Cặp vợ chồng “bỏ phố về biển”, chi 1 tỷ đồng cải tạo nhà cổ 780m2 ở Phú Yên
Sau hai năm dịch bệnh, vợ chồng anh Tùng mong muốn có không gian sống mới để “chữa lành” tâm hồn nên quyết định rời Thủ đô, về khu làng chài cổ ở Phú Yên và dựng ngôi nhà mơ ước.
Đầu năm 2022, sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, vợ chồng anh Lê Tùng (ở Hà Nội) nhận ra rằng, không gian sống thực sự rất quan trọng, nhất là vị trí địa lý và môi trường còn giúp cơ thể phục hồi như một cách chữa lành tự nhiên tốt nhất.
Xuất phát từ suy nghĩ này, anh chị quyết định “bỏ phố về biển”, rời Thủ đô tấp nập để tới một khu làng chài cổ ở Lò 3 Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Vùng biển này khá thanh vắng, ít gió bão và tài chính phù hợp với khả năng kinh tế của gia đình.
Tới đây, cặp vợ chồng trẻ tìm mua một căn nhà cổ rồi cải tạo lại theo tiêu chí vừa có nét đẹp riêng, vừa đảm bảo giữ được lối kiến trúc truyền thống của người bản địa.
Căn nhà ven biển khang trang, xanh mát mà vợ chồng anh Tùng “tậu” và cải tạo khi quyết định rời Thủ đô về Phú Yên (Ảnh: Tung Le). |
Khung cảnh khuôn viên công trình nhìn từ bếp (Ảnh: Tung Le). |
Khu vực cổng vào nổi bật bởi tông màu nâu đỏ (Ảnh: Tung Le). |
Căn nhà cổ của vợ chồng anh Tùng nằm trên trục đường du lịch của tỉnh Phú Yên, kéo dài chừng 50km từ Gành Đá Đĩa đến vịnh Vũng Rô, cách sân bay Tuy Hòa 7km và cách trung tâm thành phố khoảng 15km.
Qua tìm hiểu, anh Tùng được biết kiến trúc của vùng đất Phú Yên có một nét đặc thù riêng biệt là “phòng lòi”, thể hiện sự hào sảng của người miền biển.
Căn phòng này được xem là không gian sinh hoạt cộng đồng của mọi nhà, là nơi đón tiếp cả những người xa lạ có thể vào xin nước uống và nghỉ ngơi hay là nơi cho các mẹ, các chị đan lưới, chờ chồng đi biển trở về,…
Tiếp đến là cái giếng của người dân vùng biển luôn được đặt ở khu vực chính giữa sân, phía trước gian giữa của ngôi nhà. Đây là nơi những người đàn ông trong gia đình thường xuyên sử dụng cho việc tắm rửa.
Công trình trước khi cải tạo có nét kiến trúc tương đồng với những ngôi nhà Bắc Bộ hay ven biển Nam Trung Bộ nhưng vẫn có điểm khác biệt, đó chính là “phòng lòi” (Ảnh: Tung Le). |
Sau khi cải tạo và xây mới thêm một số hạng mục, công trình vẫn giữ được nét kiến trúc cổ, vừa toát lên cá tính riêng của gia chủ (Ảnh: Tung Le). |
Bởi những lẽ đó mà anh Tùng quyết định giữ nguyên hiện trạng căn nhà, chỉ biến đổi công năng và xây thêm khu vực phụ cho bếp.
Kho làm mắm cũ cũng được “hô biến” thành bếp và phòng khách với không gian lớn, không có cửa, vừa đảm bảo sự thông thoáng, mát mẻ, vừa giữ lại nét hào sảng như “phòng lòi” nay được cải tạo làm phòng ngủ chính.
Công trình rộng 780m2, trong đó xây dựng chiếm 40% tổng diện tích toàn bộ căn nhà và được chia thành 4 phòng ngủ. Mỗi phòng đều được bố trí WC riêng biệt. Ngoài ra, cặp vợ chồng trẻ còn xây mới thêm khu sinh hoạt chung với hồ bơi và phòng ăn – bếp – quầy bar liên thông.
“Quá trình xây dựng vẫn đảm bảo giữ nguyên căn nhà cổ, thiết kế thêm hệ thống WC nhưng không làm biến dạng công trình. Đồng thời hệ mái ngói cũ cũng được giữ nguyên vẹn và kết hợp thêm một số vật liệu nhẹ để có thể lắp đặt điều hòa mà vẫn làm lộ ra các kèo, cột gỗ xưa”, anh Tùng cho biết.
Khu vực bếp – phòng ăn – quầy bar có thiết kế mở, giúp gia chủ dễ dàng quan sát các thành viên dù đứng ở bất kỳ đâu, đồng thời đảm bảo không gian sinh hoạt luôn thông thoáng, tràn ngập ánh sáng tự nhiên (Ảnh: Tung Le). |
Đường cong mềm mại ở các ô “không cửa” mang lại cảm giác mềm mại cho không gian (Ảnh: Tung Le). |
Lối ra vào không có cửa vừa tạo điểm nhấn cho công trình, vừa giúp mở rộng tầm nhìn ra cảnh quan bên ngoài (Ảnh: Tung Le). |
Góc thưởng trà ngoài trời (Ảnh: Tung Le). |
Trong nhà, gia chủ ưu tiên sử dụng các chất liệu thân thuộc như đất nung và gỗ, thể hiện qua một số chi tiết trang trí nội thất gồm bồn rửa mặt, bồn tắm làm từ đất nung, thùng rác và kệ móc quần áo có đế đất nung kết hợp với gỗ,…
Ngoài ra, ông bố 3 con còn tận dụng các vân thuyền cũ từ xưởng đóng tàu gần đó để chế tác lại, tạo một số món đồ nội thất độc lạ. Trong đó, bức tranh làm từ rác thải ở biển được anh Tùng treo ở một góc nổi bật nhất trong nhà để nhắc nhở bản thân và những bạn bè đến chơi không được xả rác xuống môi trường biển.
Phòng ngủ gây ấn tượng với nội thất làm từ chất liệu chủ đạo là gỗ, mang lại cảm giác mộc mạc, ấm cúng (Ảnh: Tung Le). |
Chiếc ghế dáng dài với miếng lót đệm làm điểm nhấn cho không gian nghỉ ngơi (Ảnh: Tung Le). |
Phòng tắm đẹp độc lạ, nhiều màu sắc với các chi tiết trang trí bắt mắt (Ảnh: Tung Le). |
Nhà sát biển nhưng anh Tùng vẫn bố trí thiết kế thêm hồ bơi nhỏ, cải tạo từ hồ tôm trước đây của gia chủ cũ. Đây là nơi các con anh tung tăng bơi lội, đắm mình dưới làn nước mát vào buổi tối để phóng tầm mắt ra ngoài xa, ngắm những con tàu đi câu gần bờ lúc lên đèn.
Khu vực hồ bơi vừa có tác dụng điều hòa không khí, vừa làm nơi vui chơi, “giải nhiệt” mùa hè cho các con (Ảnh: Tung Le). |
Được biết, công trình được cải tạo và hoàn thiện trong 100 ngày với chi phí 900 triệu đồng. Kể từ khi có không gian sống mới, vợ chồng anh Tùng cùng các con cảm thấy thoải mái tinh thần hơn, tận hưởng bầu không khí trong lành nơi miền biển.
Nguồn: Báo xây dựng