Vì sao Ngân hàng Nhà nước đẩy nhanh tốc độ rút tiền về?

Chỉ trong 2 phiên cuối tuần, NHNN đã rút gần 70.600 tỷ đồng khỏi hệ thống ngân hàng, tương đương 65,5% tổng lượng tiền VNĐ cơ quan này đã rút khỏi thị trường tuần này.

Những số liệu mới nhất trên thị trường tiền tệ cho thấy Ngân hàng Nhà nước đang ngày càng mạnh tay hơn trong việc giảm khối lượng tiền Đồng trong hệ thống ngân hàng khi áp lực lạm phát và tỷ giá vẫn hiện hữu.

Cụ thể, trong phiên cuối tuần 1/7 vừa qua, cơ quan quản lý tiền tệ tiếp tục hoạt động tích cực trên thị trường mở, trong đó, NHNN đã thực hiện rút gần 25.600 tỷ đồng khỏi hệ thống ngân hàng thông qua bán đấu thầu tín phiếu.

Tăng tốc rút tiền về

Khác với những phiên đầu và giữa tuần này khi NHNN chỉ bán ra tín phiếu kỳ hạn 7 ngày, trong những phiên cuối tuần, cơ quan quản lý tiền tệ đã sử dụng lượng lớn tín phiếu kỳ hạn 14 ngày để tăng thời gian rút tiền VNĐ khỏi thị trường.

Như trong phiên 1/7, ngoài 10.600 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 0,65%/năm, NHNN còn phát hành gần 15.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 0,9%/năm cho 3 thành viên thị trường.

Ở phiên liền trước (30/6), trong tổng số gần 45.000 tỷ đồng rút về, cũng có gần 20.000 tỷ được NHNN rút thông qua giao dịch bán đấu thầu tín phiếu kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 0,9%/năm. Giao dịch này nâng tổng khối lượng tín phiếu kỳ hạn 14 ngày được phát hành trong tuần lên hơn 35.000 tỷ đồng. Với kỳ hạn 14 ngày, chậm nhất phải tới giữa tháng 7 số tiền này mới quay trở lại thị trường khi tín phiếu đáo hạn.

Tính chung cả tuần, tổng khối lượng tiền Đồng NHNN đã rút khỏi thị trường là gần 107.640 tỷ, trong đó, riêng 2 phiên cuối tuần này đã chiếm 65,5% tổng khối lượng tiền rút về.

vi sao ngan hang nha nuoc day nhanh toc do rut tien ve

Còn nếu tính từ phiên 21/6 – thời điểm NHNN bắt đầu khởi động kênh rút tiền trực tiếp – đã có hơn 177.000 tỷ đồng bị rút khỏi hệ thống các ngân hàng.

Đáng chú ý, việc kỳ hạn tín phiếu phát hành có xu hướng gia tăng cho thấy cơ quan quản lý tiền tệ đang mạnh tay hơn trong việc giảm khối lượng tiền của hệ thống ngân hàng thương mại.

Bên cạnh đó, việc không ấn định lãi suất phát hành mà sử dụng hình thức đấu thầu lãi suất cũng cho thấy tình trạng dư thừa thanh khoản diễn ra tại nhiều ngân hàng thương mại, dẫn tới các nhà băng này tham gia mua tín phiếu từ NHNN với lãi suất thấp hơn nhiều lãi suất cho vay liên ngân hàng cùng kỳ hạn.

Theo NHNN, lãi suất cho vay bình quân trên thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần hiện ở mức 1,29%/năm, trong khi kỳ hạn 2 tuần là 1,55%/năm, cao gần gấp đôi so với lãi suất tín phiếu cơ quan này phát hành để hút tiền về.

Vì sao phải giảm khối lượng tiền VNĐ?

Theo giới phân tích, động thái rút tiền về của NHNN có mục đích chính là kiểm soát lạm phát và giảm áp lực lên tỷ giá USD/VNĐ.

Cụ thể, nghiệp vụ mua/bán tín phiếu trên thị trường mở là một trong 6 công cụ chính được ngân hàng trung ương các nước (Ngân hàng Nhà nước tại Việt Nam) sử dụng để điều tiết thị trường tiền tệ.

Trong đó, thị trường mở là nghiệp vụ giúp cơ quan quản lý trực tiếp can thiệp vào khối lượng tiền trong hệ thống ngân hàng, từ đó tác động đến khả năng cung ứng tín dụng của các nhà băng.

Với việc rút hàng trăm nghìn tỷ đồng khỏi hệ thống ngân hàng trong nửa cuối tháng 6, NHNN đã trực tiếp làm giảm lượng vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng, từ đó làm giảm cung tiền trên thị trường.

Trên lý thuyết, tỷ lệ lạm phát được tính bằng tốc độ lưu thông tiền tệ nhân với cung tiền và chia cho thu nhập quốc dân thực tế. Như vậy, động thái giảm cung tiền kể trên của NHNN có mục đích chính là để kiểm soát tỷ lệ lạm phát.

vi sao ngan hang nha nuoc day nhanh toc do rut tien ve
Việc rút mạnh tiền VNĐ khỏi thị trường giai đoạn này giúp vừa NHNN kiểm soát lạm phát, giảm áp lực tỷ giá, vừa giúp giải quyết tình trạng dư thừa thanh khoản của các ngân hàng thương mại. Ảnh: Nam Khánh.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 đã tăng 0,69% so với tháng trước và tăng 3,18% so với cuối năm 2021. Bình quân 6 tháng đầu năm nay, CPI đã tăng 2,44% so với cùng kỳ và lạm phát cơ bản tăng 1,25%.

Theo các chuyên gia phân tích tại Ngân hàng UOB, dữ liệu CPI này cho thấy áp lực lạm phát có thể được kiểm soát. Tuy nhiên, rủi ro gia tăng lạm phát trong nước vẫn đáng kể do giá năng lượng tiếp tục tăng nhanh và điều này sẽ tác động sang các thành phần còn lại của nền kinh tế trong nửa cuối năm.

Cùng với việc rút ròng tiền VNĐ qua kênh tín phiếu, theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), NHNN cũng đã bán ra khoảng 10 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối. Tạm tính theo tỷ giá USD/VNĐ tham chiếu tại Sở giao dịch NHNN, cơ quan này đã hút hơn 232.500 tỷ đồng Việt Nam khỏi thị trường.

Các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán SSI đánh giá động thái tăng tốc rút tiền về của NHNN còn có mục tiêu là giảm áp lực lên đồng Việt Nam, đồng thời giúp các ngân hàng thương mại giải quyết vấn đề dư thừa thanh khoản.

Cụ thể, khi trần tăng trưởng tín dụng chưa được nới, thanh khoản tiền Đồng đang có dấu hiệu dư thừa trong hệ thống ngân hàng và đẩy lãi suất VNĐ trên thị trường liên ngân hàng xuống thấp. Kết quả là chênh lệch âm giữa lãi suất liên ngân hàng VNĐ và USD giảm xuống khiến nhu cầu nắm giữ USD tăng lên.

Do đó, việc rút bớt tiền Đồng khỏi thị trường và bơm thêm tiền USD sẽ phần nào thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền, từ đó giảm áp lực lên tỷ giá USD/VNĐ.

Thực tế trên thị trường ngoại tệ cũng ghi nhận sau khi có sự can thiệp của NHNN, tỷ giá USD/VNĐ đã đi ngang sau quãng thời gian tăng mạnh liên tiếp.

Hiện tại, tiền VNĐ đã giảm 1,9% so với đầu năm nhưng mới chỉ giảm khoảng 1% so với cùng kỳ năm 2021 và mức biến động này vẫn nằm trong tầm kiểm soát của NHNN (biên độ 2-3%).

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích