Kiến trúc đô thị Hà Nội, bao giờ cho hết ‘xộc xệch’?
Lộn xộn, tùy tiện xây dựng nhà ở đô thị theo kiểu “mạnh ai nấy làm”; những căn nhà có hình thù kỳ dị, mỏng, méo xuất hiện sau những tuyến đường, cây cầu mới mở; chung cư cao tầng mọc lên như nấm, băm nát quy hoạch các tuyến phố; tình trạng ôm đất vàng xây chung cư rồi bỏ hoang và các khu đô thị mới nhanh chóng xuống cấp… là những hình ảnh đang khiến kiến trúc đô thị Hà Nội xộc xệch tại các quận nội đô.
Thực tế này là hậu quả của sự quy hoạch thiếu đồng bộ lâu nay và đã đến lúc TP Hà Nội, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan cần họp bàn thống nhất phương án chỉnh trang đô thị xứng tầm.
Video “Lộn xộn kiến trúc đô thị Hà Nội”:
Sự manh mún, lộn xộn trong xây dựng nhà ở trên các tuyến đường dân cư tại hầu hết các quận nội đô Hà Nội, là một trong những nguyên nhân chính làm xấu bộ mặt kiến trúc cảnh quan đô thị Thủ đô. Tình trạng này tập trung chủ yếu ở khu vực các nhà ở riêng lẻ thấp tầng; khu vực làng xóm trước đây ,giờ đô thị hóa; nhà chung cư cũ bị cơi nới… Đặc biệt là tại các tuyến đường Vành đai 1, Vành đai 2 được xây mới, mở rộng qua khu dân cư đã ở ổn định cho thấy kiến trúc thiếu thẩm mỹ khi những ngôi nhà mỏng, méo, hình thù kỳ dị đua nhau mọc lên…
Dọc các tuyến đường Phạm Văn Đồng (quận Nam Từ Liêm) thuộc dự án mở rộng đường Vành đai 3, đoạn Mai Dịch – Cầu Thăng Long), đường Cổ Linh (quận Long Biên) đang giải phóng mặt bằng phục vụ thi công cầu vượt nút giao Cổ Linh, đường Lê Văn Lương – Tố Hữu (qua 3 quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông) hay các tuyến đường Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy), Xã Đàn, Hoàng Cầu kéo dài (quận Đống Đa)… vào thời điểm hiện tại không khó để bắt gặp nhiều căn nhà mới xây siêu mỏng, có hình thù méo mó, lồi ra, thụt vào, không theo quy định chung nào.
Diện tích nhà của nhiều hộ dân tại các khu vực này do bị giải phóng mặt bằng, nên đã bị cắt phần lớn diện tích nhà, thế nhưng các hộ vẫn nhanh chóng sửa chữa, xây mới trên phần diện tích còn lại để cho thuê, kinh doanh, thậm chí để ở vì ra mặt tiền. Không những thế, đường phố mới tuy rộng rãi, thênh thang nhưng chỗ thì hàng loạt nhà ống cao chót vót, chỗ lại là tình trạng nhà cửa hai bên đường nhỏ bé, tủn mủn, với kiến trúc hết sức lộn xộn, thiếu thẩm mỹ.
Nhếch nhác mặt ngoài Khu tập thể Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân) trên đường Khuất Duy Tiến bởi các “chuồng cọp” vây kín không còn chỗ trống. |
Nhà mặt tiền siêu mỏng trên phố Tăng Bạt Hổ (quận Hai Bà Trưng). |
Nhà án ngữ toàn bộ vỉa hè trên phố Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng). |
Mặt tiền nhà hình tam giác tranh thủ xây dựng trước khi cầu vượt nút giao đường Cổ Linh (quận Long Biên) hoàn thành. |
Điển hình, Khu đô thị kiểu mẫu Trung Hòa – Nhân Chính được quy hoạch xây dựng từ những năm 2010, với tiêu chí là khu đô thị hiện đại bậc nhất Thủ đô. Tuy nhiên đến nay, sau hơn 12 năm khai thác, khu đô thị này đã bộc lộ những bất cập về quy hoạch thiếu tính toán, dẫn đến quá tải về hạ tầng và dân cư, cùng với tình trạng xuống cấp, kiến trúc cảnh quan lộn xộn. Đây là một trong số nhiều khu đô thị hiện nay cho thấy những bất cập của quy hoạch đô thị thiếu dài hạn hơn chục năm trước đây, nhất là tình trạng nhồi nhét nhà cao tầng, khiến bộ mặt cảnh quan đô thị “nhếch nhác” sau khi xuống cấp.
