Thủ tướng: Kiểm soát bằng được tiến độ dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột
Chiều ngày 1/7, trong chuyến công tác tại Đắk Lắk, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã khảo sát hướng tuyến dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột và đoạn đường kết nối từ điểm cuối tuyến cao tốc này với đại lộ Đông Tây của thành phố Buôn Ma Thuột.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát hướng tuyến dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột – Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Cùng đi với Thủ tướng có Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 3 vừa qua, Quốc hội đã thông qua đề xuất của Chính phủ về các dự án xây dựng 5 tuyến đường trọng điểm quốc gia, trong đó có chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.
Dự án cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột dài khoảng 117,5 km, có điểm đầu tại cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, điểm cuối thuộc địa phận xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk, đoạn qua tỉnh Khánh Hòa dài gần 33 km và qua tỉnh Đắk Lắk dài gần 85 km.
Dự án chia thành 3 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 938,54 ha, tổng mức đầu tư của dự án là 21.935 tỷ đồng.
Thủ tướng yêu cầu, dự án cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể – Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tại buổi khảo sát, lãnh đạo Đắk Lắk cho biết với 8 nút giao dự kiến trên toàn tuyến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, địa phương đã quy hoạch các khu công nghiệp, dịch vụ, logistics… dọc tuyến để phát huy tối đa hiệu quả từ tuyến cao tốc sau khi đưa vào khai thác.
Địa phương cũng dự kiến đầu tư đoạn tuyến kết nối từ tuyến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột với đại lộ Đông Tây của thành phố Buôn Ma Thuột, với chiều dài khoảng 4,5 km.
Sau khi nghe báo cáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị đơn vị tư vấn và các cơ quan liên quan cần khẩn trương triển khai các công việc theo tinh thần “làm ngày làm đêm”, phấn đấu kiểm soát bằng được tiến độ dự án theo chương trình phục hồi và phát triển.
Thủ tướng yêu cầu, dự án cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, theo tinh thần “qua sông thì bắc cầu, qua núi thì đào hầm và qua đồng ruộng thì đổ đất”; không bám theo các khu dân cư để tránh phải dành chi phí lớn cho giải phóng mặt bằng và giải phóng mặt bằng nhanh, đồng thời tạo ra không gian phát triển mới.
Thủ tướng đề nghị các tỉnh “thi đua nhau để làm, làm nhanh thì có thưởng, làm chậm thì kiểm điểm, làm càng nhanh bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, càng kéo dài càng đội giá” – Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng lưu ý các cơ quan nghiên cứu, bố trí các nút giao thuận lợi với khoảng cách phù hợp để phát huy tối đa hiệu quả, khai thác tốt nhất quỹ đất, các địa phương cần dành những địa điểm đẹp nhất, thuận lợi nhất để ưu tiên cho sản xuất kinh doanh.
Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải sẽ khẩn trương giao các địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chủ đầu tư để triển khai các dự án thành phần, Thủ tướng đề nghị các tỉnh “thi đua nhau để làm, làm nhanh thì có thưởng, làm chậm thì kiểm điểm, làm càng nhanh bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, càng kéo dài càng đội giá”. Các địa phương cần giải phóng mặt bằng nhanh nhất; sớm lập tổ công tác để triển khai dự án; khảo sát, sẵn sàng chuẩn bị các mỏ vật liệu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để triển khai dự án.
Với đoạn đường kết nối cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột với đại lộ Đông Tây, Thủ tướng bày tỏ ủng hộ, đề nghị địa phương cố gắng bố trí nguồn vốn trên tinh thần tự lực tự cường, không trông chờ, ỷ lại, trong trường hợp cần thiết thì đề xuất Trung ương xem xét, hỗ trợ.
Theo kế hoạch, cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột dự kiến sẽ chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.
Việc đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 nhằm hình thành trục ngang kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối với các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải. Đồng thời, dự án sẽ tạo dư địa, động lực, không gian phát triển vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.
Dự án góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, việc triển khai, thực hiện dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt. Cụ thể, Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ, ngành, các địa phương liên quan xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư dự án hoàn trả vào ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương theo tỉ lệ vốn góp đầu tư dự án; thực hiện theo quy định tại Điều 5 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công; cho phép phân chia dự án thành các dự án thành phần.
Nguồn: Báo xây dựng