Giữ hay bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu?
Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, liên tiếp lập kỷ lục mới, nhiều ý kiến quan tâm đến hoạt động của Quỹ bình ổn giá xăng dầu và vai trò thực sự của Quỹ này.
Theo Khoản 10 Điều 3 Luật giá 2012, bình ổn giá là việc Nhà nước áp dụng biện pháp thích hợp về điều hòa cung cầu, tài chính, tiền tệ và biện pháp kinh tế, hành chính cần thiết khác để tác động vào sự hình thành và vận động của giá, không để giá hàng hóa, dịch vụ tăng quá cao hoặc giảm quá thấp bất hợp lý. Việc bình ổn giá được thực hiện khi giá hàng hóa, dịch vụ có biến động bất thường, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế – xã hội.
Không phải mặt hàng nào cũng thuộc diện được can thiệp bình ổn giá, và xăng dầu nằm trong số ít đó. Sự ra đời và tồn tại của Quỹ bình ổn giá xăng dầu đương nhiên có ý nghĩa nhất định với từng giai đoạn quản lý giá mặt hàng nhạy cảm này. Gần đây, khi giá dầu thế giới liên tục leo thang thì trong một khoảng thời gian nhất định, Quỹ đã góp phần đảm bảo giá xăng dầu trong nước không tăng sốc. Dù không phủ nhận vai trò “van xả” của Quỹ bình ổn giá xăng dầu, nhưng không phải tự nhiên mà rất nhiều lần giới chuyên gia đã góp ý, thảo luận về vấn đề bỏ Quỹ này. Và mới đây, Bộ Tài chính khi lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Giá (sửa đổi), cũng đưa ra đề xuất bỏ các quy định về lập và sử dụng quỹ bình ổn giá, bao gồm cả Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Giá xăng dầu tăng cao, liên tiếp lập kỷ lục mới trong thời gian qua (Ảnh minh họa: Mạnh Quân) |
Vì sao lại có các đề xuất như nêu trên?
Thứ nhất, việc lập quỹ bản chất là sự can thiệp bằng “bàn tay hữu hình” của Nhà nước vào một loại mặt hàng có tính nhạy bén rất cao với thị trường. Sự can thiệp mang tính hành chính dù với mục đích gì cũng đều khiến giá xăng dầu trong nước và thế giới không đồng nhất, làm méo mó tính chất thị trường của hàng hóa.
Thứ hai, các chuyên gia qua nhiều thời kỳ đã chỉ ra Quỹ bình ổn giá xăng dầu về cơ bản hoạt động dựa trên cơ chế “tiền từ túi này sang túi kia”. Quỹ này bản chất là của người tiêu dùng góp vào và được sử dụng vào thời gian sau (nói cách khác là người dân ứng trước tiền).
Nghị định 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu quy định, mỗi lít xăng dầu trước khi bán ra thị trường được trích lập vào quỹ bình ổn giá xăng dầu 300 đồng. Tiền là của người tiêu dùng, nhưng lại do doanh nghiệp quản lý, và quyết định nằm tại cơ quan điều hành. Dù rằng định kỳ doanh nghiệp và Bộ Tài chính đều công bố số dư quỹ, vậy nhưng trong dư luận vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Người dân chưa hoàn toàn tin tưởng về tính minh bạch của Quỹ bình ổn giá xăng dầu; không rõ khi nào thì trích quỹ và sẽ trích với liều lượng ra sao. Luôn tồn tại những câu hỏi không hồi kết, như: “Vì sao khi giá thế giới tăng thì giá trong nước tăng, nhưng giá thế giới giảm thì giá trong nước vẫn không giảm hoặc chỉ giảm nhẹ”?.
PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), gần đây đưa ra thống kê: Kể từ 1/1/2020 đến nay, trung bình xăng E5 RON 92 nhận được khoảng 781 đồng/lít từ quỹ BOG; xăng RON 95 nhận được 106 đồng/lít. Trong khi đó, dầu diesel phải trích nộp khoảng 132 đồng/lít; dầu hỏa phải trích nộp 113 đồng/lít; dầu mazut phải trích nộp khoảng 25 đồng/lít cho quỹ. Điều này, theo ông Phạm Thế Anh, có nghĩa là quỹ bình ổn xăng dầu đang tái phân phối, hay “bốc tiền từ túi anh em lái xe tải, xe khách, lái máy cày, máy tuốt lúa, tàu thủy… sang túi của anh em đi xe 4 chỗ, xe sang Mercedes, BMW, Lexus,…”. Thiết nghĩ đây là một thống kê đáng lưu ý.
Từ phía người tiêu dùng là vậy, còn ở góc độ của doanh nghiệp kinh doanh, phân phối xăng dầu, họ cũng không mặn mà với việc giữ Quỹ. Khi thời điểm giá xăng dầu tăng cao và tăng mạnh như thời gian vừa qua, trường hợp Quỹ bị âm thì doanh nghiệp phải “gồng mình” chi Quỹ, thậm chí là vay ngân hàng bù vào, ảnh hưởng tới nguồn vốn kinh doanh; còn khi giá xăng dầu xuống thấp, doanh nghiệp lại “mang tiếng” với người tiêu dùng vì giá sẽ giảm chậm do phải trích lập Quỹ, bù đắp cho phần Quỹ âm trước đó.
Với một công cụ hành chính mà cả doanh nghiệp, giới chuyên gia và người dân còn nhiều ý kiến trái chiều như nêu trên, thậm chí là đề xuất “bỏ” thì cơ quan quản lý nên xem xét lại vai trò và sự tồn tại của Quỹ.
Câu hỏi đặt ra là nếu không duy trì và trích lập Quỹ thì lấy công cụ nào để điều tiết giá xăng dầu? Người viết bài này cho rằng, trước mắt Bộ Tài chính nên xem xét các đề xuất của giới chuyên gia và một số đại biểu Quốc hội, đó là giảm bớt gánh nặng thuế, phí trong cơ cấu giá xăng dầu. Mới đây Bộ Tài chính đã thống nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu (chấp nhận giảm thu khoảng 7.000 tỷ đồng), nhưng vậy là chưa đủ và có lẽ cũng chưa thực sự trúng. Điểm mấu chốt hiện nay là thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu, mong rằng cơ quan quản lý sẽ tiếp thu ý kiến giới chuyên gia, nghiên cứu tham mưu các cấp có thẩm quyền bỏ loại thuế này ra khỏi cơ cấu giá xăng dầu. Khi giá xăng dầu thế giới hạ nhiệt thì các loại thuế, phí có thể được xem xét trở lại.
Lúc này, việc giảm bớt gánh nặng thuế, phí với xăng, dầu mới thực sự giúp “bình ổn” đời sống người dân trong “cơn bão giá”. Về lâu dài, cơ sở cho việc xem xét lại Quỹ bình ổn giá xăng dầu là xây dựng thị trường cạnh tranh, giá xăng dầu trong nước theo giá thị trường thế giới, đồng thời nâng cao năng lực dự báo và dự trữ; khi cần can thiệp thì bằng các công cụ như năng lực dự trữ (kho dự trữ lớn) và điều chỉnh thuế, phí. Và dù với biện pháp nào, khoan thư sức dân luôn là điều cần thiết cả trước mắt cũng như lâu dài.
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016. |
Nguồn: Báo xây dựng