300 ha Tân Thuận có thể làm quảng trường, biểu tượng cho TP.HCM

Ông Phan Chánh Dưỡng ví 300 ha đất KCX Tân Thuận là một khúc gỗ, thế nhưng muốn phát huy sức mạnh, thành phố phải xác định đúng tầm của khúc gỗ này để chế tác cho tương xứng.

Khu công nghệ cao, xen kẽ đất ở, khu phức hợp chuỗi dịch vụ thương mại, y tế, giáo dục… là những vai trò mới mà UBND quận 7 và các chuyên gia vừa đề xuất thay thế cho Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) khi hết hạn thuê đất vào 19 năm tới.

Là một trong những “cha đẻ” của Khu chế xuất Tân Thuận 33 năm về trước, ông Phan Chánh Dưỡng (nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Liên doanh Khu chế xuất Tân Thuận), đã tính đến tương lai cho khu đất 300 ha này từ lúc đặt ngòi chì lên bản đồ.

Không riêng khu chế xuất Tân Thuận, ông Dưỡng còn là người đặt những viên gạch đầu tiên cho Khu đô thị Nam Sài Gòn, tham gia quá trình hình thành khu đô thị Phú Mỹ Hưng, tuyến đường Nguyễn Văn Linh, Khu công nghiệp cảng Hiệp Phước và tạo ra động lực cho toàn vùng Nhà Bè phát triển.

Chặng đường mới cho 300 ha Tân Thuận

Đúng như tầm nhìn của người “phôi thai” nên khu chế xuất Tân Thuận hơn 30 năm trước, mô hình này đã rất thành công trong suốt quá trình thành phố và cả nước hội nhập kinh tế thế giới.

Câu hỏi khi khu chế xuất dời đi, Tân Thuận nên làm gì cũng đã được ông Phan Chánh Dưỡng dự liệu sẵn. Đó là mở ra một quảng trường 100 ha trong 300 ha hiện hữu. Phần còn lại, thành phố có thể xây các công trình thể hiện kiến trúc, văn hóa Việt Nam.

Theo ông, TP.HCM sở hữu một dòng sông Sài Gòn rất đẹp, thế nhưng vẫn chưa có một quảng trường rộng đủ cho tất cả người dân. Nơi sẽ trở thành biểu tượng tiêu biểu, niềm tự hào ghi dấu ấn một đô thị tràn đầy sinh khí của cả nước. Và Tân Thuận nên được tận dụng để làm điều đó.

TP.HCM thiếu biểu tượng ghi dấu ấn cho người Việt ở thiên niên kỷ thứ 3

Ông Phan Chánh Dưỡng

“30 năm miệt mài, thành phố có một khu đô thị đẹp nhất Việt Nam là Phú Mỹ Hưng. Dù vậy, tôi cho rằng nó vẫn chưa đủ tầm với TP.HCM, với con người Việt Nam ở thiên niên kỷ thứ 3. Sở dĩ tôi dùng từ thiên niên kỷ thứ 3 là 1.000 năm vì thế hệ tôi đã hết. Những thế hệ khác sẽ tiếp nối”, ông Phan Chánh Dưỡng nói.

300 ha tan thuan co the lam quang truong bieu tuong cho tphcm
Khu chế xuất Tân Thuận giáp sông Sài Gòn, cách trung tâm TP.HCM 4 km và cách khu đô thị Phú Mỹ Hưng 1,5 km. Ảnh: Duy Hiệu

Nặng lòng với mảnh đất Tân Thuận từ khi còn là vùng sình lầy, ông Dưỡng cho rằng khi hết nhiệm vụ “khổ sở” ban đầu, Tân Thuận xứng đáng được hưởng vinh dự lớn hơn – một sứ mệnh thể hiện sức mạnh của thành phố.

“Tân Thuận giống như một ‘cô con gái lọ lem’, bị nhấn dưới bùn, cả nghìn năm nghèo khổ, rửa mặt mày 50 năm cho thành phố. Bây giờ nếu bắt cô lọ lem đi làm khu công nghiệp nữa có phải mình đối xử tệ với nó không?”, ông Phan Chánh Dưỡng trăn trở.

Theo ông Dưỡng, thành phố không nên dành 300 ha đất quý báu để làm nhà ở, trường học, hay khu công nghệ. Vì những chức năng này không nhất thiết đặt tại Tân Thuận mới phát huy được sức mạnh, thu hút kinh tế.

“Nếu như vậy chúng ta đã sử dụng miếng đất không đúng tầm của nó”, ông Dưỡng nói.

300 ha tan thuan co the lam quang truong bieu tuong cho tphcm
KCX Tân Thuận tập trung chủ yếu những ngành công nghiệp sản xuất truyền thống. Nhiều cơ sở, nhà xưởng tại đây đã xuống cấp trầm trọng, một số không còn hoạt động. Ảnh: Quỳnh Danh.

TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch Ngô Viết Architect & Planners, nhìn nhận TP.HCM nên cân nhắc về đề xuất lấy khu chế xuất Tân Thuận làm đất ở. Vì nếu trở thành đất ở, nơi đây sẽ chỉ tạo ra cơ hội phát triển địa ốc thay vì cơ hội phát triển kinh tế cho TP.HCM.

Vị KTS nhìn nhận điều KCX Tân Thuận đang thiếu không phải là nhà ở mà là chỗ làm việc thu nhập cao cho người dân. Một khu chế xuất lớn như Tân Thuận đang tạo ra công ăn việc làm cho hơn 60.000 lao động khi chuyển đi sẽ cần nguồn công ăn việc làm khác thay thế.

Còn dưới góc nhìn của TS.KTS Hoàng Ngọc Lan, Giảng viên Khoa Quy hoạch, Đại học Kiến Trúc TP.HCM, bà cho rằng Tân Thuận ở 20 năm sau nên phục vụ chức năng nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp, đào tạo nhân lực chất lượng cao và sản xuất kinh doanh sản phẩm công nghệ cao.

Bà cho rằng ngoài các chức năng trên, đề xuất xen kẽ là khu phức hợp đô thị (dịch vụ, thương mại, y tế, giáo dục…, đất ở) của quận 7 cũng cần được xem xét. Đây là quỹ đất nâu (brownfield) nên dễ dàng để tái phát triển thành các khu chức năng mới cho đô thị.

“Quỹ đất phải được tận dụng nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân, hướng tới phát triển TP.HCM là đô thị đáng sống. Tuy nhiên, TP.HCM nên nghiên cứu khu chức năng này theo các hướng phát triển không gian xanh, đô thị sinh thái thông minh, không carbon… để tạo điểm nhấn mới cho địa bàn và thành phố, phù hợp với xu thế chung của thế giới”, TS.KTS Hoàng Ngọc Lan gợi mở.

Quá trình hình thành khu chế xuất

Năm 1989, ông Dưỡng cùng nhóm nghiên cứu kinh tế được TP.HCM giao xây dựng đề án thu hút đầu tư nước ngoài. Sau 2 năm mò mẫm ở vùng đất sình lầy Tân Thuận Đông, ý tưởng làm khu chế xuất Nhà Bè (quận 7 ngày nay) của ông Dưỡng đưa ra được chấp thuận.

300 ha tan thuan co the lam quang truong bieu tuong cho tphcm
Ông Phan Chánh Dưỡng. Ảnh: Đại học Fulbright.

Thế nhưng không quá suôn sẻ, đề án của ông ít lâu sau đó phải gác lại. Ông lui về để đơn vị khác thực hiện vì thành phố muốn làm khu chế xuất ở Cát Lái (TP Thủ Đức).

Không ngẫu nhiên khi tất cả nhà máy hết hạn hợp đồng năm 2041, điều này đã được tính trước

Ông Phan Chánh Dưỡng

Sau một năm, đề án ở Cát Lái không thể triển khai, thành phố quay lại đề nghị nhóm ông Dưỡng về làm khu chế xuất đầu tiên của cả nước ở Tân Thuận.

Khu chế xuất Tân Thuận ra đời đã tạo ra sự bứt phá cho cả nước trong sản xuất, xuất khẩu, đưa đến việc làm cho hàng chục nghìn lao động trong thành phố.

Tháng 9/2041, khu chế xuất Tân Thuận sẽ hết hạn thuê đất. Toàn bộ nhà máy, doanh nghiệp đang hoạt động cũng đồng loạt kết thúc hợp đồng.

Ông cho biết từ những ngày “nhào nặn” Tân Thuận, nhóm nghiên cứu đã tính đến tương lai cho đứa con tinh thần này.

Kết thúc hợp đồng 50 năm, khu chế xuất sẽ được chuyển về Khu công nghiệp cảng Hiệp Phước đã hình thành với quy mô 2.000 ha ở Nhà Bè, cách Tân Thuận hiện tại 15 km.

“Nhiệm vụ của khu chế xuất sẽ hết sau 50 năm. Khi ấy, mảnh đất Tân Thuận vẫn là tài sản rất quý giá cho TP.HCM”, ông Dưỡng chia sẻ.

300 ha tan thuan co the lam quang truong bieu tuong cho tphcm
Mảnh đất sình lầy hơn 30 năm trước ở Nhà Bè được nhắm đến phát triển khu chế xuất, nay là quận 7. Ảnh: Công ty Phú Mỹ Hưng.

Trong tương lai, quận 7 sẽ trở thành trung tâm của thành phố mới – thành phố Nam Sài Gòn hiện đại. Nếu có tầm nhìn xa, chiến lược thu hút đầu tư mạnh mẽ đi cùng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển của chính quyền địa phương, quận 7 sẽ khoác lên mình chiếc áo xứng tầm.

Còn trước mắt, thành phố cần chọn đúng chặng đường cho mảnh đất trên bán đảo Tân Thuận này.

Cuối tháng 6, UBND quận 7 tổ chức Hội thảo khoa học Chiến lược phát triển quận 7 đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, nhằm tìm ra lộ trình phát triển bền vững cho địa phương trong tương lai.

Tại đây, Phó chủ tịch UBND quận 7 Lê Văn Thành đề xuất chuyển đổi ngành công nghiệp truyền thống tại khu chế xuất Tân Thuận sang phát triển công nghệ cao, xen kẽ đất ở, dịch vụ thương mại.

Cựu lãnh đạo TP.HCM Nguyễn Văn Đua cũng đặt vấn đề 300 ha đất Tân Thuận cần được định hình lại để phát triển dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, văn phòng, khách sạn, thương mại chất lượng cao để làm “hậu cần” cho Trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm.

300 ha tan thuan co the lam quang truong bieu tuong cho tphcm
Vị trí khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP.HCM). Ảnh: Google Maps.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích