‘Quy hoạch’ sự thịnh vượng, ấm no và hạnh phúc cho 20 triệu dân vùng ĐBSCL

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng tin tưởng, thông qua tổ chức triển khai quy hoạch đồng vùng ĐBSCL, người dân trong vùng sẽ có cuộc sống hạnh phúc, tràn ngập nụ cười, được thụ hưởng những dịch vụ công tốt nhất từ y tế đến giáo dục, có việc làm, thu nhập và chất lượng cuộc sống cao hơn. Điều này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị hướng tới là mang lại hạnh phúc, thịnh vượng cho 20 triệu người dân vùng ĐBSCL.

quy hoach su thinh vuong am no va hanh phuc cho 20 trieu dan vung dbscl
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: “Bây giờ, chúng ta đã hội tụ đủ các điều kiện tạo nên những ‘đột phá’ cho vùng ĐBSCL”

Trước thềm Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 (diễn ra ngày 21/6), Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã có cuộc trò chuyện với Báo Điện tử Chính phủ về ý nghĩa, tầm nhìn và tư duy mới của quy hoạch, từ đó tạo ra những cơ hội và giá trị mới cho vùng. Đồng thời, “tư lệnh” ngành kế hoạch và đầu tư cũng chia sẻ về chiến lược và nguồn lực để thúc đẩy đầu tư, nâng tầm ĐBSCL từ “vùng trũng” trở thành vùng bứt phá, phát triển bền vững.

Phát triển ĐBSCL: Câu chuyện về nguồn cảm hứng và trách nhiệm

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm chỉ đạo phát triển vùng ĐBSCL, xin Bộ trưởng cho biết Chính phủ và Bộ KH&ĐT đã có những chính sách cụ thể gì để thúc đẩy phát triển vùng?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Trước hết, phải khẳng định vùng ĐBSCL có một vị trí, vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh của nước ta. Mặc dù khu vực này đã có bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc, nhưng luôn đối diện với rất nhiều thách thức. Chính phủ và Thủ tướng qua các nhiệm kỳ đều hết sức quan tâm đến ĐBSCL.

Phát triển bền vững vùng ĐBSCL vừa là trách nhiệm, vừa là nguồn cảm hứng. Khi nói đến ĐBSCL, tôi tin rằng không chỉ tôi mà nhiều vị lãnh đạo khác bao giờ cũng có một nguồn cảm hứng, một nỗi đau đáu và trăn trở làm sao để vùng phát triển phồn vinh hơn, phát triển nhanh hơn, người dân được hạnh phúc hơn, cuộc sống của họ không bị bấp bênh và đối mặt với quá nhiều thách thức như hiện nay. Câu hỏi “Tại sao?”, “Làm thế nào?” luôn thường trực trong tôi.

Không chỉ Bộ KH&ĐT và cá nhân tôi, mà ai ai cũng muốn ĐBSCL khoác lên mình diện mạo mới tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng. Tôi cho rằng bây giờ, chúng ta đã hội tụ đủ các điều kiện tạo nên những “đột phá” cho vùng.

Thứ nhất, chúng ta có chủ trương của Đảng với tầm nhìn, mục tiêu, quan điểm lớn tại Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, định hướng vùng ĐBSCL trở thành vùng phát triển hiện đại, nhanh và bền vững, toàn diện, sinh thái, văn minh, đậm đà bản sắc văn hóa sông nước. Vừa cách đây 2 ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW.

Tiếp đến, Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đã làm thay đổi sâu sắc về cách nhìn đối với ĐBSCL trên tinh thần thuận thiên.

Cùng với đó, Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch vùng ĐBSCL) tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022, với các định hướng chiến lược quan trọng mở ra các tầm nhìn mới, tư duy mới, giá trị mới và cơ hội mới cho địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Về phía Bộ KH&ĐT, chúng tôi đã phối hợp với nhóm 6 ngân hàng phát triển (WB, ADB, AFD, KfW, JICA, KEXIM) vận động hơn 2 tỷ USD cho 20 dự án của Bộ NN&PTNT, Bộ GTVT và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL trong khuôn khổ khoản vay nước ngoài phát triển bền vững vùng ĐBSLC thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng được nhu cầu về phát triển hạ tầng vùng ĐBSCL.

Đây không chỉ là nguồn vốn đầu tư quan trọng, vốn ODA, vốn vay ưu đãi còn có vai trò là các nguồn vốn “mồi” để thu hút các nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài.

 

“Tôi muốn nói, muốn chia sẻ về ĐBSCL và luôn mong muốn ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững, người dân trong vùng được hạnh phúc và có cuộc sống phồn vinh. Câu hỏi “Tại sao?”, “Làm thế nào?” luôn thường trực trong tôi…” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.

Đột phá để kiến tạo phồn vinh, hạnh phúc

Bộ trưởng vừa đề cập tới Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt và sẽ được công bố vào ngày 21/6. Thưa Bộ trưởng, Quy hoạch có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của vùng?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Quy hoạch vùng ĐBSCL là bản quy hoạch vùng đầu tiên được tổ chức lập theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành theo quy định của Luật Quy hoạch, nhằm cụ thể hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu phát triển vùng ĐBSCL đã được xác định tại Nghị quyết 13/NQ-TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là chủ trương rất lớn của Bộ Chính trị với nhiều quan điểm mới, mang tính đột phá để phát triển nhanh và bền vững cho ĐBSCL.

Thứ hai, Quy hoạch vùng ĐBSCL được xây dựng phù hợp với quan điểm phát triển “thuận thiên”, “chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu” theo tinh thần của Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong đó, chủ động kiến tạo phát triển thông qua giải quyết bài toán tổng thể về phát triển vùng, xử lý các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tỉnh, xác định các vấn đề trọng tâm và ưu tiên chiến lược phát triển vùng trong thời gian tới. Theo tôi, đây cũng là cơ sở cho việc điều phối liên kết phát triển vùng và phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả, đặc biệt nguồn lực về đất đai và vốn đầu tư, xây dựng danh mục dự án ưu tiên ở cấp vùng.

Thứ ba, từ quy hoạch này, các bộ, ngành Trung ương và địa phương sẽ nhận diện đâu là những cơ hội và thách thức mới, từ đó cơ cấu lại các ngành kinh tế để có bước phát triển mới.

Không những vậy, Quy hoạch vùng ĐBSCL còn là căn cứ để lập các quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có liên quan.

Một kỳ vọng nữa là với việc ban hành, triển khai thực hiện Quy hoạch vùng ĐBSCL, sẽ có một làn sóng đầu tư và phát triển mới tại vùng.

“Đây là bản Quy hoạch được tích hợp chiến lược phát triển, tổ chức không gian phát triển, kết cấu hạ tầng và bố trí ngay nguồn lực để thực hiện, triển khai quy hoạch, để đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, bền vững, bứt phá.” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.

Rủi ro, thách thức rất nhiều, nhưng khi chúng ta quản trị được tốt thì sẽ tạo ra những giá trị mới cho các địa phương nói riêng, toàn vùng nói chung, cho các nhà đầu tư và đặc biệt cho người dân có cuộc sống hạnh phúc, yên tâm và no ấm, thịnh vượng hơn. Ý nghĩa này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu cốt lõi của Nghị quyết số 13-NQ/TW là lấy người dân làm trung tâm, làm mục tiêu, làm động lực.

Có thể ĐBSCL không có những nhà máy quá lớn, có thể thu nhập bình quân đầu người của người dân không quá cao, nhưng thông qua Quy hoạch vùng ĐBSCL, tôi tin tưởng và kỳ vọng người dân trong vùng sẽ có một cuộc sống hạnh phúc, tràn ngập nụ cười, được phục vụ những dịch vụ công tốt nhất từ y tế đến giáo dục, có việc làm, thu nhập và chất lượng cuộc sống cao hơn. Đây cũng là mục tiêu hướng tới của Nghị quyết số 13-NQ/TW là mang lại hạnh phúc, thịnh vượng cho 20 triệu người dân vùng ĐBSCL.

Xin Bộ trưởng cho biết rõ thêm về những nội dung mang tính đột phá trong Quy hoạch vùng ĐBSCL để giúp cho vùng phát triển bền vững?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Theo tôi, đột phá đầu tiên và lớn nhất là phát triển hài hoà, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu dựa trên 3 trụ cột là kinh tế, xã hội và môi trường.

Thứ hai, phát triển theo hướng thuận thiên, thích ứng, tôn trọng và không can thiệp quá sâu vào quy luật tự nhiên, phát triển bền vững theo phương châm sống chung với lũ, sống chung với mặn, với khô hạn, thiếu nước, phù hợp với điều kiện thực tế.

Thứ ba, lấy con người làm trung tâm, làm mục tiêu, làm động lực; lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi để phát triển. Đồng thời, chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá, hệ sinh thái tự nhiên.

Thứ tư, nguồn nước lợ từng được cho là thách thức nhưng bây giờ, với tư duy thay đổi, chúng ta biến thách thức thành cơ hội, coi nguồn nước lợ là tài nguyên.

Thứ năm, nếu như trước đây chúng ta phát triển theo hướng phân tán, nhỏ lẻ, không tập trung, không tạo ra động lực, thì bây giờ Quy hoạch đặt ra yêu cầu về việc nông nghiệp, công nghiệp, đô thị đều phải tập trung lại.

Thứ sáu, về nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng với thay đổi về điều kiện tự nhiên, theo 3 tiểu vùng sinh thái, bao gồm vùng nước ngọt quanh năm, vùng chuyển tiếp ngọt-lợ và vùng ven biển chuyển tiếp mặn-lợ. Đồng thời, phát triển 8 trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, kết nối với các đầu mối hạ tầng để hình thành các chuỗi giá trị nông nghiệp, nâng cao giá trị, hiệu quả và thúc đẩy đổi sáng tạo với các sản phẩm nông nghiệp chính của vùng.

Thứ bảy, chủ trương đầu tư sớm tuyến đường ben biển đã được đưa vào Quy hoạch. Tuyến đường ven biển mở ra không gian mới cho sự phát triển của ĐBSCL để thúc đẩy kinh tế biển, tạo nên một hành lang kinh tế bao gồm phát triển về công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, đô thị và kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh, để trở thành một “huyết mạch” quan trọng.

Khoảng 388.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước sẽ được đầu tư cho vùng ĐBSCL

Xin Bộ trưởng chia sẻ cụ thể về nguồn lực và cách thúc đẩy đầu tư tại vùng ĐBSCL để thực hiện Quy hoạch?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Điều kiện đầu tư từ nguồn của các địa phương trong vùng cũng như thu hút đầu tư từ xã hội cho vùng ĐBSCL vẫn khó. Do vậy, cần có sự ưu tiên của Trung ương về nguồn lực để giúp cho ĐBSCL.

Trong giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn ngân sách Nhà nước dự kiến hỗ trợ cho các dự án trên địa bàn do địa phương quản lý dự kiến đạt khoảng 266.000 tỷ đồng, tăng 20% so với giai đoạn 2016-2020, trong đó nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương là khoảng 162.000 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách Trung ương là khoảng 82.000 tỷ đồng, nguồn vốn nước ngoài (ODA) là 22.000 tỷ đồng.

Tổng số vốn ngân sách Nhà nước đầu tư dự kiến giai đoạn 2021-2025 của vùng khoảng 388.000 tỷ đồng. Với số vốn được bố trí như trên, chúng ta sẽ có điều kiện để hoàn thành một số công trình trọng điểm của vùng như: Thông các tuyến cao tốc, nâng cấp, cải tạo kênh Hồng Ngự-Vĩnh Hưng, kết nối và hoàn thiện các hệ thống thủy lợi, các công trình trữ nước, chống xâm nhập mặn…

Liên quan đến nguồn FDI, so với các vùng khác, đến năm 2021 tổng vốn đầu tư FDI của ĐBSCL tăng lên đáng kể so với các năm trước. FDI ở đây đang trở nên đa dạng, linh hoạt và sẽ thúc đẩy tăng trưởng cho các ngành.

Về cơ chế, chính sách đảm bảo liên kết vùng, Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục tham mưu hoàn thiện thể chế điều phối vùng ĐBSCL theo hướng tăng cường vai trò của các địa phương trong Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL, thu hút sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu, đào tạo vào việc thực hiện các hoạt động liên kết, xây dựng quy chế liên kết vùng.

Ngoài ra, huy động nguồn vốn đầu tư cũng là việc cần phải tập trung triển khai. Trong đó, nguồn vốn đầu tư công sẽ cho các dự án đầu tư liên kết vùng được xác định trong quy hoạch. Đồng thời, thu hút vốn vay từ các tổ chức tài chính quốc tế, hoặc đầu tư vốn cổ phần từ các nhà đầu tư tư nhân thông qua các hình thức PPP; nghiên cứu, mở rộng việc chi trả cho các mô hình dịch vụ hệ sinh thái ở ĐBSCL để có nguồn đầu tư phục hồi hệ sinh thái.

Một nhiệm vụ hết sức trọng tâm nữa là tăng cường thu hút đầu tư tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài; xây dựng chiến lược xúc tiến toàn diện, nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, gia tăng tỉ lệ giá trị nội địa, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp địa phương.

Về nguồn lực của địa phương, các địa phương cần tập trung ngân sách có trọng trâm, trọng điểm vào những dự án có hiệu quả cao, sức lan toả lớn và mạnh dạn hơn trong thu hút đầu tư để bổ sung cho nguồn lực đầu tư xã hội của mình.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích