Quy hoạch đô thị Đà Lạt: “Tấm áo“ nào cho tương lai bền vững?
Chúng ta hoài niệm về giá trị của Đà Lạt trong quá khứ nhưng lại bối rối trước những định hướng cho Đà Lạt ở thì tương lai. Đã từng có những phản biện, thậm chí là đấu tranh gay gắt liên quan đến câu hỏi thành phố thơ mộng này nên phát triển theo hướng nào?
TẬN DỤNG ƯU THẾ THÀNH PHỐ ĐA BẢN SẮC
Không khó để nhận thấy, để phát triển bền vững, Đà Lạt bắt buộc phải giữ được bản sắc của một đô thị di sản. Bởi nếu không, đô thị chỉ có tăng trưởng mà không có phát triển và cái tên Đà Lạt sẽ hòa lẫn trong vô vàn những cái tên khác.
Dưới góc độ kinh tế, bản sắc cũng chính là lợi thế cạnh tranh tương đối. Mỗi đô thị bắt buộc phải có bản sắc mới tạo ra sự hấp dẫn, thu hút đầu tư và kết nối phát triển với các vùng phụ cận. Vậy bản sắc Đà Lạt là gì?
Câu hỏi này làm không ít người yêu Đà Lạt lúng túng. Đôi khi bản sắc không đến từ những công trình kiến trúc, hồ nước, rặng thông già hay ngọn đồi mờ sương và những con đường nhỏ quanh co, mà lại nằm trong tim những người yêu Đà Lạt. Trải qua cả trăm năm nhưng “lối xưa xe ngựa”, “nền cũ lâu đài” vẫn phủ lên xứ sở khói sương này những nỗi huyền cảm khó giải thích thành lời.
Bên cạnh đó, nhiều tài liệu nghiên cứu cho thấy, Đà Lạt có một cộng đồng đa bản sắc. Khởi nguyên hơn 100 năm trước, Đà Lạt là xứ sở của người Lạch (tộc người thiểu số bản địa). Những năm đầu thế kỷ 20, bắt đầu xuất hiện các tầng lớp người Pháp đến làm việc. Sau đó, cư dân của nhiều vùng miền như Hà Nội, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… lần lượt tìm đến, hình thành các ấp dân cư đầu tiên ở đây.
Sự hòa quyện giữa văn hóa Pháp với nét đặc trưng của các vùng miền đã làm nên bản sắc thú vị của con người Đà Lạt, với cái chất “Đà Lạt” thanh lịch, hiền hòa, thoáng đạt, trọng nghĩa tình.
Như vậy, ngoài các yếu tố khí hậu, cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, các công trình di sản kiến trúc thì giá trị văn hóa – con người cũng là một yếu tố quan trọng góp phần làm nên bản sắc thành phố cao nguyên này.
Từ khi đổi mới, Đà Lạt bắt đầu phát triển mạnh và trong “cơn say” phát triển ấy, có lẽ người dân và chính quyền đều tạm quên đi những giá trị bền vững. Để rồi nhiều công trình di sản kiến trúc đã và đang bị đánh đổi bằng những giá trị kinh tế tạm thời. Và khi Đà Lạt chật chội, xô bồ hơn, con người nơi đây cũng mất dần phong thái nền nã, hiền hòa thuở nào.
Thực trạng ấy là kết quả của quy luật phát triển hiển nhiên nhưng có phần nghiệt ngã. Giờ đây, Đà Lạt đang đứng trước nguy cơ đánh mất bản sắc và nếu điều đó thực sự xảy ra, Đà Lạt sẽ không còn chất riêng của nó nữa!
Câu hỏi đặt ra đã lâu, làm thế nào để phát triển mà không đánh mất bản sắc? Mâu thuẫn giữa giữ gìn bản sắc và phát triển kinh tế là câu chuyện chung của nhiều vùng đất, nhiều quốc gia chứ không riêng gì Đà Lạt, Việt Nam. Tuy nhiên, không phải cứ coi trọng bản sắc thì coi nhẹ phát triển và ngược lại. Tại sao không để hai yếu tố này song hành, bổ trợ cho nhau?
