Bến Cát: Nhiều cơ hội cho nhà đầu tư bất động sản
Hiện nay, việc Bến Cát chuẩn bị lên thành phố đang tiếp tục tạo cú hích cho thị trường bứt phá mạnh mẽ hơn nữa.
Nội lực phát triển của Bến Cát
Nằm ở trung tâm phát triển công nghiệp – thương mại dịch vụ trọng điểm của tỉnh Bình Dương, Bến Cát đang sở hữu hệ thống hạ tầng khá đồng bộ, kết nối liên vùng thông suốt. Có thể kể đến như quốc lộ 13 (đại lộ Bình Dương), quốc lộ 14, đại lộ Mỹ Phước – Tân Vạn – Bàu Bàng, ĐT 741 – Nguyễn Văn Thành, ĐT 742, ĐT 747… Sắp tới, hệ thống này còn được bổ sung nhiều dự án mới, hứa hẹn biến Bến Cát thành một đầu mối giao thông lớn của khu vực. Có thể kể đến như đường Vành đai 4, cao tốc TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, đường sắt TPHCM – Lộc Ninh.
Ngay cả hệ thống giao thông đối nội của Bến Cát cũng đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, cải tạo chỉn chu gồm các tuyến Lê Lợi, Nguyễn Văn Linh, Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt, Trần Đại Nghĩa…
Giai đoạn vừa qua, tốc độ phát triển kinh tế của Bến Cát tăng trưởng bình quân 23,5%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 140 triệu đồng/năm. Đây là những con số rất ấn tượng so với các địa phương khác tại Bình Dương. Thực tế, Bến Cát đang là một trong những địa phương phát triển năng động nhất của tỉnh Bình Dương khi sở hữu nhiều khu công nghiệp nhất với tổng diện tích hơn 8.000ha. Các KCN lớn như Mỹ Phước 1, Mỹ Phước 2, Mỹ Phước 3, VSIP II, Thới Hòa, Protrade, Việt Hương 2, Rạch Bắp… hầu như đã lấp đầy, thu dụng hơn 180.000 lao động.
Sáu tháng đầu năm 2022, Bến Cát tiếp tục thu hút 381 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng số vốn 2.900 tỷ đồng và 176 triệu USD. Lũy tiến, tính đến nay Bến Cát đã thu hút được 5.692 dự án, với tổng số vốn trên 49.000 tỷ đồng và 8,3 tỷ USD. Con số này rất ấn tượng nếu so với gần 40 tỷ USD vốn FDI của toàn tỉnh Bình Dương.
Hệ thống hạ tầng xã hội tại Bến Cát cũng được đầu tư không thua kém Thuận An hay Dĩ An. Hệ thống trường học chuẩn quốc gia và trường quốc tế phủ khắp địa bàn. Đặc biệt, Bến Cát có đến hai trường đại học lớn. Trong đó, trường Đại học quốc tế Việt – Đức diện tích 50 ha (lớn nhất Việt Nam), vốn đầu tư lên đến 200 triệu USD với quy mô đào tạo khoảng 12.000 sinh viên mỗi năm vừa bắt đầu hoạt động. Hệ thống y tế cũng không kém cạnh với các bệnh viện, phòng khám hiện đại như Mỹ Phước, Bến Cát, An Phước, Nhân Nghĩa.
Bên cạnh trung tâm triển lãm – hội nghị Bến Cát và các cơ sở kinh doanh, siêu thị, showroom mật độ dày đặc, Tập đoàn Central Retail đang triển khai trung tâm thương mại Go! có quy mô 3ha tại Bến Cát. Với tổng vốn đầu tư khoảng 40 triệu USD, trung tâm thương mại đa năng này bao gồm các hạng mục như trung tâm kinh doanh thời trang, ẩm thực, siêu thị và vui chơi giải trí. Còn thêm nhiều dự án lớn đang triển khai sẽ tiếp tục bổ sung tiện ích, dịch vụ đa dạng cho Bến Cát như trung tâm thương mại Điện Quang Việt Hoa (Đài Loan), Kim Oanh Plaza…
Cú hích mạnh mẽ từ “thành phố Bến Cát”
Bến Cát đang đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương trước năm 2025. Để hiện thực hóa mục tiêu, Bến Cát đang tăng tốc đầu tư toàn diện về hạ tầng giao thông, hệ thống tiện ích xã hội lẫn phát triển, cải tạo diện mạo đô thị.
