“Lối thoát” cho giá xăng
Trong thời gian ngắn, mức giá cho mỗi lít xăng, dầu không ngừng phá đỉnh và đến nay đã tăng gấp đôi, thậm chí gần gấp 3 giai đoạn giãn cách xã hội năm 2020.
Ở kỳ điều chỉnh gần nhất vào ngày 13/6, giá xăng E5RON92 đã tăng thêm 880 đồng/lít, từ mức 30.230 đồng/lít lên mức 31.110 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 800 đồng/lít, từ mức 31.570 đồng/lít lên mức 32.270 đồng/lít.
Tại vùng 2, mức giá người tiêu dùng phải trả cho mỗi lít xăng cao hơn đáng kể với 31.730 đồng/lít xăng E5RON92 và 33.010 đồng/lít xăng RON95-III.
Nhiều người dân tập trung đổ xăng trước giờ điều chỉnh giá mong tiết kiệm vài nghìn đồng trong đà tăng giá mạnh của mặt hàng này (Ảnh minh họa: Quang Phong). |
Mức giá này đang tạo ra nhiều mối lo ngại với người dân và cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là đời sống người lao động nghèo. Một tài xế làm công việc giao hàng (shipper) đã hơn 3 năm chia sẻ với tôi, anh đang tính nghỉ việc do thu nhập gần như không được cải thiện trong khi giá xăng tăng phi mã. Tiền công cho nhân viên giao tuyến cố định trong nội thành được tính khoảng 4.000 đồng mỗi đơn hàng và giảm dần xuống 2.000 đồng/đơn thứ hai và 1.000 đồng/đơn thứ 3 giao cùng thời điểm. Nếu ít đơn và chạy đi chạy lại liên tục, chưa kể trường hợp nhỡ đơn, không giao được hàng cho khách thì một ngày công của shipper sau khi trừ đi chi phí chẳng còn là bao.
Cũng như tài xế nêu trên, nhiều lao động trong những ngành nghề liên quan đến hoạt động vận tải, logistic, đánh bắt hải sản… lao đao vì giá xăng. Đó là chưa kể, giá xăng tác động gián tiếp đến giá cả các mặt hàng khác và tạo gánh nặng lên chi phí sống của người dân, nhất là cư dân đô thị.
Do tỉ lệ xăng thành phẩm nhập khẩu ở mức cao, nên giá xăng trong nước không tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi đà tăng giá hàng hóa nhiên liệu trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, đơn giá lên tới hơn 32.000 đồng/lít xăng quả thực đang thử thách sự chịu đựng của người dân khi mà thu nhập chưa cải thiện là bao sau hai năm đại dịch.
Vấn đề đã được nhiều chuyên gia đặt ra là muốn kìm giá xăng thì phải giảm thuế. Trong cơ cấu giá xăng dầu ở Việt Nam, thuế giá trị gia tăng chiếm 10%; thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) 10%; thuế nhập khẩu (10%) và thuế bảo vệ môi trường (BVMT). Đó là chưa kể chi phí kinh doanh, lợi nhuận và trích lập quỹ bình ổn giá!
Bộ Tài chính đang đề xuất Chính phủ xem xét trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm kịch khung thuế BVMT với xăng dầu. Tuy nhiên, việc giảm loại thuế này chỉ mang tính thời điểm và chiếm một tỷ lệ khiêm tốn, hơn nữa có thể bóp méo thông điệp về phát triển kinh tế xanh.
Vậy, “lối thoát” nào để hạ nhiệt giá xăng trong điều kiện hiện tại? Phương án khả thi nhất theo người viết là xem xét bỏ thuế TTĐB với mặt hàng này!
Xăng là một trong những loại hàng hóa chịu thuế TTĐB căn cứ tại Điều 2 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 (sửa đổi năm 2014) và khoản 2 Nghị định 108/2015/NĐ-CP. Tuy nhiên, nếu bám vào khái niệm “thuế TTĐB là loại thuế gián thu, đánh vào một số loại hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ nhằm điều tiết việc sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng xã hội, đồng thời điều tiết mạnh thu nhập của người tiêu dùng, góp phần tăng thu cho Ngân sách Nhà nước, tăng cường quản lý sản xuất kinh doanh đối với những hàng hóa, dịch vụ chịu thuế” thì có nên đưa xăng vào nhóm hàng hóa chịu thuế TTĐB hay không?
Với sự cần thiết của xăng dầu trong đời sống hàng ngày của người dân và sự vận hành của nền kinh tế, thì đây phải được tính là hàng hóa thiết yếu thay vì “mang tính chất xa xỉ”. Cho dù đây là mặt hàng cần hạn chế tiêu thụ thì về bản chất, chẳng người dân hay doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nào muốn lạm dụng hàng hóa này cho các hoạt động của mình.
Có ý kiến lo ngại giảm thuế, giảm giá xăng sẽ dẫn đến thẩm lậu qua đường biên giới hay bị kiện về chống bán phá giá, trợ cấp. Nhưng xin thưa rằng, chẳng riêng xăng dầu, mặt hàng nào cũng cần phải phòng và chống buôn lậu. Vai trò chống buôn lậu là của cơ quan chức năng và các lực lượng này có nhiệm vụ ngăn chặn tình trạng vận chuyển xăng dầu trái phép qua biên giới. Còn nếu lo bị kiện vì trợ giá, bán phá giá thì thử hỏi, vì sao Malaysia cũng trợ giá xăng dầu cho người dân của họ nhưng không bị phản đối?
Về vấn đề giảm thu khi giảm thuế, đây là điều khó tránh. Tuy nhiên, theo báo cáo từ Bộ Tài chính, thu ngân sách Nhà nước trong 5 tháng đầu năm đã bằng 57,1% dự toán, đạt 806.400 tỷ đồng, tăng 18,7% so với cùng kỳ. Như vậy, hoạt động thu ngân sách nhà nước đang được đảm bảo tốt và không ngừng cải thiện thời gian qua. Bởi vậy, việc điều chỉnh thuế TTĐB với xăng dầu hay giảm một số sắc thuế khác với mặt hàng này trong điều kiện hiện tại không phải là điều quá đáng ngại.
Hơn nữa, giảm thu thuế nói cho cùng cũng là một biện pháp để động viên sản xuất kinh doanh, là khoan sức dân để vượt qua khó khăn, từ đó sẽ đóng góp trở lại cho tăng trưởng, cho ngân sách. Nhiều chuyên gia cũng đã hiến kế rằng, hãy giảm thuế để kìm giá xăng lúc này rồi khi giá dầu thế giới hạ nhiệt, chúng ta có thể áp dụng trở lại như bình thường. Đây là lúc ưu tiên khoan thư sức dân và ngăn đà lạm phát từ sớm, từ xa.
Nguồn: Báo xây dựng