HƯỚNG ĐI NÀO ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG?
Chia sẻ tại Midnight Talk số 45 diễn ra ngày 25/6 vừa qua, ông Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch của NgoViet Architects & Planners, là Kiến trúc sư và Quy hoạch sư có trên 30 năm kinh nghiệm quốc tế về tư vấn thiết kế, nghiên cứu, giảng dạy tại các nước trong Vành đai Thái Bình Dương cho rằng: “Chúng ta không nên cực đoan, vì di sản được bảo tồn theo kiểu bảo tàng” sẽ không phù hợp với cuộc sống đang vận động. Nhưng nếu coi trọng yếu tố kinh tế mà xem nhẹ bảo tồn, đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt”.
Thế nhưng, làm thế nào để dung hòa giữa bảo tồn di sản, giữ gìn bản sắc với phát triển kinh tế? Theo KTS. Ngô Viết Nam Sơn, Đà Lạt không của riêng ai bởi nơi đây hiện vẫn là cộng đồng đa bản sắc bậc nhất Việt Nam. Tất cả đều có chung tình yêu Đà Lạt và có những lợi ích thiết thân với nơi này. Nếu xác định được nhu cầu của từng đối tượng, chúng ta sẽ dễ dàng đối thoại, tháo gỡ và hợp tác tốt hơn.
Tán thành quan điểm trên, chuyên gia Kinh tế Trần Sĩ Chương, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Nhân sự Le & Associates, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư HDI, nguyên là cố vấn kinh tế và tiền tệ cho Ủy ban Ngân hàng Quốc hội Hoa Kỳ, cho rằng: “Trọng tâm của việc bảo tồn và phát triển đô thị Đà Lạt phải là con người. Việc quy hoạch Đà Lạt thực ra không phải đến từ lãnh đạo, mà từ sự đồng thuận của những con người liên quan đến vùng đất này”.
Chính vì vậy, ngoài quy hoạch cứng, Đà Lạt cần có thêm bản quy hoạch mềm, đó là cân bằng lợi ích giữa các bên: Chính quyền, nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân. “Thuận tình, thuận lý và hài hòa loại ích kinh tế giữa các bên chính là chìa khóa vàng thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư trong nước và quốc tế”, ông Trần Sĩ Chương chia sẻ.
Tuy nhiên, chỉ đồng thuận ý chí thôi chưa đủ, mà còn cần những giải pháp cụ thể cho Đà Lạt hiện hữu và Đà Lạt trong tương lai. Trong đó việc bảo tồn di sản kiến trúc, cảnh quan là vấn đề tiên quyết, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với thành phố này.
Trước hết, các chuyên gia khuyến nghị chính quyền cần nhanh chóng nghiên cứu, thúc đẩy tiến tới xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố di sản đầu tiên trong cả nước, nhằm tạo hành lang pháp lý và có thêm nguồn lực bảo tồn, phát huy hệ thống di sản hiện hữu.
Bên cạnh đó, cần sớm thành lập Ban quản lý di sản đô thị Đà Lạt, chịu trách nhiệm quản lý tập trung mọi hoạt động phát triển đô thị liên quan đến di sản, là đầu mối xem xét về kiến trúc – quy hoạch cho các dự án xây dựng trong khu vực di sản hoặc vùng lõi trung tâm đô thị.
Phương án Hotel du Printemps (Khách sạn Đồi Dinh) của KTS. Thierry Van de Winagaert, đơn vị tư vấn Escape Architecture International (EAI) tuy được UBND tỉnh Lâm Đồng lựa chọn, nhưng vẫn không nhận được sự đồng thuận của dư luận do thiếu yếu tố bảo tồn và chưa hài hòa với lợi ích của người dân (Nguồn: groupe-eai.vn)
Thứ hai, để giải quyết hài hòa nhu cầu an cư lạc nghiệp chính đáng của người dân mà vẫn giữ được những giá trị di sản, chuyên gia Kinh tế Trần Sĩ Chương cho rằng, Đà Lạt có thể để lại nguyên bản những khu di sản vùng lõi như khu di sản phố Pháp, khu di sản phố Việt, khu Trung tâm Hòa Bình. Còn không gian đô thị mới nên xây dựng ở vùng ven và mở rộng liên kết với các đô thị vệ tinh khác như Bảo Lộc, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết, thay vì chỉ liên kết với TP.HCM như hiện nay.
Mặt khác, rất cần bản quy hoạch có tầm nhìn dài hạn, để “tấm áo mới” cho Đà Lạt vẫn còn phù hợp sau cả 100 – 200 năm. Thậm chí, đôi lúc chúng ta phải hy sinh lợi ích ngắn hạn, trung hạn để hướng đến tương lai bền vững.
Trong quá trình mở rộng ấy, bản sắc địa phương vẫn luôn là động lực kiến tạo không gian mới nhằm hài hoà giữa con người với môi trường xung quanh, đồng thời là công cụ mạnh mẽ trong việc giải quyết các thách thức về kinh tế và môi trường.
Thứ ba, đằng sau những khu nhà kính, nhà lưới trắng xóa chính là nhu cầu phát triển kinh tế, nâng cao đời sống chính đáng của hàng trăm nghìn người dân. Và việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng được khuyến khích. Vậy làm thế nào để phát triển kinh tế mà không ảnh hưởng đến cảnh quan, khí hậu, môi trường?
Trả lời câu hỏi này, KTS. Ngô Viết Nam Sơn đề xuất Đà Lạt có thể chuyển dịch kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghệ cao và sinh thái, kết hợp du lịch nông nghiệp. Chính quyền và người dân có thể tham khảo kinh nghiệm từ Tehran (Iran) trong việc quy hoạch những khu nhà kính đồng bộ, bài bản. Bên cạnh mỗi khu nhà kính sẽ xen kẽ khu trồng ngoài trời để đảm bảo cảnh quan vẫn có những mảng xanh và giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu, nhiệt độ tăng và ngập lụt như thực tế đang diễn ra ở Đà Lạt.
Đồng thời, Đà Lạt có thể tham khảo thêm mô hình Eco – village (làng sinh thái) ở Amsterdam (Hà Lan). Nơi đây đã xây dựng những nhà kính xen kẽ nông trại ngoài trời để giải quyết vấn đề ngập úng và phát triển mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái, cũng là một phương án đảm bảo sinh kế cho người dân.
Thứ tư, các chuyên gia khuyến nghị Đà Lạt nên có chính sách thu hút tư nhân tham gia cải tạo di sản, gắn với phát triển kinh tế. Cũng tương tự như cơ chế hợp tác Công tư (Puplic – Private Partnership – PPP) phổ biến ở các nước tiên tiến, vừa tạo cơ hội phát triển kinh tế vừa giải quyết bài toán tài chính cho công tác bảo tồn, giảm gánh nặng cho Nhà nước.
Thứ năm, số liệu thống kê của Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Lâm Đồng 2020 cho thấy, có gần 5 triệu khách du lịch đến với Đà Lạt nhưng số lượng khách trở lại Đà Lạt đang giảm và thua xa các đô thị biển ở Việt Nam. Làm thế nào để giữ chân du khách và thu hút thêm du khách quốc tế?
Bàn về điều này, các chuyên gia đều nhận định, việc giữ gìn chợ truyền thống và những khu phố thương mại mang hồn cốt một Đà Lạt xưa cũ là điều cần thiết. Thay vì xây dựng nhiều trung tâm thương mại, nên tập trung cho công trình văn hóa và sinh hoạt cộng đồng, là những yếu tố Đà Lạt cần mà đang rất thiếu.
Thế nhưng, để hiện thực hóa giấc mơ phát triển bền vững cho Đà Lạt, buộc phải có những hành động cụ thể chứ không chỉ là phương án trên giấy.
