Đà suy yếu của thị trường nhà đất kéo tụt kinh tế Trung Quốc

Thị trường nhà ở của Trung Quốc trải qua đợt suy yếu chưa từng có sau khi Bắc Kinh siết tín dụng với lĩnh vực này. Điều đó có thể kéo tụt tăng trưởng kinh tế của đất nước tỷ dân.

Toàn cầu dồn sự chú ý vào tác động kinh tế của các đợt phong tỏa ngăn Covid-19 của Trung Quốc. Nhưng theo Bloomberg, sự suy yếu của thị trường nhà ở có thể gây ra tác động lớn hơn.

Chỉ số đo lường doanh số bán căn hộ và nhà ở tại Trung Quốc đã ghi nhận chuỗi giảm (so với cùng kỳ năm ngoái) kỷ lục kéo dài 11 tháng. Ngành bất động sản và các lĩnh vực liên quan đóng góp lớn vào GDP của Trung Quốc. Do đó, đà giảm có thể tạo ra lực cản lớn với tăng trưởng kinh tế.

“Đây là đợt suy thoái chưa từng có của ngành bất động sản”, ông Lu Ting – nhà kinh tế trưởng tại Nomura Holdings Inc. – nhận định. Đà suy yếu thậm chí còn kéo dài hơn hồi năm 2008 và 2014.

da suy yeu cua thi truong nha dat keo tut kinh te trung quoc
da suy yeu cua thi truong nha dat keo tut kinh te trung quoc
Thị trường nhà ở của Trung Quốc suy yếu sau khi Bắc Kinh siết chặt tín dụng nhằm giảm rủi ro tài chính. Ảnh: Reuters.

Đà suy yếu kéo dài chưa từng có

Năm ngoái, các cơ quan quản lý Trung Quốc bắt đầu siết tín dụng của ngành công nghiệp bất động sản nhằm hạ nhiệt giá nhà và giảm rủi ro tài chính. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hiện vẫn giữ lập trường cứng rắn. Theo giới quan sát, điều này sẽ khiến tăng trưởng GDP trung bình của Trung Quốc ở dưới ngưỡng 4% đến năm 2030.

Doanh số bán nhà của Trung Quốc có thể được cải thiện phần nào khi các chính quyền địa phương nới lỏng hạn chế để hỗ trợ tăng trưởng. Nhưng những đợt phong tỏa ở Thượng Hải và các thành phố lớn khác sẽ khiến thị trường nhà ở năm 2022 lao dốc mạnh hơn năm ngoái.

Khi Trung Quốc siết chặt các biện pháp chống dịch để đối phó với làn sóng Covid-19 mới, các đại lý và khách hàng bị hạn chế di chuyển và không thể tới xem nhà trực tiếp. Điều này càng tác động nghiêm trọng tới doanh số bán hàng.

Theo tính toán của Goldman Sachs Group Inc., khối lượng giao dịch mua bán bất động sản hàng ngày trên 30 thành phố lớn của Trung Quốc đã giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

da suy yeu cua thi truong nha dat keo tut kinh te trung quoc
Các đợt phong tỏa liên quan đến Covid-19 cũng góp phần làm suy yếu ngành công nghiệp bất động sản. Ảnh: Reuters.

Những tháng qua, nhiều thành phố lớn nhất đất nước đã nới lỏng các hạn chế mua nhà. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng cắt giảm kỷ lục lãi suất thế chấp. Nhưng trong tháng 5, doanh số bán nhà tại các thành phố lớn vẫn lao dốc 40% so với tháng trước đó. Nguyên nhân là những đợt phong tỏa khiến doanh nghiệp đóng cửa, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.

Chính quyền Bắc Kinh vẫn không thay đổi lập trường. Điều đó khác với những đợt suy thoái kinh tế trước đây, khi bất động sản đóng vai trò như một động lực tăng trưởng kinh tế. Tại một cuộc họp trong tháng 4, các quan chức hàng đầu vẫn nhấn mạnh: “Nhà để ở, không phải đầu cơ”.

“Lần này, Bắc Kinh đã quyết tâm theo đuổi chiến lược kiểm soát bong bóng bất động sản”, ông Lu tại Nomura nhận định.

Kéo tụt tăng trưởng

Theo các nhà kinh tế của Goldman Sachs, sự suy yếu của thị trường nhà ở sẽ kéo tụt tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc 1,4 điểm phần trăm trong năm nay. Điều đó khiến mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% của Bắc Kinh trở nên xa vời.

Một số chuyên gia thậm chí cho rằng Trung Quốc sẽ khó đạt được tốc độ tăng trưởng 3%.

Các cơ quan quản lý tài chính tại Trung Quốc đang tìm cách ngăn tác động lan tỏa từ làn sóng vỡ nợ của những tập đoàn địa ốc Trung Quốc. Vai trò của các công ty bất động sản quốc doanh đối với việc xây dựng ngày càng lớn.

Những công ty này mua lại các dự án nhà ở còn dang dở của khu vực tư nhân, vốn đang rơi vào cuộc khủng hoảng tiền mặt, để xoa dịu người mua nhà.

Sự suy yếu của thị trường nhà ở sẽ kéo tụt tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc 1,4 điểm phần trăm trong năm nay

Các nhà kinh tế của Goldman Sachs

Năm ngoái, khách mua nhà của China Evergrande – tập đoàn bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc – đã tập trung trước trụ sở của tập đoàn để đòi lại khoản tiền trả trước. Tình trạng thiếu tiền mặt khiến tập đoàn không thể hoàn thành 800 dự án nhà ở, rải rác trên khắp 200 thành phố của Trung Quốc.

Theo một số nhà phân tích, khi các thành phố nới lỏng những chính sách vay thế chấp và một số chính sách khác, doanh số bán nhà tại Trung Quốc sẽ phục hồi nhẹ.

Tuy nhiên, bà Rosealea Yao tại Gavekal Dragonomics dự đoán trong năm nay, doanh số bán nhà tại Trung Quốc sẽ giảm hơn 10% so với năm 2021. Đáng nói, chúng có thể không bao giờ trở lại đà tăng trưởng của 2 năm qua.

Theo nghiên cứu của Viện Lowy (có trụ sở ở Sydney), đầu tư vào nhà ở chiếm khoảng 11% GDP của Trung Quốc. Con số đó sẽ giảm xuống gần 7% vào năm 2030.

Các hình thức đầu tư khác như cơ sở hạ tầng và xây dựng nhà máy sẽ không tăng đủ nhanh để lấp đầy khoảng trống do chi tiêu cho xây dựng căn hộ sụt giảm.

Nghiên cứu của Viện Lowy kết luận rằng ngay cả khi Trung Quốc tránh được một cuộc khủng hoảng tài chính do thị trường nhà ở suy yếu, đầu tư thấp hơn sẽ kéo tụt tăng trưởng GDP xuống mức trung bình khoảng 4% trong phần còn lại của thập kỷ.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích