Kết quả chính thức Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính

Chiều 29/6, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Kinh tế Trung ương và Ban Chỉ đạo Điều tra cơ sở hành chính Trung ương đã tổ chức Hội nghị công bố kết quả chính thức Tổng điều tra kinh tế năm 2021.

ket qua chinh thuc tong dieu tra kinh te va dieu tra co so hanh chinh
Thứ trưởng Bộ Nội vụ, thành viên Ban Chỉ đạo Điều tra cơ sở hành chính Trung ương Trương Hải Long.(Nguồn: Vietnamnet)

Chiều 29/6, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Kinh tế Trung ương và Ban Chỉ đạo Điều tra cơ sở hành chính Trung ương đã tổ chức Hội nghị công bố kết quả chính thức Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính năm 2021.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, thành viên Ban Chỉ đạo Điều tra cơ sở hành chính Trung ương Trương Hải Long cho biết, Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính năm 2021 là hai cuộc điều tra thống kê trong Chương trình điều tra thống kê quốc gia theo Quyết định số 307/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1096/QĐ-BNV ngày 23/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

“Mặc dù, trong quá trình triển khai thu thập thông tin, cả hai cuộc điều tra ít nhiều đã bị tác động bởi đại dịch COVID-19, nhưng với quyết tâm chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt và linh hoạt thích ứng của Ban Chỉ đạo các cấp, công tác thu thập thông tin và nghiệm thu kết quả điều tra đã hoàn thành; đạt yêu cầu để xử lý, tổng hợp số liệu công bố kết quả chính thức theo kế hoạch”, Thứ trưởng Trương Hải Long nhấn mạnh.

Theo báo cáo kết quả chính thức Tổng điều tra kinh tế năm 2021 do Tổng cục Thống kê thực hiện. Theo đó, số lượng và lao động của các đơn vị điều tra năm 2020 đều tăng so với năm 2016 nhưng mức độ tăng về lao động thấp hơn so với các giai đoạn trước.

Năm 2020, cả nước có hơn 6 triệu đơn vị điều tra, tăng 7,5% (tương đương tăng 423,6 nghìn đơn vị) so với năm 2016; bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 1,8%/năm, cao hơn mức tăng 1,5%/năm giai đoạn 2011-2016 và thấp hơn mức tăng 4,9%/năm giai đoạn 2006-2011.

Tính đến thời điểm 31/12/2020, cả nước có 684,3 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh với số lao động là 14,7 triệu người, tăng 35,5% về số doanh nghiệp và tăng 4,9% về số lao động so với năm 2016.

Cũng tại thời điểm trên, cả nước có gần 15,3 nghìn hợp tác xã với số lao động là 167 nghìn người, tăng 17,6% về số hợp tác xã và giảm 16,9% về lao động so với năm 2016. Số cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể năm 2020 đạt gần 5,2 triệu cơ sở với 8,7 triệu lao động, tăng 5,9% về số cơ sở và tăng 5,2% về số lao động so với năm 2016.

Số đơn vị sự nghiệp là 52,5 nghìn đơn vị với 2,4 triệu lao động, giảm 28,6% về số đơn vị (giảm 21 nghìn đơn vị) và giảm 6,2% về số lao động (giảm 158 nghìn người) so với năm 2016. Các hiệp hội, tổ chức phi Chính phủ có gần 6,5 nghìn đơn vị với số lao động là 35,7 nghìn người, giảm 2,7% về số đơn vị và giảm 3,3% về số lao động so với năm 2016.

Cùng với đó, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng có hơn 46,8 nghìn cơ sở với 167,2 nghìn chức sắc, nhà tu hành làm việc thường xuyên tại các cơ sở, tăng 9,6% về số cơ sở và tăng 19,2% về số người làm việc so với năm 2016. Đơn vị hành chính, tổ chức chính trị – xã hội có gần 32,3 nghìn đơn vị, giảm 49,1% (giảm 31,2 nghìn đơn vị) so với năm 2016.

Theo Tổng cục Thống kê, quy mô lao động bình quân một đơn vị điều tra năm 2020 biến động không đều so với năm 2016. Quy mô này giảm nhẹ từ 4,7 người năm 2016 xuống 4,6 người năm 2020; trong đó, doanh nghiệp giảm từ 27,7 người xuống 21,5 người; hợp tác xã giảm từ 15,4 xuống 10,9 người; cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể có quy mô lao động bình quân 1,7 người tương đương năm 2016; các đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, tổ chức phi Chính phủ và tôn giáo, tín ngưỡng lại có biến động tăng so với năm 2016.

Xét theo khu vực kinh tế: nông, lâm nghiệp và thủy sản là khu vực có số lượng lao động thấp nhất (chỉ chiếm 1,1% tổng số lao động của các đơn vị điều tra) nhưng có quy mô bình quân là 20,4 người, cao nhất trong 3 khu vực.

ket qua chinh thuc tong dieu tra kinh te va dieu tra co so hanh chinh
Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, mức độ tập trung các đơn vị điều tra có sự chênh lệch giữa các vùng kinh tế, trong đó Đồng bằng sông Hồng tiếp tục là vùng thu hút nhiều đơn vị điều tra nhất cả nước với 1,6 triệu đơn vị (chiếm 26% tổng số đơn vị điều tra của cả nước), thu hút 8,4 triệu lao động (chiếm 30,9% về lao động của cả nước).

Để phổ biến kịp thời thông tin phục vụ lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các địa phương và người dùng tin, Tổng cục Thống kê đã giới thiệu Ấn phẩm “Tổng điều tra kinh tế năm 2021 – Kết quả chính thức” với các chỉ tiêu thống kê đa dạng, chuyên sâu và giới thiệu các trang Web khai thác số liệu Tổng điều tra kinh tế năm 2021.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương Nguyễn Thị Hương khẳng định trong thời gian tới, Tổng cục Thống kê sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ thực hiện các ấn phẩm phân tích chuyên sâu, chia sẻ dữ liệu vi mô Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính năm 2021 cho các bộ ngành, địa phương và người dùng tin với mục tiêu cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho đông đảo các đối tượng sử dụng thông tin thống kê.

“Tổng cục Thống kê sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ thực hiện các ấn phẩm phân tích chuyên sâu, chia sẻ dữ liệu vi mô Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính năm 2021 cho các bộ ngành, địa phương và người dùng tin với mục tiêu cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho đông đảo các đối tượng sử dụng thông tin thống kê”, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh./.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích