Bị cắt nước giữa mùa nắng nóng, cư dân HDI7 Tây Hồ vẫn chưa “lo” như HDI Tower
(Xây dựng) – Cư dân HDI7 Tây Hồ đang rất bức xúc vì chủ đầu tư Handico 7 cắt nước giữa mùa nắng nóng. Thế nhưng, cư dân HDI Tower có lý do để lo lắng hơn khi nhiều căn hộ đã bị mang đi thế chấp.
Dự án HDI Tower tại địa chỉ 55 Lê Đại Hành, Hà Nội. |
Cư dân HDI7 Tây Hồ vẫn chưa “lo” như HDI Tower
Hiện tại, Hà Nội và nhiều tỉnh thành đang trong những ngày nắng nóng cực điểm. Vì vậy, nhu cầu điện và nước tăng cao nhưng Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng phát triển Nhà số 7 Hà Nội (Handico 7), chủ đầu tư dự án HDI7 Tây Hồ tại 158 Võ Chí Công, Tây Hồ khiến cư dân bức xúc khi bất ngờ cắt nước. Vì vậy, cư dân đã tập trung căng băng rôn, biểu ngữ để phản đối chủ đầu tư. Không chỉ có vậy, cư dân HDI7 Tây Hồ cũng tố chủ đầu tư không thực hiện xây dựng các hạng mục như cam kết và chậm bàn giao sổ đỏ.
Dù vậy, cư dân HDI Tower (55 Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng) có lý do để lo lắng hơn khi nhiều căn hộ đã bị mang đi thế chấp. Ngày 20/3/2019, Handico 7 ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) – Chi nhánh Nam Thăng Long.
Tài sản đảm bảo là Quyền tài sản (bao gồm nhưng không giới hạn: Quyền đòi nợ và thụ hưởng số tiền đòi nợ; quyền yêu cầu hoàn trả tiền ứng trước, tiền phạt vi phạm, tiền bồi thường thiệt hại và thụ hưởng số tiền này, các khoản bồi hoàn) của Bên thế chấp phát sinh từ 37 hợp đồng mua bán căn hộ thuộc Dự án đầu tư xây dựng Công trình hỗn hợp văn phòng thương mại, dịch vụ và nhà ở – Số 55 Lê Đại Hành, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội (dự án HDI Tower).
Đã có nhà đầu tư đầu tiên phải chịu “hậu quả” vì hợp đồng này. Cuối năm 2020, một khách hàng đăng đàn cho biết sau khi phát hiện căn hộ mình mua đang được thế chấp tại ngân hàng, anh đã yêu cầu chủ đầu tư thực hiện giải chấp. Tuy nhiên, Handico 7 không trả lời chính xác về việc căn hộ đó có được giải chấp hay chưa mà chỉ khẳng định, sẽ phạt cọc do khách hàng không thực hiện theo hợp đồng đặt cọc và số tiền phạt lên đến 200 triệu đồng.
Chủ đầu tư cầm cố hàng loạt tài sản trong nhiều năm
Trước năm 2019, HDI Tower đã nằm trong danh sách tài sản đảm bảo khi Handico 7 vay vốn cũng tại chính VietinBank – Chi nhánh Nam Thăng Long. Tuy nhiên, Dự án HDI Tower không phải tài sản duy nhất bị Handico 7 mang đi cầm cố.
Năm 2013, khi vay vốn tại Quỹ đầu tư phát triển Thành phố Hà Nội, Handico 7 đã cầm cố “Các khoản lợi thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị của quyền sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật và các công trình trên đất tại công trình nhà ở chung cư cao tầng N3 thuộc Dự án tổng thể cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nguyễn Công Trứ”.
Với việc các dự án lần lượt “vào” ngân hàng, Handico 7 sở hữu khoản nợ lớn. Tại ngày 31/12/2020, nợ phải trả tại Handico 7 đạt 1.895 tỷ đồng, cao gấp 8,2 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 87,9% tổng nguồn vốn của công ty. Trong đó, nợ vay không hề thấp. Năm 2020 không phải là năm duy nhất Handico 7 chịu gánh nặng nợ nần. Suốt 5 năm gần đây, Handico 7 luôn trong tình trạng nợ cao vượt trội so với vốn chủ hữu.
Tại ngày kết thúc của các năm 2016, 2017, 2018 và 2019, chỉ tiêu Nợ phải trả tại Handico 7 luôn ở mức rất cao, lần lượt đạt 1.807 tỷ đồng, 1.832 tỷ đồng, 1.755 tỷ đồng và 1.921 tỷ đồng.
Trong 5 năm gần đây (2016-2020), doanh thu tại Handico 7 đạt lần lượt 343 tỷ đồng (năm 2016), 356 tỷ đồng (năm 2017), 375 tỷ đồng (năm 2018), 256 tỷ đồng (năm 2019). Bước sang năm 2020, bất chấp đại dịch Covid-19, doanh thu tại dự án bất ngờ vọt lên 408 tỷ đồng, mức cao nhất 5 năm qua. HDI7 Tây Hồ đóng góp một phần không nhỏ cho kết quả này.
Lợi nhuận sau thuế tại Handico 7 cũng không biến động mạnh, lần lượt đạt 19,3 tỷ đồng, 20,7 tỷ đồng, 28,9 tỷ đồng, 23,4 tỷ đồng và 23,3 tỷ đồng.
Nguồn: Báo xây dựng