Tài sản nửa tỷ đô, chủ đầu tư dự án Thang Long Home – Hiệp Phước bị Cục Thuế Đồng Nai “bêu” tên mới chịu nộp
(Xây dựng) – Dù có trong tay khối tài sản khổng lồ hơn nửa tỷ đô nhưng Thăng Long Hiệp Phước, chủ đầu tư dự án Thang Long Home – Hiệp Phước vẫn liên tục bị “réo” tên trong danh sách nợ thuế của Cục Thuế tỉnh Đồng Nai.
Tài sản nửa tỷ đô nhưng chủ đầu tư dự án Thang Long Home Hiệp Phước để Cục Thuế nhắc nhở mới nộp trong nhiều năm. |
Đã nộp thuế sau khi bị “réo tên”
Mới đây, Cục Thuế tỉnh Đồng Nai công bố danh sách nợ thuế đợt 4/2022. Đáng chú ý, danh sách này đã “réo tên” nhiều doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản với số tiền nợ thuế lên đến hàng trăm tỷ đồng. Công ty TNHH một thành viên Thăng Long Hiệp Phước (Thăng Long Hiệp Phước) là một trong số đó với số nợ hơn 13,8 tỷ đồng.
Đặc biệt, đây không phải lần đầu tiên Thăng Long Hiệp Phước có tên trong danh sách này. Trước đó, Thăng Long Hiệp Phước đã hai lần bị Cục Thuế Đồng Nai bêu tên. Theo đó, trong danh sách nợ thuế đợt 3/2022 và đợt 2/2022, công ty nợ hơn 9,5 tỷ đồng và 9,4 tỷ đồng. Trong năm 2020 và 2021, Thăng Long Hiệp Phước cũng là cái tên “quen mặt” trong danh sách này.
Tuy nhiên, ngay sau khi Cục Thuế tỉnh Đồng Nai công bố danh sách nợ thuế đợt 4/2022, Thăng Long Hiệp Phước đã hoàn thành nghĩa vụ của mình. Theo đó, Cục Thuế tỉnh Đồng Nai xác nhận Công ty TNHH MTV Thăng Long Hiệp Phước đã nộp đủ số thuế phải nộp theo số liệu đã kê khai đến ngày 05/07/2022 (CQT chưa tiến hành kiểm tra việc kê khai của đơn vị).
Thăng Long Hiệp Phước là chủ đầu tư dự án Khu dân cư Thang Long Home – Hiệp Phước tọa lạc trên trục đường Tôn Đức Thắng, trung tâm thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với quy mô 9,8ha. Dự án được triển khai đầu tư xây dựng từ năm 2017. Dự án đã được rao bán rộng rãi trên mạng xã hội từ năm 2017 và 2018.
Tài sản nửa tỷ đô
Ngạc nhiên ở chỗ Công ty Thăng Long Hiệp Phước chây ỳ nộp thuế dù sở hữu tài sản hơn nửa tỷ đô. Công ty TNHH MTV Thăng Long Hiệp Phước thành lập ngày 14/2/2014 với người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Trình (sinh năm 1983). Trước ông Nguyễn Văn Trình, bà Hà Thị Bông là người đứng đầu công ty.
Năm 2015, Thăng Long Hiệp Phước thay đổi giấy phép kinh doanh dù vốn điều lệ vẫn giữ nguyên 47 tỷ đồng. Danh sách thành viên bao gồm Công ty TNHH Thương mại – Xây dựng – Kinh doanh nhà Thanh Nhựt có đại diện là bà Hà Thị Bông (sở hữu 70,21% vốn công ty) và Công ty cổ phần Địa ốc Thăng Long có đại diện là bà Nguyễn Thái Hà (sở hữu 29,79% vốn).
Sau đó, công ty tăng vốn siêu tốc. Tới ngày 31/12/2016, vốn chủ sở hữu của Thăng Long Hiệp Phước đã đạt 4.240 tỷ đồng, sau đó tăng nhẹ dần đều trong năm 2017 và 2018. Tới 2019, vốn tại công ty một lần nữa bứt phá khi đạt 7.412 tỷ đồng, tăng 2.476 tỷ đồng, tương đương 50,2% so với năm 2018.
Tại ngày 31/12/2020, vốn chủ sở hữu Thăng Long Hiệp Phước lập kỷ lục 7.454 tỷ đồng. Cùng với đó, tài sản cũng cao chưa từng có đạt 12.441 tỷ đồng, tăng 2.049 tỷ đồng, tương đương 19,7% so với năm 2019. Như vậy, quy mô tài sản của Thăng Long Hiệp Phước đã vượt mốc nửa tỷ đô la.
Như đã nói ở trên dù có tài sản hơn nửa tỷ đô nhưng Thăng Long Hiệp Phước vẫn liên tục bị “bêu tên” trong danh sách các doanh nghiệp nợ thuế của Cục Thuế tỉnh Đồng Nai.
Doanh thu ngàn tỷ, lợi nhuận cò con
Có quy mô vốn lớn nên Thăng Long Hiệp Phước đạt doanh thu ngàn tỷ. Thế nhưng, bất ngờ ở chỗ lợi nhuận công ty vô cùng khiêm tốn, từ đó chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp của Thăng Long Hiệp Phước cũng bé tí hon.
Cụ thể, năm 2016, Thăng Long Hiệp Phước đạt doanh thu 1.771 tỷ đồng. Và đây cũng là mức cao nhất của công ty trong giai đoạn 2016-2020. Dù nguồn thu lớn nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ là 7,6 tỷ đồng. Như vậy, tỷ suất lợi nhuận/doanh thu của Thăng Long rất khiêm tốn 0,43%, thấp hơn nhiều so với các đối thủ.
Sau đó, năm 2017 là thời điểm Thang Long Home – Hiệp Phước được cấp phép và dự án được rao bán rộng rãi trên mạng xã hội nhưng doanh thu công ty lại giảm xuống chỉ còn 1.626 tỷ đồng. Từ đây, chỉ tiêu này liên tục đi xuống với 900 tỷ đồng (năm 2018), 637 tỷ đồng (năm 2019) và 232 tỷ đồng (năm 2020).
Lợi nhuận sau thuế tại Thăng Long Hiệp Phước biến động thất thường nhưng đều thấp. Từ 2017 đến 2020, chỉ tiêu này chỉ đạt 84,2 tỷ đồng, 48,4 tỷ đồng, 19,8 tỷ đồng và 42,1 tỷ đồng.
Nguồn: Báo xây dựng