Nguy cơ phố cổ Hội An bị hủy hoại
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, di sản Văn hóa thế giới đô thị Hội An đang chịu áp lực rất lớn, sức chịu tải của vùng lõi có thể nói là lớn nhất cả nước bây giờ và cả sau này.
Ngày 25/6, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam tổ chức Hội thảo Quy hoạch xây dựng đô thị ven biển, ven sông tỉnh Quảng Nam theo hướng sinh thái và bền vững.
Hội thảo nhằm góp phần phát triển đô thị ven biển Duyên hải Miền Trung theo hướng tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu, phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt.
Quảng Nam có vị trí đắc địa để phát triển
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường cho hay địa phương có đầy đủ biên giới, hải đảo, sân bay, cảng biển, đồng bằng, miền núi và sau 25 năm chia tách tỉnh, hầu hết đô thị trên địa bàn tỉnh đã có bước đột phá. Đô thị là khu vực đóng góp GDP lớn nhất cho tỉnh, với lợi thế nhiều vùng đất ven sông, ven biển khá đắc địa.
Ông Phan Việt Cường cho rằng khu vực đô thị ven sông, ven biển nếu được quy hoạch, phát triển đúng hướng, bền vững, sẽ giúp Quảng Nam đi trước, đón đầu, duy trì nhịp độ phát triển. Đây cũng là một trong các hoạt động để thực hiện Nghị quyết 06 năm 2022 của Bộ Chính trị.
Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. Ảnh: Thanh Đức. |
Theo KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, Quảng Nam là một trong số ít các tỉnh Trung Bộ sớm lập đầy đủ quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh để kiểm soát phát triển hệ thống đô thị của tỉnh.
“Tại Quảng Nam, chuỗi đô thị ven biển đang giữ vai trò chủ đạo trong việc tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội, gồm đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc (Điện Bàn), TP Hội An, vệt du lịch cao cấp ven biển Tam Kỳ, Chu Lai – Núi Thành”, ông Chính nói.
Đồng tình, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho hay địa phương đang lập quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Dự kiến việc quy hoạch tỉnh hoàn thành vào quý I/2023 và trình Thủ tướng phê duyệt vào giữa năm 2023. Đây là lần đầu tiên địa phương lập quy hoạch chi tiết về phát triển đô thị.
“Đầu tháng 6 vừa qua, chúng tôi đã tổ chức hội thảo trong 2 ngày để lấy ý kiến về quy hoạch tỉnh Quảng Nam với chuyên gia trong và ngoài nước. Trong đó, vấn đề rất quan trọng được đặt ra là phát triển đô thị như thế nào, thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức giữa quy hoạch quan hệ với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”, ông Thanh nhấn mạnh.
Đô thị cổ Hội An đang chịu áp lực rất lớn
Ngoài những yếu tố thuận lợi tại địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh bày tỏ quan ngại đối với sự phát triển của TP Hội An và cho rằng cần có các giải pháp để định hướng phát triển cho đô thị cổ này.
TP Hội An sẽ mở rộng đô thị về phía bắc là thị xã Điện Bàn. Lý do đầu tiên là Hội An phía nam tiếp giáp sông Thu Bồn, không thể mở rộng. Thứ hai, đô thị Hội An là Di sản Văn hóa thế giới đang chịu áp lực rất lớn, sức chịu tải của vùng lõi có thể nói là lớn nhất cả nước bây giờ và cả sau này.
“Chính vì thế để duy trì và phát triển Hội An cần giải quyết những vấn đề áp lực đối với đô thị cổ. Nếu không chính sự phát triển nội tại, sự phát triển về du lịch sẽ làm gia tăng quá trình hủy hoại đô thị này”, ông Lê Trí Thanh nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho rằng Hội An cần giảm tải áp lực vùng lõi đô thị. Ảnh: Thanh Đức. |
KTS Trần Ngọc Chính lưu ý việc phát triển đô thị ven biển ở Quảng Nam còn tồn tại một số hạn chế. Thứ nhất là tính ổn định trong phát triển theo quy hoạch xây dựng chưa cao. Thứ hai, quy chế quản lý quy hoạch và kiến trúc đô thị chưa đáp ứng yêu cầu. Thứ ba, đô thị Hội An, Vĩnh Điện, một phần Tam Kỳ, Núi Thành đang bị tác động bởi nước biển dâng và xâm nhập mặn.
Ông Chính cho rằng ở khu vực ven biển đang ưu tiên dành đất quy hoạch đô thị và theo đuổi mục tiêu phát triển đô thị bằng mọi giá, trong khi nguồn lực lại hạn chế dẫn đến việc phân tán đầu tư. Thực tế các dự án ven biển tại Quảng Nam bị chậm tiến độ do thiếu nguồn lực, chính sách về quản lý đất đai, đầu tư còn chồng chéo.
“Toàn bộ vệt ven biển dọc ven sông Cổ Cò, qua TP Hội An và thị xã Điện Bàn, với hàng trăm dự án bất động sản, nhà ở, khu đô thị đã và đang đầu tư, xen lẫn các tòa nhà cao tầng là các khu dân cư làng quê và thửa đất nông nghiệp, đang minh chứng cho quá trình đô thị hóa đang diễn ra tại đây”, ông Chính nói.
Nguồn: Báo xây dựng