Hay dọc các trục phố chính sầm uất, đang được coi là những tuyến phố “đất vàng” đô thị hóa nhanh của Hà Nội như Lê Văn Lương, Tố Hữu, Vạn Phúc, Trần Phú (quận Hà Đông), Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm), Nghĩa Tân, Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy)… không khó nhận thấy nhiều dự án tòa nhà chung cư, tổ hợp văn phòng, khu shophouse, bệnh viện… được xây dựng dở dang từ nhiều năm nay, nhưng hiện bị quây tôn bỏ hoang, kiến trúc mặt tiền nhếch nhác, lãng phí và mang đến nhiều phiền hà cho người dân sinh sống xung quanh…
Tiếp tục là căn nhà siêu mỏng chưa kịp xây dựng trên mặt đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) sau khi giải phóng mặt bằng đường Cổ Linh kéo dài phục vụ xây dựng cầu vượt. |
Các nhà mặt tiền bờ sông Hồng đã hình thành từ hàng chục năm nay để chờ đón quy hoạch hai bên bờ sông hiện nay. |
Nhà cửa cơi nới bừa bãi, bám cả vào thành cầu Chương Dương, từ trên cầu có thể chèo vào nhà dân, cảnh này chỉ có tại Hà Nội. |
Hàng loạt dự án chung cư cao cấp nghìn tỷ đã được xây dựng cao tầng từ 10 năm trước, nằm trên những tuyến phố “đất vàng” tại nhiều quận nội đô Hà Nội, nhưng đang bị bỏ hoang, nhếch nhác. |
Quy hoạch xây dựng từ những năm 2010, Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính (quận Cầu Giấy) đến nay đã bộc lộ những bất cập về quy hoạch thiếu tính toán, dẫn đến quá tải về hạ tầng và dân cư. |
Các chuyên gia quy hoạch đô thị khẳng định, Thủ đô Hà Nội hiện nay chưa có tuyến phố nào thực hiện thiết kế đô thị thành công. TP Hà Nội đã đầu tư xây dựng, mở rộng nhiều tuyến đường từ nội đô đến vành đai, nhưng đường mở rộng đến đâu thì tình trạng nhà cửa hai bên mọc lên lộn xộn đến đó. Thực tế này cho thấy yếu tố thiết kế đô thị đang bị xem nhẹ, trong khi công tác quản lý đô thị còn lỏng lẻo, nên đến nay vẫn chưa có những tuyến đường, phố đẹp, văn minh hiện đại đúng nghĩa. Mặc dù đã nghiên cứu thiết kế đô thị gần 20 năm nay, nhưng chưa có thiết kế tuyến phố nào được thực hiện thành công.
Tình trạng trên là hậu quả của sự quy hoạch thiếu đồng bộ. Khi xây dựng, mở rộng các tuyến đường là quy hoạch của ngành Giao thông, nhưng chưa gắn được với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và nhiều quy hoạch khác. Gốc của vấn đề nằm ở quy hoạch đô thị, khi làm các dự án giao thông qua khu dân cư ổn định cần được tính toán kỹ, nhất là phải gắn chặt với quy hoạch hai bên tuyến đường, ngăn chặn nhà siêu mỏng, siêu méo không để phát sinh, chứ không thể đường xong, nhà xong mới chạy theo xử lý từng trường hợp.
Không ít dự án chung cư “đắp chiếu” giữa lòng Thủ đô đang để lại những hệ lụy lớn về kinh tế, quản lý đô thị. |
Đường Lê Văn Lương – Tố Hữu (quận Thanh Xuân) đang gây bức xúc lớn trong dư luận vì mật độ cao ốc dày đặc, kiến trúc đô thị lộn xộn, quy hoạch đô thị bị “xé nát”. |
Những nhà cổ như thế này trên phố Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm) hiện nay không còn nhiều… |
…thay vào đó là những căn nhà bê tông cốt thép, cho thấy sự lộn xộn, tùy tiện trong quản lý trật tự xây dựng, khiến kiến trúc phố cổ mất dạng. |
Lại một căn nhà siêu mỏng trên phố Hàng Giấy (quận Hoàn Kiếm). |
Qua tìm hiểu, việc lập các đồ án thiết kế đô thị, chỉnh trang tuyến phố của Hà Nội đang thiếu và chậm, chưa đáp ứng kịp, dẫn đến công tác cấp phép xây dựng thiếu cơ sở để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, các yêu cầu cụ thể về lập quy hoạch, thiết kế đô thị ngay cả trong các Nghị định, Thông tư hướng dẫn vẫn còn thiếu quy trình đánh giá mặt đứng các tuyến phố hiện trạng, làm cơ sở phát triển lành mạnh cho những kiến trúc mới cải tạo hoặc xây mới, dẫn đến các công trình xây dựng đơn lẻ thiếu tính tổng thể, manh mún. Thêm vào đó, hiện trạng các căn nhà phố lộn xộn không hẳn do việc xây dựng, cơi nới trái phép, công tác quản lý trật tự xây dựng lỏng lẻo tạo ra, mà còn do công tác cấp phép xây dựng thiếu định hướng hoặc không có quy định mang tính tổng thể.
Theo TS, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội, để giải quyết tận gốc vấn đề lộn xộn kiến trúc đô thị trên, cần phải có sự kết hợp giữa các ngành quy hoạch, để tạo ra một kế hoạch hành động cụ thể cho từng ngành… Khi một tuyến đường có đồ án thiết kế đô thị chi tiết và quy định quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan sẽ tác động đến việc cấp phép xây dựng. Đặc biệt, khi giải phóng mặt bằng, ngoài giải phóng trong ranh giới tuyến đường, nên giải phóng cả không gian hai bên tuyến đường để đảm bảo xây dựng.
Hà Nội đang đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025”. Một trong những chỉ tiêu quan trọng của Chương trình đang được 12 quận tập trung triển khai là cải tạo, chỉnh trang hè, đường phố, với 180 tuyến đường. Do vậy, để có cơ sở thực hiện, các tuyến phố sau khi chỉnh trang thực sự khang trang, có điểm nhấn về kiến trúc, những vướng mắc về công tác thiết kế đô thị hoặc thiết kế chỉnh trang các tuyến phố cần được các cơ quan quản lý Nhà nước quan tâm tháo gỡ.
Nhiều kiến trúc sư, nhà quy hoạch đưa ra đề xuất, trước tiên cần tổ chức lập kế hoạch rà soát hiện trạng công trình tại các khu vực giới hạn, đoạn tuyến, tuyến phố theo địa bàn từng quận, lập và phê duyệt thiết kế chỉnh trang các khu vực, mặt đứng các tuyến phố cần ưu tiên; đồng thời, sớm ban hành “Quy chế kiến trúc đô thị” đến từng tuyến phố, kể cả phố mới, để bảo đảm không thay đổi hiện trạng đã xây dựng theo quy hoạch chi tiết, các dự án cải tạo, tái thiết, các khu ở xen cấy trong ranh giới đô thị đã hoàn thành và kiên quyết dẹp bỏ các không gian cơi nới của các hộ cố tình vi phạm quy định hiện hành về quản lý đô thị.
Nguồn: Báo xây dựng