trang vắng bóng khách du lịch, 95% khách sạn đóng cửa, 5% còn lại hoạt động chủ yếu đăng ký làm cơ sở cách ly.
“Chúng tôi mong muốn ngân hàng giảm lãi suất các khoản vay hiện hữu từ 3-5%/năm và hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh tiếp cận vốn vay mới không lãi suất”, ông Vinh kiến nghị.
Cân đối lợi nhuận
Sau chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và cuộc họp ngày 12/7 với Hiệp hội Ngân hàng, nhiều ngân hàng thương mại đã hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19. Mức giảm từ 0,5-2 điểm % (phổ biến là 1 điểm%) đối với khoản vay hiện hữu và vay mới.
Trong khi đó, các ngân hàng lợi không chịu giảm vì ảnh hưởng lợi nhuận |
Đại diện ngân hàng TMCP Bưu điện – Liên Việt (LienVietPostBank) tính toán, nếu giảm lãi suất bình quân 1%/năm thì lợi nhuận của ngân hàng này giảm khoảng 600 tỷ đồng. Còn Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết, giảm 1% lãi suất trong 6 tháng sẽ làm giảm lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng, chiếm 40% lợi nhuận kế hoạch.
Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, tổng dư nợ hiện hữu của nền kinh tế vào khoảng 9,6 triệu tỷ đồng. Nếu các ngân hàng tiến hành giảm 1% lãi suất trên tổng dư nợ hiện hữu thì con số lợi nhuận ngân hàng có thể bị ảnh hưởng là khoảng 96.000 tỷ đồng. Ước tính, lợi nhuận ngân hàng trong 6 tháng cuối năm nay có thể giảm hơn 40.000 tỷ đồng.
Với mức giảm lãi suất như vậy, khó có thể được cổ đông của các ngân hàng thương mại chấp nhận. Chính vì vậy, các ngân hàng không thể giảm mạnh lãi suất cho vay.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, những lĩnh vực không thuộc ưu tiên đang phải vay vốn ngân hàng kỳ hạn 6 tháng, với lãi suất ở mức 7,5%/năm. Tuy nhiên, 3 tháng sau sẽ điều chỉnh, khi đó, lãi cho vay tăng lên khoảng 8,5%-9%/năm. Với kỳ hạn dài, lãi suất năm đầu từ 8%-8,5%, sau đó cộng biên độ từ 4%-4,3%.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tái bùng phát, sản xuất bị ảnh hưởng nặng, thậm chí ngưng trệ, công nhân phải nghỉ việc thì ngân hàng tăng lãi suất cho vay khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Vừa qua, Công ty Cổ phần Thuỷ sản Sạch Việt Nam đã từ chối không nhận giảm lãi suất của một ngân hàng chủ nợ, bởi lãi suất chỉ được giảm từ 0,1%-0,2%/năm. Theo ông chủ doanh nghiệp này, mức giảm quá nhỏ nên DN từ chối.
Hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng, những khoản vay hiện hữu có lãi suất trên 10%/năm, nếu chỉ giảm 1%/năm trong vòng một năm, cũng không hỗ trợ được nhiều. Thử tính với 1 tỷ đồng, giảm được 10 triệu đồng lãi một năm thì không đáng kể trong hoàn cảnh hiện nay.
Nguồn: Báo xây dựng