Hoàn thiện hồ sơ Báo cáo tiền khả thi các dự án tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương
(Xây dựng) – Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và Hội đồng thẩm định liên ngành rà soát, giải trình, hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các Dự án thành phần của tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet). |
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 184/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về rà soát tiến độ thực hiện các dự án đường bộ cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) – Bảo Lộc (Lâm Đồng), Bảo Lộc – Liên Khương theo phương thức đối tác công tư và dự án nâng cấp, mở rộng đèo Prenn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Tuyến đường bộ cao tốc Dầu Giây – Liên Khương với tổng chiều dài 220km đã được xác định trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021.
Đây là tuyến đường cao tốc có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh đối với tỉnh Lâm Đồng và khu vực Tây Nguyên. Việc sớm triển khai các dự án thành phần (Dầu Giây – Tân Phú, Tân Phú – Bảo Lộc, Bảo Lộc – Liên Khương và Liên Khương – Prenn) và toàn tuyến sẽ hình thành hệ thống giao thông kết nối khu vực Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ, mở ra không gian phát triển cho tỉnh Lâm Đồng và toàn vùng nhằm khai thác tối đa những thế mạnh về du lịch, sản xuất nông nghiệp chất lượng cao…
Tỉnh Lâm Đồng đã chủ động đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án đoạn Tân Phú – Bảo Lộc và đoạn Bảo Lộc – Liên Khương với tổng chiều dài 140km (ngay sau khi Luật đầu tư theo đối tác công tư (PPP) có hiệu lực). Đồng thời tỉnh Lâm Đồng đã rất cố gắng cân đối từ nguồn ngân sách hạn hẹp của địa phương để triển khai đầu tư các dự án này.
Đánh giá cao sự chủ động, trách nhiệm, nỗ lực, cố gắng của tỉnh Lâm Đồng chung tay, góp sức cùng Trung ương triển khai đầu tư đường cao tốc tại địa phương, qua đó phấn đấu hoàn thành mục tiêu đạt 5.000km đường bộ cao tốc đến năm 2030 theo Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Trong thời gian qua, mặc dù các Bộ, ngành, địa phương đã cố gắng phối hợp, triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các dự án theo quy định pháp luật, các thủ tục đã cơ bản được hoàn thành. Tuy nhiên, riêng nội dung chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của các dự án (thuộc trách nhiệm UBND tỉnh Đồng Nai và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện rất chậm. Các bộ, ngành, địa phương cần rút kinh nghiệm trong việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ của Lãnh đạo Chính phủ giao (Thông báo số 01/TB-VPCP ngày 01/01/2022), nâng cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nỗ lực, cố gắng hơn nữa để đáp ứng nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng xã hội, trong đó có giao thông vận tải.
Để bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật và sớm triển khai đầu tư xây dựng các dự án thành phần của tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Lâm Đồng với trách nhiệm là cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án thành phần, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và Hội đồng thẩm định liên ngành trong việc rà soát, giải trình, hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các Dự án theo quy định pháp luật, bảo đảm đủ điều kiện để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.
Sau khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức triển khai các thủ tục theo quy định pháp luật, phấn đấu khởi công đoạn Dầu Giây – Tân Phú và Tân Phú – Bảo Lộc trong Quý II năm 2023 và hoàn thành các dự án trong năm 2026, bảo đảm đồng bộ trên cả tuyến Dầu Giây – Bảo Lộc.
Hội đồng thẩm định liên ngành khẩn trương có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về dự án đường bộ cao tốc Dầu Giây – Tân Phú (giai đoạn 1) theo hình thức đối tác công tư đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại văn bản số 3637/VPCP-CN ngày 10/6/2022 của Văn phòng Chính phủ.
Cần rút kinh nghiệm trong việc hoàn thiện các Báo cáo thẩm định
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định liên ngành) cần rút kinh nghiệm trong việc hoàn thiện các Báo cáo thẩm định, trong đó cần có ý kiến nhận xét rõ ràng về từng nội dung thẩm định và đề xuất rõ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đã đủ điều kiện Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo đúng quy định pháp luật hay chưa.
Văn phòng Chính phủ khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm tra Hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) – Bảo Lộc (Lâm Đồng) theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 3721/BNN-TCLN ngày 10/6/2022.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để triển khai Dự án nâng cấp, mở rộng đèo Prenn, thành phố Đà Lạt theo quy định pháp luật.
Các Bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Lâm Đồng trong quá trình hoàn thiện hồ sơ các dự án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định chủ trương đầu tư và tổ chức triển khai đầu tư các dự án.
Nguồn: Báo xây dựng