Bộ Giao thông Vận tải đề xuất linh hoạt nguồn vốn, nâng cao hiệu quả giải ngân
Bộ Giao thông Vận tải vừa gửi văn bản đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư phương án điều chỉnh linh hoạt giữa nguồn vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 và nguồn vốn đầu tư công của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong năm 2022.
Công trình Đường tỉnh 931 (đoạn từ Quốc lộ 61C đến thị trấn Vĩnh Viễn) được thi công trở lại sau thời gian nghỉ giãn cách. Ảnh minh họa: Hồng Thái/TTXVN |
Theo Bộ Giao thông Vận tải, kế hoạch vốn năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ rất lớn, với khoảng 50.328 tỷ đồng. Đến hết tháng 5/2022, Bộ Giao thông Vận tải phân bổ được 45.343 tỷ đồng, đạt 90,1% kế hoạch năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao. Số còn lại 4.985 tỷ đồng dự kiến sẽ phân bổ cho dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 vốn thực hiện và các dự án thành phần được phê duyệt dự án đầu tư.
Tính đến nay, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân được hơn 15.080 tỷ đồng. Số phải giải ngân từ nay tới cuối năm 2022 còn rất lớn, với khoảng 35.248 tỷ đồng.
Căn cứ tình hình triển khai các dự án, đặc biệt tình hình hoàn thiện thủ tục đầu tư của các dự án dự kiến trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, để bảo đảm giải ngân 100% kế hoạch năm 2022 cũng như tạo dư địa bố trí kế hoạch trong các năm 2024, 2025 từ nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn (2021 – 2025), cơ bản hoàn thành dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2 vào cuối năm 2025, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất phương án điều chỉnh linh hoạt hai nguồn vốn trong năm 2022.
Cụ thể, đề xuất hủy dự toán chi ngân sách Trung ương năm 2022 từ nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Thủ tướng Chính phủ giao (nhưng không hủy kế hoạch đầu tư công trung hạn) khoảng 14.135 tỷ đồng để chuyển sang chi bằng nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Con số đề xuất này tương ứng với số kế hoạch năm 2022 đã phân bổ, nhưng chưa giải ngân của 11 dự án thành phần của dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 (khoảng 10.147 tỷ đồng) và số vốn dự kiến tiếp tục phân bổ cho 12 dự án thành phần của dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 (khoảng 3.988 tỷ đồng).
Đối với số vốn bố trí từ nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong năm 2022 nếu không giải ngân hết, cho phép kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân tới 31/12/2023.
Theo danh mục được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất và thống nhất, 6 dự án giao thông được đưa vào Chương trình Phát triển phục hồi kinh tế – xã hội, gồm: 3 dự án quan trọng quốc gia đường bộ cao tốc (Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Biên Hòa – Vũng Tàu, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng); 2 dự án nhóm A (đường bộ cao tốc Cao Lãnh – An Hữu giai đoạn 1 và cầu Đại Ngãi). Tổng vốn đầu tư dự kiến phân bổ cho 6 dự án này khoảng hơn 87.400 tỷ đồng, cao nhất toàn quốc.
Nguồn: Báo xây dựng