Nhận diện thách thức cản tiến độ thi công cao tốc Bắc-Nam
Thời tiết, bão giá vật liệu… là những cản trở tiến độ thi công cao tốc Bắc Nam khiến Bộ GTVT phải đốc thúc các Ban Quản lý dự án, nhà thầu thi công hoàn thành theo đúng mốc tiến độ đã cam kết.
Nhà thầu thi công một đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN) |
Tiến độ các dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2021 có thể gặp những bất lợi, đặc biệt là 4 dự án thành phần phải hoàn thành vào 31/12/2022 do những yếu tố thời tiết bất thường và giá nhiên, vật liệu đầu vào tăng đột biến.
“Canh trời,” dàn trận thi công
Mốc tiến độ hoàn thành của 4 dự án cao tốc Bắc-Nam trong năm 2022 gồm các đoạn: Mai Sơn-Quốc lộ 45, Cam Lộ-La Sơn, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây có thể sẽ bị ảnh hưởng nếu thời tiết “không chiều lòng người.”
Những ngày vừa qua, Trung tá Trần Hữu Hoàn, Giám đốc Ban điều hành gói thầu 13-XL (dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45) của Binh đoàn 12-Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn luôn chăm chú theo dõi bản tin thời tiết của đài truyền hình địa phương.
Theo Trung tá Hoàn, phạm vi công việc của Binh đoàn 12 tại dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45 gồm xây dựng 5km đường và 3 cây cầu, hiện đã đạt 72% khối lượng theo hợp đồng. Tuy nhiên, phân đoạn thi công dự án nằm trên địa bàn các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa có mưa nhiều, ảnh hưởng rất lớn đến thi công.
“Càng vào giai đoạn nước rút, chúng tôi càng lo lắng về thời tiết bởi nếu trời mưa công tác thảm bê tông nhựa và nhiều việc khác không thể thực hiện. Giải pháp được các đơn vị của Binh đoàn 12 thực hiện là tranh thủ ngày nắng để làm các hạng mục phụ thuộc vào thời tiết, đặc biệt là thảm mặt đường,” Trung tá Hoàn nói.
Lo lắng của ông Hoàn là có cơ sở bởi theo ghi nhận của Bộ Giao thông Vận tải, từ tháng 5/2022 đến nay, thời tiết khu vực miền Bắc diễn biến bất thường với số ngày mưa và lượng mưa lớn hơn trung bình nhiều năm; phạm vi dự án nằm trên địa bàn các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa có khoảng 18 ngày mưa, ảnh hưởng rất lớn đến thi công.
Tại dự án cao tốc Cam Lộ-La Sơn, ông Lê Sáu, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết tranh thủ thời tiết thuận lợi, tất cả đang dồn lực ngày đêm với tinh thần không có đường lùi để đưa 6/11 gói thầu về đích trong tháng này.
“Chưa năm nào thời tiết thất thường như năm nay. Mưa kéo dài 2-3 ngày kéo theo hàng nghìn máy móc, công nhân phải nghỉ 3-4 ngày chờ công địa khô ráo. Phức tạp nhất là các gói thầu đang thi công đắp đất. Vì thế, việc theo dõi thời tiết hiện được tính từng ngày để việc thi công có thể tận dụng tối đa thời tiết tốt,” ông Sáu chia sẻ.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Hồ Chí Minh, sản lượng thi công dự án thành phần Cam Lộ-La Sơn đến nay đạt khoảng 87,6% giá trị hợp đồng, vẫn chậm 1,53% so với kế hoạch. Một trong những nguyên nhân lớn làm chậm tiến độ dự án được nhận định do chỉ trong hơn một tháng qua, địa bàn tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế có tới 22 ngày mưa.
Với thời gian mưa kéo dài từ 29-30 ngày trong khoảng 2 tháng qua (từ tháng 4/2022 đến nay), sản lượng thi công dự án Vĩnh Hảo-Phan Thiết hiện đạt khoảng 40,85% giá trị hợp đồng, chậm 1,93 % so với tiến độ cam kết. Đoạn Phan Thiết-Dầu Giây hiện đạt 46,7% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 3,8% so với kế hoạch.
Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, năm 2021, địa bàn các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, địa bàn triển khai 6/11 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam có khoảng 100 ngày mưa. Từ đầu năm 2022 đến nay, mưa lan sang cả tại các công trường tại Thanh Hóa, Nghệ An, trong đó từ tháng 4/2022 đến nay, mặc dù vẫn là mùa khô nhưng đã có khoảng 20-33 ngày mưa/tháng. Địa bàn tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai – nơi mưa có lượng mưa ít nhưng trong tháng 4/2022 đến nay đã có 26-30 ngày mưa.
“Bão giá” vật liệu và nỗi lo nhà thầu hụt hơi
Giá nhiên liệu, vật liệu không ngừng tăng cũng khiến hàng loạt nhà thầu thi công dự án cao tốc Bắc-Nam lo ngại “hụt hơi” nếu như không có hỗ trợ kịp thời về điều chỉnh giá.
Ông Nguyễn Hữu Tới, Phó Tổng giám đốc Vinaconex cho biết thời điểm ký hợp đồng gói thầu số 4 dự án thành phần Phan Thiết-Dầu Giây giá đất đắp chỉ 85.000 đồng/m3 thì hiện tại lên 116.8100 đồng/m3 (tăng 37,42%); giá nhựa đường lúc ký 11.421 đồng/kg, giờ vọt lên 15.500 đồng/kg (tăng 35,7%); giá đá sản xuất bê tông nhựa thời điểm ký là gần 270.000 đồng/m giờ đã tăng lên 430.625 đồng/m3 (tỷ lệ tăng giá gần 60%); giá nhiên liệu dầu diezel lúc ký là 11.309 đồng/lít thì hiện nay đã “leo thang” lên 26.382 đồng/lít (tăng phi mã 133,2%)…
Tại dự án Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Giá trị hợp đồng gói thầu XL04 là 2.809 tỷ đồng (trừ dự phòng), chỉ riêng chi phí biến động giá vật liệu xây dựng (chưa tính chi phí biến động máy thi công, nhân công) so với giá trị hợp đồng hiện đã khoảng 468 tỷ đồng (tỷ lệ tăng 16,7%), trong khi tỷ lệ bù giá theo công thức hợp đồng đến nay trung bình được 8%.
Hay như gói thầu số 3 đoạn Phan Thiết-Dầu Giây, giá trị phần việc Vinaconex là 1.603 tỷ đồng (trừ dự phòng), chỉ riêng chi phí biến động giá vật liệu xây dựng (chưa tính chi phí biến động máy thi công, nhân công) so với giá trị hợp đồng hiện đã khoảng 626 tỷ đồng (tỷ lệ tăng 39%), tỷ lệ bù giá theo công thức hợp đồng đến nay trung bình được 3,8%.
“Tính trung bình cả 5 gói thầu mà Tổng công ty Vinaconex đảm nhận thi công cao tốc Bắc-Nam, chỉ riêng chi phí biến động giá vật liệu xây dựng (chưa tính chi phí biến động máy thi công, nhân công) tăng 21,3%, nếu tính cả biến động máy thi công, nhân công khoảng 28%, trong khi đó tỷ lệ bù giá theo công thức hợp đồng đến nay trung bình các gói thầu được 6%,” ông Tới thông tin.
Biến động về bão giá vật liệu đã ảnh hưởng nhiều đến dòng tiền của các nhà thầu thi công dự án cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) |
Đại diện một Ban Quản lý dự án cho biết theo tính toán, trong thi công dự án, nhiên liệu thường chiếm từ 8-10% chi phí xây lắp gói thầu; vật liệu chính và vật tư thi công (sắt thép, cát, đá, xi măng, nhựa đường, bê tông, đất đắp…) chiếm khoảng 35-45% giá gói thầu.
“Với biến động ‘leo thang’ của giá nhiên vật liệu thời gian qua khiến ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công các gói thầu bởi hiện hầu hết các chủ mỏ vật liệu, nhà cung cấp vật tư, vật liệu, cung cấp dịch vụ vận tải… đều yêu cầu nhà thầu thanh toán trước 100% các đơn hàng, giá nhiên vật liệu làm các nhà thầu thiếu hụt dòng tiền nghiêm trọng,” đại diện Ban Quản lý dự án chia sẻ.
Mặt khác, nhiều nhà thầu thi công cho rằng việc giá cả nhiên liệu tăng nhanh trong khi việc công bố giá và chỉ số giá của địa phương không bù đắp được càng gây khó khăn cho các nhà thầu, Ban Quản lý dự án trong việc tăng tốc, đẩy nhanh tiến độ ở giai đoạn nước rút.
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, hiện nay, các nhà thầu đang thi công các lớp móng, mặt đường, cần phải huy động nguồn tài chính rất lớn nhưng nhiều địa phương vẫn thực hiện công bố chỉ số giá theo quý (đến nay mới công bố chỉ số giá quý 4/2021 hoặc 1/2022) dẫn đến việc điều chỉnh giá chưa kịp thời.
Bộ trưởng cho hay trong điều kiện vật giá tăng vọt, một số nhà thầu nghiêm túc đã thực hiện hết trách nhiệm theo hợp đồng. Tuy nhiên, cũng có một số nhà thầu có tư tưởng chần chừ, trông chờ vật tư, vật giá xuống.
Bộ Giao thông Vận tải đã giao Ban Quản lý dự án phối hợp với nhà thầu kiểm soát nhật ký công trình, nghiệm thu cơ sở để xác định thời điểm thi công làm cơ sở để làm thanh quyết toán sau này và có điều chỉnh giá theo thời điểm sát với thực tế. Nếu khó khăn phải đề xuất để phối hợp giải quyết, không thể vì lý do vật giá mà làm chậm tiến độ dự án. Do đó, các đơn vị thi công không được chần chừ trong triển khai thực hiện dự án.
“Nếu các nhà thầu làm công khai minh bạch thì việc xử lý là rất tốt. Chúng tôi sẽ tập trung tối đa để rút ngắn thời gian thanh, quyết toán; xác định khối lượng để các nhà thầu không bị thiệt thòi trong quá trình thi công,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói./.
Nguồn: Báo xây dựng