SRC cần thoái vốn khỏi Sao Vàng – Hoành Sơn: Bảo toàn vốn, có cần bảo toàn đất vàng?
(Xây dựng) – Biên bản họp Hội đồng quản trị số 96/BB-HĐQT ngày 19/6/2018 cho thấy Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng (SRC) phải thoái vốn khỏi Công ty TNHH Sao Vàng – Hoành Sơn theo quy định của pháp luật và bảo toàn vốn. Thế nhưng, 4 năm đã trôi qua, SRC vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ này.
“Tổ hợp thương mại và nhà ở Cao su Sao Vàng – Hoành Sơn” theo kế hoạch ban đầu sẽ được xây dựng tại địa chỉ 231 đường Nguyễn Trãi – Hà Nội. |
Hoành Sơn “thâu tóm” đất vàng 231 Nguyễn Trãi
Năm 2016, Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng và Tập đoàn Hoành Sơn đã ký hợp đồng với nội dung đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép khai thác khu “đất vàng” hơn 6,2ha tại số 231 đường Nguyễn Trãi – Hà Nội, nhằm tiến hành xây dựng và phát triển “Tổ hợp thương mại và nhà ở Cao su Sao Vàng – Hoành Sơn”.
Công ty TNHH Sao Vàng – Hoành Sơn được lập ra để quản lý dự án. Công ty có vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng, trong đó Hoành Sơn góp 74%, SRC góp 26% bằng nguồn vốn vay của chính Tập đoàn Hoành Sơn. Tới năm 2017, vốn điều lệ Sao Vàng – Hoành Sơn tăng lên 500 tỷ đồng, phần vốn góp của SRC tương ứng 130 tỷ đồng.
Theo thỏa thuận ban đầu, Tập đoàn Hoành Sơn cho SRC vay 26 tỷ đồng với lãi suất là 0% trong vòng 36 tháng để góp vốn vào công ty dự án. Hết thời hạn vay vốn, SRC sẽ chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty dự án cho Tập đoàn Hoành Sơn.
Ngoài ra, Tập đoàn Hoành Sơn sẽ hỗ trợ 435 tỷ đồng kinh phí để SRC di dời nhà máy trên khu “đất vàng” 231 Nguyễn Trãi về Khu công nghiệp Châu Sơn, thành phố Phủ Lý, Hà Nam.
Đáng chú ý, với mức hỗ trợ 435 tỷ đồng, mỗi mét vuông đất tại đây chỉ đạt khoảng 7 triệu đồng, thấp hơn 40% so với đề xuất của Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Mỹ và Công ty Cổ phần Bất động sản Việt Hưng đưa ra vào năm 2012.
Song song với đó, sau nhiều lần Tập đoàn Hoành Sơn mua vào số lượng lớn cổ phần SRC, ông Hoành Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Hoành Sơn đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT Cao su Sao Vàng nhiệm kỳ 2016-2021. Hiện tại, Hoành Sơn đang sở hữu 24,54% vốn SRC, chỉ sau Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Vì vậy, “tiếng nói” của Hoành Sơn tại đất vàng 231 Nguyễn Trãi là rất lớn.
Kiểm toán Nhà nước vào cuộc, 4 năm vẫn thoái vốn bất thành
Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện chuyên đề “Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư của Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng Công ty Lương thực miền Nam”. Đất vàng 231 Nguyễn Trãi cũng nằm trong phạm vi chuyên đề này.
Chuyên đề này không được công bố công khai nhưng ở phần ý kiến của kiểm toán tại Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017 của Công ty SRC, công ty Kiểm toán Nhân Tâm Việt nhấn mạnh rằng tính đến thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán, Công ty chưa có kết luận của cơ quan Kiểm toán Nhà nước về việc kiểm toán dự án Tổ hợp Thương mại và Nhà ở Sao Vàng – Hoành Sơn.
Cùng với đó, Ban Tổng giám đốc SRC cho biết, trong khi chờ đợi kết luận của kiểm toán Nhà nước, công ty luôn tin tưởng dự án được triển khai đúng quy định.
Tuy nhiên, Biên bản họp Hội đồng quản trị số 96/BB-HĐQT ngày 19/6/2018 cho thấy SRC phải thoái vốn khỏi Công ty TNHH Sao Vàng – Hoành Sơn theo quy định của pháp luật và bảo toàn vốn.
Thế nhưng, 4 năm trôi qua, quá trình thoái vốn vẫn chưa hoàn tất. Tại báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2021, SRC xác định: “Công ty đang xây dựng lộ trình, kế hoạch thoái phần vốn góp của công ty tại Công ty TNHH Sao Vàng – Hoành Sơn trên cơ sở theo đúng các quy định của pháp luật và bảo toàn vốn đầu tư”.
Còn tại báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022, Công ty TNHH Sao Vàng – Hoành Sơn vẫn có tên trong danh sách các công ty liên doanh, liên kết của SRC. Theo đó, phần vốn góp của SRC tại Sao Vàng – Hoành Sơn vẫn là 130 tỷ đồng, tương ứng 26% vốn công ty. Do Sao Vàng – Hoành Sơn thua lỗ, SRC phải trích 905 triệu đồng để dự phòng.
Bảo toàn vốn đầu tư, có cần bảo toàn đất?
SRC có trách nhiệm thoái vốn khỏi Sao Vàng – Hoành Sơn theo quy định của pháp luật và bảo toàn vốn đầu tư. Hiện tại, SRC đã đầu tư 130 tỷ đồng vào Sao Vàng – Hoành Sơn nhưng công ty này chưa mang lại lợi nhuận cho SRC vì kể từ khi ra đời, công ty hoàn toàn không có hoạt động.
Kể từ khi thành lập (2016) tới 2020, doanh thu của công ty duy trì ở mức 0 đồng. Công ty không có nhiều chi phí nên thua lỗ cũng rất nhỏ giọt. Trong giai đoạn 2016-2020, công ty thua lỗ lần lượt 73,1 triệu đồng, 16,5 triệu đồng, 1,1 tỷ đồng, 1,1 tỷ đồng và 3,1 triệu đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2020, vốn của công ty không còn duy trì được 500 tỷ đồng nữa mà giảm xuống 497,7 tỷ đồng. Tổng tài sản của công ty chỉ là 530 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa “đất vàng” 231 Nguyễn Trãi không thuộc sở hữu của Sao Vàng – Hoành Sơn. Vì vậy, nếu SRC thoái vốn khỏi Sao Vàng – Hoành Sơn, số phận mảnh đất vàng 231 Nguyễn Trãi cũng nhận được sự quan tâm rất lớn từ cư dân Thủ đô và giới đầu tư kinh doanh bất động sản.
Nguồn: Báo xây dựng