Hơn 10.000 người tiêu dùng Australia sẽ được mời dùng thử gạo Việt
7 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh Australia giảm mạnh nhập khẩu gạo từ thế giới thì gạo Việt Nam xuất khẩu sang Australia lại tăng trưởng ấn tượng lên đến 37,03% về kim ngạch so với cùng kỳ. Nguyên nhân do gạo Việt Nam có chất lượng ngày càng cao và do nỗ lực xây dựng thương hiệu đến người tiêu dùng, đồng thời cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam ngày càng có kết quả.
Hơn 10.000 người tiêu dùng Australia sẽ được mời dùng thử gạo Việt |
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu nông sản theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và Cơ quan Đại diện, Thương vụ Việt Nam tại Australia sẽ phối hợp tổ chức chuỗi sự kiện để xúc tiến thương hiệu và kết nối giao thương kể từ ngày 18/8-27/9. Theo đó, 10.000 túi gạo Ban Mai Cung Đình, một nhãn hiệu nổi tiếng và được người tiêu dùng tại bang Tây Australia đánh giá rất cao về chất lượng, sẽ được nhà phân phối M-Import và hệ thống siêu thị MCQ đảm nhiệm tặng 10.000 khách hàng, mỗi khách hàng 1kg dùng thử.
Tại Melbourne, hàng trăm phần quà gạo dùng thử nhãn hàng ST25, gạo thơm Jasmine Vilaconic cũng sẽ được mời tặng, khuyến mại do Công ty AusViet triển khai. Tại Sydney, một sự kiện “Mời bạn dùng cơm Việt” bằng các loại gạo Việt có tại thị trường Australia cũng sẽ được lên kế hoạch tổ chức (căn cứ điều kiện giãn cách xã hội).
Ngoài ra, một triển lãm trực tuyến gạo Việt Nam sẽ được tổ chức vào cuối chương trình nằm trong khuôn khổ Triển lãm Nguồn hàng Việt Nam ngành nông thuỷ sản để kết nối giao thương. Cơ quan Thương vụ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về hình ảnh, thông tin “Việt Nam, vùng đất của gạo ngon nhất thế giới”. Danh sách doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu gạo cũng đã được trợ lý ảo của Thương vụ (chatbot) tự động giới thiệu nhà nhập khẩu Australia.
Mặc dù cả Việt Nam và Australia đều đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng xuất khẩu nông thuỷ sản Việt Nam sang Australia vẫn tăng trưởng mạnh. Sau 7 tháng đầu năm xuất khẩu nông sản rau quả tăng hơn 45%, xuất khẩu thuỷ sản tăng hơn 53% so với cùng kỳ năm 2020.
Nguồn: Báo lao động thủ đô