Đà Nẵng: Vướng giải phóng mặt bằng làm chậm giải ngân

Ngoài khó khăn do quy định chung về quy trình, thủ tục đầu tư, còn có những vướng mắc, bất cập kéo dài do giải phóng mặt bằng (GPMB). Đây được xem là vướng mắc lớn nhất dẫn đến chậm tiến độ thực hiện các dự án và giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn TP. Đà Nẵng.

da nang vuong giai phong mat bang lam cham giai ngan
Tuyến đường vành đai phía tây là công trình trọng điểm của TP. Đà Nẵng nhưng tiến độ thi công chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra – Ảnh: VGP/Nhật Anh

Tỉ lệ giải ngân không đạt kế hoạch đề ra

Theo báo cáo của Sở KH&ĐT Đà Nẵng, năm 2022, kế hoạch vốn đầu tư công của Thành phố được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao là 5.963,336 tỷ đồng và HĐND Thành phố giao là 7.880,731 tỷ đồng; trong đó, vốn trong nước 7.333,231 tỷ đồng và vốn nước ngoài 547,5 tỷ đồng để đầu tư cho 471 dự án (chưa bao gồm các dự án chuẩn bị đầu tư và lập quy hoạch), giao cho 42 đơn vị, địa phương, ban quản lý dự án làm chủ đầu tư và quản lý dự án.

Ngoài ra, kế hoạch vốn ngân sách địa phương năm 2021 được phép kéo dài và giải ngân đến hết năm 2022 là 128,561 tỷ đồng; kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2020 và năm 2021 của thành phố xin phép được kéo dài và giải ngân đến hết năm 2022 là 302,165 tỷ đồng.

Sở KH&ĐT Thành phố cho biết, cập nhật dữ liệu mới nhất từ Kho bạc Nhà nước tính đến hết ngày 30/6 (văn bản cập nhật ngày 8/7 của Sở KH&ĐT), tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 toàn thành phố đạt 1.885 tỷ đồng, bằng 31,6% kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao và 23,9% kế hoạch do HĐND thành phố giao; trường hợp không kể nguồn dự phòng 341,244 tỷ đồng, giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2022 đạt 25% kế hoạch do HĐND thành phố giao.

Ngoài ra, kế hoạch vốn ngân sách địa phương năm 2021 được phép kéo dài sang năm 2022 đã giải ngân 26,238 tỷ đồng, đạt 20,4% kế hoạch được kéo dài.

Về nguyên nhân làm ảnh hưởng tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP. Đà Nẵng, ngoài các khó khăn thường niên, thường xuyên do các quy định chung về quy trình, thủ tục đầu tư, còn có những vướng mắc, bất cập kéo dài do công tác GPMB. Đây được xem là vướng mắc lớn nhất dẫn đến chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Trong những tháng đầu năm, các chủ đầu tư, quản lý dự án gặp nhiều khó khăn về giá nguyên nhiên vật liệu, giá xăng dầu tăng, có tình trạng khan hiếm nguồn cung về cát, đất để san lấp mặt bằng…

Một số dự án chuyển tiếp vướng giải phóng mặt bằng, chậm giải ngân như: Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng (giai đoạn 1); khu TĐC dự án Làng Đại học Đà Nẵng; tuyến đường 45m đoạn từ đường Lê Hữu Trác đến đường Nguyễn Văn Thoại và đoạn từ Hồ Ngọc Lãm đến Trương Định; tuyến đường trục I Tây Bắc; dự án cải thiện môi trường nước khu vực phía đông quận Sơn Trà; cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý; khu TĐC phục vụ giải tỏa cụm công nghiệp Hòa Nhơn; khu TĐC Tân Ninh mở rộng giai đoạn 1 và 2; cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng để làm Bảo tàng Đà Nẵng; doanh trại Hải đội dân quân thường trực…

Ngoài ra, còn có các công trình mới chưa khởi công, chưa được tạm ứng và chưa có khối lượng để giải ngân.

Cụ thể như: Dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu chưa giải ngân 500 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng cải tạo và bổ sung trang thiết bị Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng giải ngân 2,6 tỷ đồng/140 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng nâng cấp Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng giải ngân 2,3 tỷ đồng/100 tỷ đồng; chung cư xã hội cho người có công với cách mạng tại đường Vũ Mộng Nguyên chưa giải ngân 40 tỷ đồng…

Tiến độ một số công trình trọng điểm của Thành phố còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, như: Tuyến đường ĐH2 từ Hòa Nhơn đi Hòa Sơn, tuyến đường vành đai phía Tây đoạn QL14B đến đường Hồ Chí Minh, tuyến đường vành đai phía Tây 2.

da nang vuong giai phong mat bang lam cham giai ngan
Tuyến đường ĐH2 từ Hòa Nhơn đi Hòa Sơn cũng gặp trở ngại do vướng mắc trong GPMBN và năng lực nhà thầu thi công chưa đáp ứng yêu cầu – Ảnh: VGP/Nhật Anh

Cần tập trung tháo gỡ vướng mắc về GPMB

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, trong thời gian tới, Thành phố tập trung chỉ đạo Hội đồng GPMB các quận, huyện tập trung đẩy nhanh tiến độ đền bù giải tỏa; phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án để có kế hoạch đền bù giải tỏa bàn giao mặt bằng phù hợp với tiến độ thi công của nhà thầu.

Ưu tiên giải ngân kế hoạch vốn GPMB, đền bù giải tỏa và vốn ngân sách Trung ương, nhất là dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, dự án phát triển bền vững TP. Đà Nẵng, dự án cải thiện hạ tầng giao thông TP. Đà Nẵng. Tập trung rà soát, đề xuất điều chỉnh, điều chuyển, cắt giảm kế hoạch vốn năm 2022 đối với các công trình chậm hoặc khó có khả năng giải ngân để bổ sung cho các công trình, dự án có nhu cầu

Tập trung đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thi công hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình đã cam kết gồm: Nâng cấp, cải tạo đường ĐT 601; đường ven sông Tuyên Sơn – Túy Loan; tuyến đường vành đai phía tây đoạn từ Quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh; tuyến đường vành đai phía Tây 2 thuộc dự án cải thiện hạ tầng giao thông; khu công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1); dự án cải thiện môi trường nước khu vực phía Đông quận Sơn Trà…

Tại cuộc họp mới đây, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng kết quả giải ngân vốn đầu tư công toàn Thành phố trong 6 tháng đầu năm đạt thấp, không bảo đảm theo kế hoạch đề ra.

Thường trực Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu trong 6 tháng cuối năm, Thành phố cần tập trung khắc phục hạn chế trong giải ngân nguồn vốn đầu tư công, tiến độ các công trình, dự án. Thực hiện quyết liệt biện pháp giải ngân nguồn vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Thường vụ Thành ủy, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2022.

Lựa chọn các dự án động lực, trọng điểm để tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh trình tự thủ tục, xác định rõ lộ trình thực hiện, trách nhiệm, tiến độ thời gian tại mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương và đánh giá, kiểm điểm trách nhiệm trong từng bước tiến độ, lộ trình.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích