Chục tỷ USD mỗi năm đầu tư điện, duyệt quy hoạch điện 8 cần xem xét kỹ
Chuyên gia đề nghị khi duyệt quy hoạch điện 8 cần xem xét rất cẩn thận quy mô đầu tư và tổng vốn đầu tư bởi con số “quá đồ sộ”, khả năng thực hiện kém xa con số quy hoạch.
Chuyên gia băn khoăn về con số tổng vốn đầu tư
Tham luận tại hội thảo “Cơ chế, giải pháp phát triển năng lượng Việt Nam bền vững” ngày 17/6, PGS.TS. Nguyễn Minh Duệ, Hội đồng khoa học Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), nhấn mạnh, để đảm bảo an ninh năng lượng cần thiết sử dụng nguồn năng lượng trong nước kết hợp với nhập khẩu từ các nguồn cung cấp ổn định, giảm phụ thuộc vào những loại năng lượng nhập khẩu có tính nhạy cảm cao, nhất là dầu khí.
Một trong số các giải pháp cần quan tâm để đảm bảo an ninh năng lượng được ông Duệ nhắc tới đó đẩy mạnh sử dụng năng lượng mới và tái tạo, sinh học. Đây là nguồn tài nguyên quý giá, nguồn năng lượng sạch, có sẵn mọi nơi, để thay thế nhanh chóng nguồn năng lượng hóa thạch đang cạn kiệt và gây ô nhiễm, ông Duệ nói.
Các chuyên gia tại hội thảo cơ chế, giải pháp phát triển năng lượng Việt Nam bền vững ngày 17/6 (Ảnh: HT). |
Cũng theo ông Duệ, giai đoạn 2003-2018, Chính phủ đã phê duyệt 3 quy hoạch phát triển điện quốc gia là quy hoạch điện 6, 7 và 7 điều chỉnh và hiện nay đang triển khai xây dựng quy hoạch điện 8.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành điện lực Việt Nam vẫn còn bộc lộ yếu kém. Một trong những nguyên nhân quan trọng được vị chuyên gia chỉ ra là chúng ta vẫn chưa có các giải pháp hữu hiệu thực hiện tốt chiến lược và chính sách phát triển bền vững.
Để thực hiện quy hoạch điện 7 điều chỉnh, tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới (không tính đến các nguồn điện đầu tư theo hình thức BOT) giai đoạn 2016-2030 trên 148 tỷ USD. Còn theo dự thảo quy hoạch điện 8, ông Duệ cho biết tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2030 là 128 tỷ USD. Còn tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2031-2045 khoảng hơn 190 tỷ USD.
“Nhận xét chung quy hoạch điện 7, 8 là quá đồ sộ vượt quá yêu cầu thực tế, tổng mức đầu tư quá lớn, không khả thi, kinh nghiệm cho thấy vốn các quy hoạch đã qua đều không đáp ứng, khả năng thực hiện kém xa con số quy hoạch, công trình chậm tiến độ”, ông Duệ đề nghị khi duyệt quy hoạch điện 8 cần xem xét rất cẩn thận quy mô đầu tư và tổng vốn đầu tư.
Vị này cũng chỉ ra có một thực tế là tổng vốn đầu tư trong những năm tới khá lớn trong lúc khả năng đáp ứng rất hạn chế.
Cần sớm ban hành cơ chế
Ông Nguyễn Anh Tú, Phó ban Kế hoạch EVN, cho biết, để đảm bảo đầu tư các dự án điện trong quy hoạch điện 7 và điện 8 điều chỉnh, tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2011 – 2020 của EVN là hơn 22.000 tỷ đồng, bình quân 5 tỷ USD một năm. EVN đảm bảo thu xếp vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư theo kế hoạch 5 năm, nhưng việc huy động vốn để đầu tư của EVN cũng gặp khó khăn nhất định.
Theo dự thảo quy hoạch 8, bình quân mỗi năm cần đầu tư 3,45 tỷ USD vào lưới truyền tải điện, trong khi đó thực tế giai đoạn 2011-2020 mỗi năm EVN thu xếp được khoảng 1 tỷ USD.
Như vậy, ông Tú cho rằng rất cần cơ chế cụ thể, rõ ràng hơn về xã hội hóa đầu tư, khuyến khích tư nhân đầu tư vào truyền tải điện.
Luật Điện lực sửa đổi, bổ sung một số điều cho phép tư nhân tham gia đầu tư truyền tải, nhưng gần nửa năm vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết từ cơ quan quản lý về vấn đề này, nhất là về giá truyền tải, quản lý chi phí đầu tư, quản lý Nhà nước trong kiểm soát, đảm bảo an ninh lưới truyền tải khi cho tư nhân đầu tư.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Trần Viết Ngãi, có 3 yếu tố quyết định một dự án, trong đó yếu tố vốn là hàng đầu, hai là cơ chế chính sách, ba là sự chỉ đạo, lãnh đạo từ Trung ương tới địa phương, tới các nhà đầu tư, nhà thầu.
Ông Ngãi cho biết, trong những năm qua nhà nước khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời với giá mua điện rất hấp dẫn. Với cơ chế này, trong thời gian ngắn các nhà đầu tư ồ ạt xây dựng các dự án điện gió, điện mặt trời và mặt trời áp mái, bổ sung thêm công suất cho hệ thống điện khoảng 27%.
Cho rằng năng lượng tái tạo tới đây vẫn là chìa khóa chuyển đổi năng lượng, thực hiện mục tiêu phát thải ròng về 0 vào năm 2050, ông Ngãi nhấn mạnh cần phát triển có chọn lọc hơn loại năng lượng này. Một trong số giải pháp Chủ tịch VEA đề cập là, nhà chức trách cần sớm ban hành cơ chế đấu thầu để chọn nhà đầu tư và tránh năng lượng tái tạo phát triển ồ ạt như vừa qua.
Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương vừa diễn ra chiều 16/6, ông Bùi Quốc Hùng – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, theo Quyết định 13/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam và Quyết định 11/2017 về cơ chế cho điện mặt trời, cơ chế giá điện FIT ban hành theo 2 Quyết định này có hiệu lực đến ngày 30/12/2020, các dự án sau thời gian này không được áp dụng cơ chế này nữa.
Trong thời gian Chính phủ ban hành các Quyết định 11 và Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời trên mặt đất cũng như điện mặt trời mái nhà, những cơ chế này đã có nhiều ưu đãi, đặc biệt là ưu đãi về giá.
“Những cơ chế ưu này đã giúp hệ thống điện mặt trời phát triển nhanh trong thời gian ngắn. Hiện nay có hơn 8 GW điện mặt trời mái nhà được lắp đặt và hơn 8 GW điện mặt trời mặt đất. Tính chung có gần 20 GW điện mặt trời được lắp đặt và chiếm cơ cấu lớn trong hệ thống điện Việt Nam. Đây là con số tương đối lớn so với tỉ lệ cơ cấu nguồn điện tại Việt Nam”, Phó Cục trưởng Bùi Quốc Hùng nhấn mạnh và cho rằng, điện mặt trời chỉ phát được vào ban ngày, nên cần phải cân đối các nguồn điện dự phòng khi phát trong những giờ cao điểm, hoặc phát vào ban đêm và khi không có ánh nắng.
Bên cạnh đó, đối với cơ chế giá FIT, ông Bùi Quốc Hùng cho biết, cơ chế hỗ trợ của nhà nước chỉ áp dụng trong một thời gian nhất định để khuyến khích, thu hút dự án đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Việc kéo dài giá ưu đãi FIT đến nay không còn phù hợp nữa. Bộ Công Thương đang được Chính phủ giao xây dựng Thông tư, quy định về khung giá và xây dựng cơ chế đấu thầu cho chủ đầu tư trong các loại hình phát điện. Hiện, Thông tư này vẫn đang trong quá trình được dự thảo.
Nguồn: Báo xây dựng