Đô thị Ninh Bình phát triển gắn với bảo tồn di sản và cải tạo, chỉnh trang

(Xây dựng) – Ngày 29/6, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc Bộ Xây dựng Trần Thu Hằng chủ trì Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

do thi ninh binh phat trien gan voi bao ton di san va cai tao chinh trang
Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc Bộ Xây dựng Trần Thu Hằng kết luận Hội nghị thẩm định.

Ngày 28/07/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1266/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đến năm 2016, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Quyết định số 230/QĐ-TTg ngày 04/02/2016 phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình.

Trong quá trình triển khai 2 quy hoạch nêu trên, UBND tỉnh Ninh Bình nhận thấy có những nội dung cần phải rà soát điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu thực tế phát triển.

Bối cảnh phát triển mới của tỉnh Ninh Bình và định hướng quy hoạch tỉnh cũng đặt ra những vấn đề mới, yêu cầu quy hoạch chung phải kế thừa và tìm ra các định hướng chiến lược làm động lực cho phát triển đô thị Ninh Bình nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung trong giai đoạn mới.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Ninh Bình đã giao Sở Xây dựng lập Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu lập điều chỉnh quy hoạch là kế thừa các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đã được phê duyệt; rà soát điều chỉnh các nội dung quy hoạch không phù hợp với điều kiện thực tế quản lý phát triển xây dựng đô thị; đề xuất các giải pháp điều chỉnh để khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai, cảnh quan sinh thái và đề xuất các giải pháp quy hoạch tạo điều kiện cho thu hút, triển khai đầu tư theo quy hoạch.

Mặt khác, việc điều chỉnh quy hoạch chung cũng phải bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực tế, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế – xã hội và định hướng phát triển của đô thị trong tương lai, nâng cao chất lượng môi trường sống, cơ sở hạ tầng và cảnh quan đô thị; trở thành cơ sở pháp lý để triển khai lập mới và điều chỉnh các đồ án quy hoạch, phân khu, quy hoạch chi tiết, lập dự án đầu tư xây dựng và kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch.

Phạm vi, ranh giới lập điều chỉnh Quy hoạch chung năm 2022 là 24.530ha, tăng hơn 3.000ha so với Quy hoạch chung năm 2014, bao gồm toàn bộ thành phố Ninh Bình, huyện Hoa Lư và một phần thành phố Tam Điệp, các huyện Gia Viễn, Yên Mô, Yên Khánh, Nho Quan. Trong đó, diện tích đất xây dựng là 6.848ha, chiếm khoảng 27,9% diện tích đất tự nhiên.

Tính đến ngày 31/12/2020, toàn đô thị Ninh Bình có 284.200 người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 50%. Cơ cấu lao động chiếm tỷ trọng lớn là lao động dịch vụ phục vụ du lịch, đặc biệt là các khu vực trung tâm thành phố Ninh Bình và khu vực Hoa Lư – Bái Đính. Dự báo sơ bộ đến năm 2030, dân số của đô thị Ninh Bình sẽ đạt khoảng 410.000 – 430.000 người, năm 2040 là 540.000 – 560.000 người.

Trong năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư lần lượt là 9,3% và 9%, không đạt kế hoạch do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng vẫn cao hơn mức trung bình của tỉnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng với giá trị sản xuất ngành công nghiệp – xây dựng chiếm tỷ lệ cao nhất. Trên toàn đô thị Ninh Bình đã có 2 khu công nghiệp đi vào hoạt động với tổng diện tích 493ha.

Hạ tầng các ngành thương mại dịch vụ – du lịch, giáo dục đào tạo, y tế và văn hóa – thể thao cũng được quan tâm đầu tư nâng cấp. Đặc biệt, đô thị Ninh Bình có hệ thống di tích lịch sử văn hóa rất quý giá với tổng cộng 160 di tích được xếp hạng, bao gồm 3 Di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Trong Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung, UBNB tỉnh Ninh Bình xác định có 5 vấn đề hiện trạng cần giải quyết. Một là mô hình đô thị hóa mở rộng đô thị theo tiêu chí đô thị loại I. Hai là bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể danh thắng Tràng An. Ba là phát triển dự án động lực tạo đột phá cho phát triển kinh tế – xã hội. Bốn là kế thừa và phát triển các quy hoạch hiện có. Năm là quản lý phát triển đô thị, nông thôn và bảo tồn di sản.

