Phát triển mô hình đô thị mới theo hướng tăng trưởng xanh bền vững
(Xây dựng) – Trong khuôn khổ “Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan tổ chức ngày 16 – 17/6 tại Hà Nội, Hội thảo chuyên đề 4 được tổ chức với chủ đề “Phát triển các mô hình đô thị mới và thúc đẩy chuyển dịch kinh tế khu vực đô thị theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững”.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Đây là diễn đàn hữu ích giúp các cơ quan tham mưu của Đảng, các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp cùng trao đổi, thảo luận về xu hướng phát triển, từ đó định hướng cho doanh nghiệp trong lựa chọn ngành nghề, thực hiện chuyển dịch cơ cấu doanh nghiệp phù hợp với xu thế chung, bảo vệ môi trường, nâng cao tính cạnh tranh và hiệu quả của doanh nghiệp…
Đô thị hoá là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững. Tại Việt Nam, trong thời gian qua, quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Cùng với quá trình đô thị hóa, nhiều mô hình phát triển đô thị mới xuất hiện như đô thị xanh, đô thị thông minh, đô thị sinh thái, đô thị công nghiệp – thương mại – dịch vụ… Các mô hình đô thị mới này đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch mô hình kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả bền vững, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nâng cao năng lực chống chịu, ứng phó với biến đổi khí hậu của hệ thống các đô thị.
Tuy nhiên, theo nhìn nhận, đánh giá thẳng thắn và khách quan từ các chuyên gia cho thấy, việc phát triển các đô thị mới thời gian qua theo mô hình đô thị bền vững, đô thị xanh, đô thị thông minh phát triển còn ít, chưa được nghiên cứu và triển khai phù hợp với từng vùng, miền và loại, cấp đô thị. Các yếu tố văn hóa, cảnh quan đặc thù chưa được chú trọng trong phát triển đô thị; kiến trúc, bộ mặt đô thị còn thiếu bản sắc, thiếu điểm nhấn, tự phát.
Cùng với đó, quá trình xây dựng đô thị thông minh mới trong giai đoạn đầu, chưa có chiến lược phát triển, số lượng các đô thị mới xây dựng theo mô hình đô thị thông minh còn hạn chế. Mô hình đô thị bền vững, đô thị xanh chưa được chính thức hóa cũng như chưa được nghiên cứu và triển khai phù hợp với từng vùng, miền và loại, cấp đô thị…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết, Nghị quyết 06-NQ/TW là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng trong việc ra đời cơ chế, chính sách mới, tạo động lực để phát triển đô thị, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững.
Đồng thời, Nghị quyết đề ra các quan điểm, mục tiêu để phát triển đô thị Việt Nam bền vững cùng với hệ thống các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó có giải pháp như: Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng cho xây dựng và lựa chọn mô hình phát triển đô thị bền vững, phù hợp cho từng vùng, miền, tại những địa bàn vùng đồi núi, cao nguyên, vùng có tính trọng yếu về quốc phòng, an ninh, các đô thị có nhiều di tích lịch sử, di sản văn hoá, cảnh quan thiên nhiên cần bảo tồn, gìn giữ; xây dựng và triển khai hiệu quả các đề án, chương trình quốc gia về phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và nâng cấp đô thị; xây dựng và phát triển các đô thị thông minh; xây dựng nông thôn mới phù hợp với định hướng đô thị hoá; phát triển các mô hình đô thị mới phù hợp với thực tiễn, chú trọng mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD); nghiên cứu, xây dựng tiêu chí xác định và phát triển các khu đô thị có vị trí, chức năng đặc thù nổi trội như về phát triển đại học, trung tâm sáng tạo, kinh tế cửa khẩu, công nghiệp, đảo, cảng, sân bay… và ban hành các cơ chế, chính sách phát triển riêng phù hợp.
Nghị quyết 06-NQ/TW cũng đặt ra mục tiêu đối với phát triển kinh tế đô thị là: Kinh tế đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững; năng lực cạnh tranh của các đô thị được nâng cao, chuyển dịch theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh.
Hội thảo chuyên đề 4 tập trung trao đổi, thảo luận chuyên sâu xoay quanh những vấn đề về chuyển dịch kinh tế khu vực đô thị đáp ứng yêu cầu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, trong đó các chuyên gia sẽ phân tích sâu sự dịch chuyển kinh tế sang các ngành, nghề mới nối và những thay đổi trong các ngành, nghề hiện hữu trong thời gian tiếp theo; về bất động sản công nghiệp – động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị; giải pháp số thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn tại các đô thị lớn; hành động theo cấp vùng cho đô thị có khả năng chống chịu, phục hồi; khuyến nghị về tiêu chí xây dựng công trình xanh, đô thị xanh cho các khu đô thị mới; phát triển các chuỗi dịch vụ, tiện ích bán lẻ nhằm nâng cao chất lượng đời sống người dân tại các đô thị; ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các công nghệ số trong phát triển dịch vụ logistics đô thị và kiến nghị các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của phát triển đô thị cũng như định hướng cho phát triển kinh tế đô thị trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Quang cảnh Hội thảo. |
Tại phiên thảo luận, các diễn giả và khách mời đã cùng nhau đối thoại, phân tích, thảo luận sâu về các mô hình đô thị mới cũng như phát triển kinh tế đô thị, trong đó chú trọng vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế đô thị, bất động sản cho phát triển kinh tế đô thị, tài chính cho đô thị và vai trò, xu hướng của các ngành dịch vụ trong quá trình phát triển kinh tế đô thị, từ đó đề xuất các kiến nghị chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong quá trình thực hiện các dự án phát triển đô thị…
Nguồn: Báo xây dựng