Vương quốc Anh hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thực hành tài chính bền vững
(Xây dựng) – Trong khuôn khổ của chương trình năng lượng Các-bon thấp ASEAN (LCEP), với kinh nghiệm của nước Anh và thực tiễn thực hành tại ASEAN, vào tuần đầu tháng 7 vừa qua, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam đã phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức chuỗi hội thảo góp phần nâng cao nhận thức và năng lực về tài chính bền vững và công bố thông tin theo ESG cho các doanh nghiệp tham dự.
Toàn cảnh sự kiện. |
Công bố thông tin về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đang ngày càng trở nên phổ biến trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn tới các chỉ số phát triển bền vững của doanh nghiệp trước khi ra quyết định đầu tư.
Theo Khảo sát Nhà đầu tư tổ chức Toàn cầu lần thứ 5 với chủ đề hiệu quả về ESG sẽ định hình tương lai của doanh nghiệp do EY Global xuất bản năm 2020, 91% các nhà đầu tư tham gia khảo sát cho thấy kết quả các hoạt động phi tài chính đóng vai trò quan trọng trong quyết định đầu tư của họ đối với một doanh nghiệp. Hơn nữa, đại dịch Covid-19 càng nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của việc hướng tới một mô hình kinh doanh bền vững trong bối cảnh mới, thay vì chỉ dựa vào phương thức kinh doanh truyền thống.
Trong khuôn khổ của chương trình năng lượng Các-bon thấp ASEAN (LCEP), với kinh nghiệm của nước Anh và thực tiễn thực hành tại ASEAN, vào tuần đầu tháng 7 vừa qua, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam đã phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức chuỗi hội thảo, bao gồm: Hội thảo “Giới thiệu về tài chính bền vững” cho các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa (Đồng tổ chức cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổ chức tại Hà Nội; Hội thảo “Tăng cường công bố thông tin ESG và các bài học thực tiễn” cho các công ty niêm yết thuộc lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng – Bảo hiểm (Đồng tổ chức cùng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại chuỗi hội thảo, ông Tom Moody – Giám đốc về Khí hậu và Năng lượng, khu vực Đông Nam Á, Đại sứ quán Anh chia sẻ: “Công bố thông tin theo các tiêu chí ESG sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội và quản trị; khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao hiểu biết về các rủi ro và cơ hội liên quan đến biến đổi khí hậu và các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững khác. Đồng thời, tiêu chí ESG cũng giúp nâng cao tính minh bạch cho các nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các nguồn vốn chảy vào những doanh nghiệp có hoạt động tích cực về ESG”.
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho biết: Thực tế, tài chính bền vững đã nổi lên như một hướng đi giải quyết các thách thức về ESG, giảm thiểu rủi ro đầu tư và hỗ trợ các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Theo đó, việc chuyển đổi sang các hệ thống tài chính phát triển bền vững trở nên cực kỳ quan trọng. Ngày càng nhiều các quốc gia đang phát triển tận dụng tối ưu nguồn tài chính bền vững để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế – tài chính. Các doanh nghiệp Việt Nam không nên đứng ngoài xu hướng này.
“Tài chính bền vững và công bố thông tin ESG là xu hướng phát triển không thể đảo ngược trên toàn cầu. Để giúp doanh nghiệp chuyển dịch theo xu hướng này, cần đẩy mạnh việc xây dựng cơ chế khuyến khích xanh hóa thị trường tài chính, tạo điều kiện để các đơn vị đánh giá độc lập hoạt động tốt tại Việt Nam. Đồng thời, cần tăng cường đào tạo, phát triển và nâng cao năng lực quản trị ESG cho các doanh nghiệp trên thị trường” – ông Nguyễn Việt Long – Phó Tổng Giám đốc, Tư vấn, Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam chia sẻ.
Chương trình năng lượng Các-bon thấp của Vương quốc Anh dành cho các nước ASEAN Chương trình năng lượng Các-bon thấp của Vương quốc Anh dành cho các nước ASEAN 2019-2022 (LCEP) là chương trình hỗ trợ thuộc Quỹ Thịnh vượng của Vương quốc Anh, nhằm giúp các nước ASEAN khai thác các lợi ích từ việc triển khai năng lượng Các-bon thấp thông qua hỗ trợ kỹ thuật của Vương quốc Anh cho hai hợp phần về Tài chính xanh và Sử dụng năng lượng hiệu quả. Hợp phần Tài chính xanh hướng đến thúc đẩy chính sách và hỗ trợ xây dựng các khung quy định về tài chính xanh, tạo điều kiện đầu tư mạnh mẽ hơn về các công nghệ phát thải ít các-bon, bao gồm cả việc làm tăng các dòng tài chính xanh thông qua hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức và tạo cầu nối cho các dự án xanh. |
Nguồn: Báo xây dựng