Về tính chất, đô thị Ninh Bình được xác định là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái văn hóa cấp vùng Đồng bằng sông Hồng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị quần thể danh thắng Tràng An; là trung tâm văn hóa – lịch sử, du lịch cấp quốc gia, có ý nghĩa quốc tế; là đô thị đầu mối giao thông, cửa ngõ phía Nam vùng duyên hải Bắc bộ; là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ của tỉnh và đô thị Ninh Bình. Theo nội dung điều chỉnh, UBND tỉnh Ninh Bình xác định áp dụng các tiêu chuẩn của đô thị loại I cho đô thị Ninh Bình, khu vực Tràng An và nông thôn áp dụng chỉ tiêu đặc thù.

do thi ninh binh phat trien gan voi bao ton di san va cai tao chinh trang
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Nguyễn Cao Sơn phát biểu tại Hội nghị.

Để giúp UBND tỉnh Ninh Bình hoàn thiện thuyết minh Nhiệm vụ, các Bộ, ngành đã gửi văn bản và trực tiếp góp ý tại Hội nghị thẩm định. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị bổ sung nội dung hiện trạng hạ tầng kinh tế nông nghiệp – nông thôn và quy hoạch hạ tầng kỹ thuật các công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai. Bộ Công Thương lưu ý việc di dời các trạm biến áp 220kV ra ngoài khu vực nội đô.

Bộ Nội vụ lưu ý vấn đề sắp xếp các đơn vị hành chính. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị bổ sung một số căn cứ pháp lý và làm rõ hơn các quy hoạch phân khu. Bộ Tài chính đề nghị rà soát nội dung quy hoạch di sản. Bộ Tài nguyên và Môi trường lưu ý việc bổ sung các quy hoạch sử dụng đất.

Văn phòng Chính phủ đề nghị rà soát các quy hoạch liên quan để tránh chồng chéo và làm rõ ranh giới các phân khu trong khu du lịch Tràng An. Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam lưu ý UBND tỉnh cân nhắc nội dung mở rộng phạm vi quy hoạch. Cục Hạ tầng kỹ thuật đề nghị rà soát các quy hoạch khu xử lý chất thải rắn, thoát nước, hỏa táng và sân bay, dự báo phát triển du lịch.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Cao Sơn đã giải trình một số vấn đề về phát triển giao thông, du lịch của địa phương, đồng thời chỉ đạo đơn vị tư vấn và Sở Xây dựng nghiêm túc rà soát nội dung Nhiệm vụ trên cơ sở tiếp thu các ý kiến của Hội đồng thẩm định.

Kết luận Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc Trần Thu Hằng đã khẳng định việc điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình là vô cùng cần thiết. Do đó, Vụ trưởng đề nghị UBND tỉnh chú trọng đảm bảo tính thống nhất giữa các quy hoạch đã được phê duyệt với điều chỉnh quy hoạch chung.

do thi ninh binh phat trien gan voi bao ton di san va cai tao chinh trang
Toàn cảnh Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Vụ trưởng Trần Thu Hằng cũng nhấn mạnh một số nội dung cần phải rà soát lại trong thuyết minh Nhiệm vụ, đó là sắp xếp đơn vị hành chính, phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng, xác định thời gian quy hoạch, dự báo phát triển dân số, dự báo phát triển du lịch, quy hoạch bảo tồn tôn tạo, tu bổ quần thể quốc gia Tràng An, động lực mới cho việc phát triển đô thị Ninh Bình trong giai đoạn 2021-2030 và đánh giá tác động môi trường.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch Hội đồng thẩm định đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình xem xét, sửa đổi để làm rõ hơn những yêu cầu cần phải điều chỉnh đô thị Ninh Bình có tính thuyết phục cao hơn. Sau khi nhận được dự thảo Thuyết minh và Tờ trình hoàn thiện, Bộ Xây dựng sẽ thông qua để trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích