Bình Dương cấp phép dự án Legacy Central có 8 căn hộ ở kết hợp thương mại dịch vụ có phù hợp với luật?

(Xây dựng) – 8 căn hộ ở kết hợp thương mại dịch vụ nằm trong dự án cao 29 tầng, của Công ty Phát triển Thuận Lợi được cấp phép không phù hợp với Luật Nhà ở và các quy định hiện hành.

binh duong cap phep du an legacy central co 8 can ho o ket hop thuong mai dich vu co phu hop voi luat
Dự án đang được triển khai.

Ngày 4/8/2020, Sở Xây dựng Bình Dương đã cấp Giấy phép xây dựng số 2886 cho dự án Chung cư Thuận Giao – Legacy Central thuộc Công ty Phát triển Thuận Lợi. Dự án bao gồm 2 block cao 29 tầng nổi, 1 tầng hầm và 1 tầng tum, công trình có chiều cao 99,5m, được xây dựng trên diện tích 5.424,4m2 với quy mô 1.802 căn hộ.

Theo giấy phép, dự án có phần thân bao gồm khối đế 03 tầng. Trong đó, tầng 2, 3 bố trí làm nơi đậu xe, các phòng kỹ thuật, sinh hoạt cộng đồng, sân ngoài trời và bể bơi. Tại tầng 1 có diện tích sàn xây dựng là 5.424,4m2 được bố trí là sảnh đón khách, các không gian thương mại dịch vụ, nhà trẻ, phòng sinh hoạt cộng đồng… và đặc biệt là 08 căn hộ ở kết hợp thương mại dịch vụ. Điều đáng nói ở đây, việc cấp phép cho 08 căn hộ ở không phù hợp với Luật Nhà ở hiện hành.

Theo Luật sư Trần Đức Phượng – Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư (QCVN 04:2019/BXD), ban hành theo theo Thông tư 21/2019/TT-BXD ngày 31/12/2019 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020 (từ ngày 05/7/2021 đã được thay thế bằng QCVN 04:2021/BXD), theo đó nhà chung cư hỗn hợp có phần diện tích có công cho các chức năng khác, bao gồm: văn phòng, nhà hàng, siêu thị, khách sạn, căn hộ lưu trú, văn phòng kết hợp lưu trú và các dịch vụ khác.

Tuy nhiên, QCVN 04:2019/BXD không có quy định nào hỗn hợp hoàn toàn không có phần diện tích có công hay tên gọi “căn hộ ở kết hợp thương mại – dịch vụ (shophouse)” như trong Giấy phép xây dựng số 2886/GPXD ngày 04/8/2020.

“Đây là trường hợp cấp giấy phép xây dựng vi phạm điều cấm của Khoản 11 Điều 6 Luật Nhà ở và không đúng QCVN 04:2019/BXD. Sở Xây dựng đã tự đưa ra một loại hình bất động sản mới hoàn toàn không có trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành”, Luật sư Phượng nói.

Tình trạng nhiều cơ quan tại các địa phương xé rào pháp lý đưa ra các quy định không có trong văn bản pháp luật như: đất ở không hình thành đơn vị ở, giao loại đất ở cho dự án cơ sở lưu trú du lịch,… hay như trường hợp trên là gọi “căn hộ ở kết hợp thương mại – dịch vụ (shophouse)” đang tạo ra những ưu ái, lợi ích riêng đối với các chủ đầu tư, tạo ra môi trường bất bình đẳng và cạnh tranh trong đầu tư và kinh doanh giữa các doanh nghiệp, thay vì cùng xây dựng trong văn bản pháp luật và cùng thực hiện.

Với việc cấp phép này, những phần diện tích trên, chủ đầu tư và người sử dụng sẽ bị vướng trong nhiều quy định về cấp giấy chứng nhận và quá trình sử dụng, ẩn chứa các tranh chấp với các cư dân khác.

Ngoài ra, đáng lưu ý theo Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật là tiếng Việt, ngôn ngữ sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu. Rất tiếc là càng ngày xuất hiện ngày càng phổ biến trong các văn bản pháp luật nhưng sử dụng tiếng nước ngoài.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích