Thanh Hóa: Cần xử lý dứt điểm những vi phạm tại các xưởng sản xuất đá thôn Nam Thôn, xã Hà Tân
(Xây dựng) – Mới đây, Báo điện tử Xây dựng có bài “Thanh Hóa: Nhiều doanh nghiệp vi phạm an toàn lao động, bảo vệ môi trường ở các xưởng sản xuất đá tại Hà Tân”, phản ánh về thực trạng đáng báo động trong lĩnh vực này tại Hà Tân. Từ phản ánh của báo chí, vừa qua Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa phối hợp với huyện Hà Trung đã tiến hành kiểm tra, bước đầu làm rõ một số sai phạm về bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp này.
6 cơ sở tại thôn Nam Thôn, xã Hà Tân, huyện Hà Trung được kiểm tra đều có những vi phạm về bảo vệ môi trường. |
Tất cả các doanh nghiệp được kiểm tra đều vi phạm về bảo vệ môi trường
Ngày 27/6/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã có Thông báo số 129/TB-STNMT về “Kết quả kiểm tra, xác minh theo phản ánh về ô nhiễm môi trường tại một số cơ sở sản xuất đá xẻ, chế biến đá ốp lát trên địa bàn thôn Nam Thôn, xã Hà Tân, huyện Hà Trung”. Sau khi nêu cụ thể về từng trường hợp, trong đó cả 6 cơ sở được kiểm tra đợt này đều có những vi phạm về bảo vệ môi trường. Tại phần II – Nhận xét và kiến nghị của thông báo có nêu: “Qua kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại 06 cơ sở cho thấy, công tác này chưa được các cơ sở thực sự quan tâm, chú trọng; đa số các cơ sở chưa có đầy đủ hồ sơ, thủ tục về môi trường; hệ thống mương thu gom bột đá thải, các ao lắng, bể lắng lọc được đầu tư sơ sài, chưa đầy đủ; biện pháp giảm thiểu bụi trong và ngoài khuôn viên chưa được xử lý triệt để; công tác vệ sinh môi trường trong và ngoài khuôn viên chưa được dọn dẹp gọn gàng, sạch sẽ”.
Căn cứ vào những tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đã lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 06 cơ sở do hành vi vi phạm như: Đổ chất thải rắn công nghiệp thông thường trái quy định; xả nước thải ra ngoài môi trường vượt QCCP. Tổng số tiền xử phạt 39 triệu đồng (ngày 1/7/2022, Chánh Thanh tra Sở đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 06 cơ sở này).
Cùng với xử phạt, Thông báo của Sở Tài nguyên và Môi trường còn yêu cầu các doanh nghiệp phải lập hồ sơ, đề nghị các cấp có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường cho dự án theo quy định. Đồng thời đầu tư đầy đủ các công trình thu gom, xử lý chất thải, nước thải, định kỳ nạo vét bột đá tại các ao lắng; lập hồ sơ giao nhận bột đá thải, đá cắt cạnh thải khi chuyển giao cho các cơ sở tận dụng lại, nghiêm cấm đổ thải ra môi trường…
Ô nhiễm “bức tử” nguồn nước tưới tiêu
Trong phần kết quả kiểm tra đối với cả 06 cơ sở, đều có nêu tóm tắt như sau: “cơ sở còn một số tồn tại như: các ao chứa nước thải và lắng bột đá xây dựng chưa đảm bảo quy cách, một phần bột đá, đá cắt cạnh thải loại đang đổ thải trái quy định (phía ao tiếp giáp với mương Đồng Hang) có nguy cơ tràn xuống mương khi mưa lớn”. Ngoài nhận xét trên, thông báo còn nêu đã lấy 01 mẫu nước thải cơ sở đang thải ra mương Đồng Hang để phân tích, đánh giá, kết quả cho thấy chỉ tiêu TSS vượt 1,28 lần (kết quả này cũng là kết quả chung nếu phân tích mẫu nước thải của cả 06 cơ sở – PV).
Để xác minh thực trạng ô nhiễm môi trường do chất thải từ các xưởng sản xuất đá, PV Báo điện tử Xây dựng đã tới mương Đồng Hang tại địa bàn thôn Nam Thôn. Với chiều dài khoảng 1km, từ khu vực ruộng Dàn Bò nối con mương với kênh 3 rồi chảy về suối Rét xuống xã Hà Yên. Con mương chảy qua cụm công nghiệp Hà Tân, len lỏi giữa các xưởng đá thôn Nam Thôn, hai bên bờ cỏ cây chen lấn, nhiều đoạn mương thu hẹp chỉ còn khoảng 1m, dòng nước đục chảy lờ đờ, trắng xóa màu bột đá. Chỉ quan sát bằng mắt, không cần phải lội xuống mương, PV đã cảm nhận lượng bột đá tích trữ dưới lòng mương là khá nhiều.
Các cơ sở sản xuất đá gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. |
Thấy PV tác nghiệp, vài người dân địa phương tới hỏi chuyện rồi bức xúc cho biết: Dòng mương này là nguồn cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp của bà con trong thôn, trước đây vốn trong xanh, mát lành đầy ắp nước. Nhưng từ lâu nay đã trở nên ô nhiễm nghiêm trọng do chất thải từ việc sản xuất đá gây nên. Trước tình hình này, dân đã nhiều lần “kêu” lên xã, lên huyện và cấp trên đã nhiều lần về kiểm tra. Nhưng không hiểu sao tình hình vẫn không thay đổi và dòng mương cứ thế “chết dần” trong nỗi bất lực của bà con.
Như vậy, qua kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ ra được những vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 06 cơ sở sản xuất đá tại thôn Nam Thôn, xã Hà Tân. Kết quả này, theo chúng tôi chỉ mới là kết quả bước đầu trong phạm vi công tác bảo vệ môi trường. Bên cạnh những vi phạm đã được làm rõ, tại các doanh nghiệp khai thác, sản xuất đá này còn tồn tại nhiều vấn đề cần kiểm tra, xử lý (như Báo điện tử Xây dựng đã nêu). Trong đó có biểu hiện vi phạm về công tác vệ sinh, an toàn lao động, trang bị đồ bảo hộ lao động cho công nhân làm việc tại các xưởng sản xuất. Cùng với đó là những câu hỏi đặt ra về việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động của các doanh nghiệp này, trong đó có việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ, phát hiện bệnh nghề nghiệp và chế độ chăm sóc sức khỏe, tập huấn về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động tại đây (lĩnh vực này thuộc thẩm quyền của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh).
Vi phạm kéo dài, bất chấp sự kiểm tra, xử lý
Cũng về các doanh nghiệp khai thác, sản xuất đá tại Hà Trung, trước đó, năm 2021, UBND huyện cũng đã thành lập các Đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành để kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp này. Dựa trên kết quả kiểm tra, giám sát, trong tháng 6 và tháng 7, UBND huyện Hà Trung đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với Công ty Cổ phần Khoáng sản Phong Thủy (địa chỉ vi phạm tại xã Yến Sơn) số tiền 10.000.000 đồng về hành vi “khai thác vượt ranh giới khu vực cấp phép 542m2”; xử phạt Hợp tác xã Công nghiệp Thạch Bền (địa chỉ vi phạm tại xã Hà Tân) số tiền 100.000.000 đồng, buộc ngừng khai thác 6 tháng về hành vi: Khai thác không đúng trình tự, không đúng hệ thống khai thác, không đúng một trong các thông số khai thác, gồm: Chiều cao tầng, góc sườn thẳng đứng; xử phạt Công ty Cổ phần Lương Loan (địa chỉ vi phạm, xã Hà Tân) số tiền 15.000.000 đồng về hành vi “Khai thác khoáng sản có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được cấp phép khai thác (theo bề mặt) 605,1m2.
Ngoài kiểm tra, xử phạt như đã nêu tại địa bàn huyện Hà Trung, mặc dù trong 3 doanh nghiệp bị xử phạt, không có các doanh nghiệp tại thôn Nam Thôn. Nhưng được biết qua kiến nghị của người dân thôn Nam Thôn, UBND xã Hà Tân cũng như huyện Hà Trung và Sở Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều đợt kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu các doanh nghiệp khai thác, sản xuất đá trên địa bàn, phải tuân thủ nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường (trong đó có các doanh nghiệp tại thôn Nam Thôn). Tuy nhiên, tình trạng này vẫn không những không được khắc phục mà còn đang có biểu hiện ngày càng trầm trọng thêm.
Nguồn nước tưới tiêu nông nghiệp của người dân bị “bức tử”. |
Cần có chế tài nghiêm khắc với các vi phạm
Để đảm bảo môi trường trong lành cho người dân sở tại cũng như bảo vệ quyền lợi của người lao động làm việc tại doanh nghiệp, đề nghị các cấp, ngành từ địa phương đến tỉnh, nhất là UBND huyện Hà Trung, cần tiếp tục vào cuộc kiểm tra, làm rõ và có giải pháp xử lý kiên quyết, mạnh mẽ hơn nữa đối với những vi phạm tại các doanh nghiệp sản xuất đá tại Hà Tân. Nếu doanh nghiệp nào không chấp hành, khắc phục triệt để những hành vi vi phạm, vẫn tiếp tục “đầu độc” môi trường, cần phải buộc tạm ngừng hoạt động cho đến khi hoàn chỉnh hồ sơ về môi trường và các công trình xử lý nước thải, chất thải mới được xem xét cho hoạt động trở lại.
Thực tế đã cho thấy, cùng với xử phạt vi phạm hành chính, phải có những chế tài nghiêm khắc, đủ mạnh để buộc doanh nghiệp phải khắc phục, sửa sai. Ngược lại, nếu chỉ xử lý bằng hình thức phạt tiền, thiếu kiểm tra, đôn đốc, doanh nghiệp sẽ sinh ra “nhờn luật”.
Nguồn: Báo xây dựng