Và dự án Phố bên đồi chính là sự chung tay xây dựng một Đà Lạt giàu bản sắc, đáng yêu, đáng nhớ, song song với việc thu lợi về kinh tế. Chia sẻ thêm về điều này, ông Nguyễn Trung Hiền, Founder của dự án cho biết, để Đà Lạt phát triển bền vững, không thể bỏ qua yếu tố văn hóa. “Một thành phố giàu bản sắc như Đà Lạt rất hợp với xu hướng xây dựng thành phố Văn hóa, thành phố Sáng tạo, bằng cách tạo thêm nhiều bảo tàng, phòng trưng bày hay những không gian phục vụ sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật”, ông Nguyễn Trung Hiền chia sẻ.
Phố bên đồi ra đời năm 2016, bao gồm những chương trình nghệ thuật đa hình thái mang tính kết nối cộng đồng đầu tiên ở Việt Nam, có mục tiêu định vị thành phố đáng yêu này trở thành điểm đến văn hóa độc đáo của khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, dự án còn nhằm khuyến khích nâng cao nhận thức về bảo vệ và phát triển bền vững môi trường đô thị.
Làng Bích Họa, một dấu ấn của Phố bên đồi (Nguồn: tgroup.vn)
Một trong những dấu ấn của Phố bên đồi là con hẻm nhỏ với cái tên thân mật “Dốc nhà làng”, thu hút sự chú ý của du khách bởi những bức bích họa độc đáo. Trong quá khứ, nơi đây quen thuộc với bao thế hệ người dân địa phương cũng như du khách gần xa trong dáng vẻ rêu phong, cũ kỹ. Sau hơn nửa thập kỉ, những con hẻm nhỏ bình thường này bỗng được thổi hồn bởi các nghệ sĩ trẻ yêu Đà Lạt đến từ dự án của Founder Nguyễn Trọng Hiền.
Có lẽ, Đà Lạt là thành phố hiếm hoi còn lại của Việt Nam đủ điều kiện để phát triển mô hình như Hội An đã làm được. Đó là việc người dân làm chủ không gian văn hóa, phát huy bản sắc, dẫn dắt sự thay đổi và tạo ra sức hút cho đô thị nơi mình sinh sống.
Như vậy, Đà Lạt trong tương lai hoàn toàn có thể phát triển theo mô hình đô thị “đa trung tâm”, “đa bản sắc”. Trong quá trình đó, việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế là cần thiết.
VƯƠN TỚI THỊNH VƯỢNG BỀN VỮNG NHƯ NHIỀU ĐÔ THỊ DI SẢN TRÊN THẾ GIỚI
Với kinh nghiệm làm việc nhiều năm trong lĩnh vực Quy hoạch tại Nhật Bản, TS.KTS. Tô Kiên, Kiến trúc sư Quy hoạch và Chuyên gia Cao cấp, Tập đoàn Tư vấn Phát triển Hạ tầng Eight-Japan (EJEC) Nhật Bản kiêm Giảng viên Cao cấp Đại học UEH, TP.HCM cho biết, Đà Lạt có thể học tập Karuizawa, một danh thắng tỉnh Nagano (Nhật Bản), trong đó cần thiết phải bám trụ giá trị cốt lõi và xây dựng hình ảnh thương hiệu đối với một thành phố du lịch.
Karuizawa hiện là một hình mẫu về bảo tồn thiên nhiên, cảnh quan đô thị truyền thống và tăng trưởng xanh. Nơi đây đã bảo tồn tốt khu vực trung tâm đô thị cũ là Kyu-Karuizawa, khá giống với khu Hòa Bình ở Đà Lạt. Ngoài khu trung tâm, Karuizawa còn có nhiều biệt thự nghỉ dưỡng trong rừng, nhiều khu mua sắm nổi tiếng như quần thể Prince Shopping Plaza và phố chợ truyền thống Kyu-Karuizawa Ginza.
Bài học tuyệt vời Karuizawa mang lại là chính quyền địa phương luôn bảo tồn rất tốt không gian đô thị về mặt di sản, bản sắc, song vẫn cung cấp hoàn hảo các dịch vụ du lịch và thương mại, tạo điều kiện cho du khách lưu trú dài ngày, đóng góp rất lớn vào nguồn thu của địa phương.
Đà Lạt có nhiều điểm tương đồng với Karuizawa ở hình ảnh núi đồi, hồ nước và cả những biệt thự phương Tây cổ kính. Đồng thời, cả hai địa phương đều có sự pha trộn giữa giá trị văn hóa bản địa và văn hóa phương Tây để lại. Vậy thì, với sự chung tay của người dân, chính quyền, chuyên gia và các nhà đầu tư có tâm, có tầm, Đà Lạt hoàn toàn có thể thực hiện được khát vọng xây dựng một đô thị di sản, nơi người dân có thể sống cộng sinh bền vững cùng thiên nhiên tuyệt đẹp như Karuizawa đã làm được.
Bên cạnh đó, KTS. Ngô Viết Nam Sơn cũng nhận định, nếu ngay từ đầu, chúng ta không có một cơ chế khác biệt cho TP. Đà Lạt, sẽ khó có thể thành công. Dựa trên kinh nghiệm khi tham gia quy hoạch cho khu Phố Đông (Thượng Hải), là dự án quy hoạch hai bên bờ sông Hoàng Phố, KTS. Ngô Viết Nam Sơn cho biết, Thượng Hải đã rất lưu tâm đến việc bảo tồn di sản song hành với phát triển kinh tế.
Theo đó, chính quyền chủ trương giữ gìn bờ Tây, là khu vực có nhiều giá trị si sản, còn phía Đông được xây dựng lại hoàn toàn. Và nhờ cách tiếp cận, chuẩn bị kỹ lưỡng và tiến hành thận trọng, đồng bộ giữa các tổ chức, cơ quan, địa phương, chỉ sau 15 năm, Phố Đông đã trở thành trung tâm kinh tế mới của châu Á.
Bài học mà Việt Nam có thể tiếp cận, đó là Chính phủ Trung Quốc đã trao cho Phố Đông một cơ chế đặc biệt, năng động, cởi mở chưa từng có. Trong đó, những nhà quản lý của Phố Đông có rất nhiều quyền hạn trong việc thu hút vốn đầu tư, không phải xin phép Trung ương mà được tự quyết định.
Mặt khác, phương án quy hoạch linh hoạt ở chỗ không phủ kín hoàn toàn mà chừa lại một số diện tích đất để phát triển theo nhu cầu. Ngoài ra, đối với nhiều dự án khác, Chính phủ nước này cũng thường đóng vai trò kêu gọi đầu tư, dẫn dắt thực hiện, còn nguồn vốn hầu như đến từ các đơn vị tư nhân.
Bờ Đông sông Hoàng Phố phát triển trở thành trung tâm kinh tế trong khi bờ Tây vẫn bảo tồn được các giá trị di sản
Còn ở Việt Nam, các nhà quản lý đô thị vẫn lên kế hoạch và quy hoạch theo kiểu đơn lẻ. Một cơ quan làm xong rồi chuyển cho cơ quan khác lấy ý kiến, chứ không phải tất cả cùng suy nghĩ và đưa ra một quyết định tập thể. Bài học của Thượng Hải là một cơ chế làm việc đa ngành song song ngay từ những bước đầu tiên.
Đà Lạt đang đặt ra tham vọng rất lớn trong việc trở thành thủ phủ du lịch nội địa và thu hút du khách quốc tế trong tương lai, đồng thời hướng tới xây dựng đô thị di sản. Thế nhưng để vươn tới tương lai ấy một cách bền vững vẫn còn là một thách thức lớn đối với chính quyền và người dân nơi đây.
Tuy nhiên, bằng việc xác định lại mục tiêu phát triển bền vững dựa trên bản sắc độc đáo, với sự cầu thị của chính quyền địa phương, chắc chắn Đà Lạt vẫn còn cơ hội thực hiện mong muốn đó./.