Trong giai đoạn 2021- 2025, Bến Cát sẽ hoàn thành các tiêu chí đô thị loại II, xây dựng đô thị hiện đại, văn minh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đây là cú hích mạnh mẽ kỳ vọng sẽ biến thành phố Bến Cát trở thành một trung tâm đô thị công nghiệp – dịch vụ – đầu mối giao thông hàng đầu tại Bình Dương và khu vực phía Nam.
Đặc biệt, theo chiến lược quy hoạch của Bình Dương, Bến Cát sẽ dành quỹ đất lên đến 3.200ha để phát triển công nghiệp, so với Bàu Bàng chỉ có 1.000ha, Bắc Tân Uyên 215ha, Tân Uyên 1.630ha, và TP.Thủ Dầu Một 765ha. Các KCN của Bến Cát không chỉ đón dòng vốn FDI mới đang đổ vào Bình Dương mà còn phục vụ các nhà máy ở khu vực giáp ranh TPHCM di dời đến. Dân số Bến Cát hiện nay khoảng hơn 350.000 người, sắp tới sẽ còn đông đúc hơn nữa vì số lượng lao động đến làm việc, sinh sống sẽ tăng cao.
Một điểm cộng cực lớn cho Bến Cát là vị trí liền kề thành phố mới Bình Dương. Tại đây không chỉ đặt trung tâm hành chính tập trung tỉnh Bình Dương mà còn diễn ra tất cả các hoạt động giao thương, dịch vụ, vui chơi giải trí, thể dục thể thao quan trọng. Như vậy, thành phố Bến Cát sẽ kết nối với thành phố mới Bình Dương hình thành chuỗi đô thị hiện đại bậc nhất của Bình Dương. Đây cũng chính là vùng lõi của thành phố thông minh Bình Dương tương lai.
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều tập đoàn hàng đầu của nước ngoài như Tokyu, GoucoLand, Tập đoàn SP Setia Berhad, Aeon… đã ồ ạt đầu tư tại khu vực này. Mới nhất, Tập đoàn CapitaLand Development cũng gia nhập cuộc chơi khi hợp tác với Becamex IDC triển khai dự án phát triển thành phố thông minh Bình Dương với vốn đầu tư hơn 500 triệu USD, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 13.000 cư dân.
Theo các chuyên gia, việc thành lập thành phố Bến Cát sẽ giúp bất động sản hưởng lợi nhiều nhất bởi các dự án hạ tầng sẽ được ưu tiên đầu tư và mặt bằng giá sẽ nhanh chóng thiết lập mức mới. Bởi mặt bằng giá bất động sản Bến Cát hiện mới chỉ bằng khoảng một nửa so với hai thành phố Dĩ An, Thuận An và thấp xa so với thành phố Thủ Dầu Một. Khảo sát cũng cho thấy một số dự án tại Bến Cát như Mega City, Golden Center City 1 và 2, RichHome 1, RichHome 2… đang có mức tăng giá trên dưới 50% so với thời điểm mở bán.
Tuy nhiên, nhu cầu nhà ở và đầu tư bất động sản tại Bến Cát vẫn đang rất lớn trong bối cảnh phần lớn quỹ đất đã quy hoạch phát triển công nghiệp và dịch vụ, nguồn cung cho thị trường rất hạn chế. Trong quý 2 vừa qua, Bến Cát chỉ được bổ sung nguồn cung đáng kể từ khu đô thị Richland Residence quy mô 15,46ha do Kim Oanh Group phát triển nằm trên đường Trần Đại Nghĩa. Lễ ra mắt dự án này đã thu hút hơn 2.000 khách hàng quan tâm với mức giá chỉ từ 18,6 triệu đồng/m2 kèm chương trình hỗ trợ vay ngân hàng 65% và loạt chiết khấu, ưu đãi lớn.