Những cây cầu trăm tuổi có kiến trúc ngoạn mục
Không chỉ là công trình kết nối giao thông, những cây cầu cổ này còn sở hữu vẻ đẹp khác biệt, dù đã trải qua hàng trăm năm lịch sử.
Cầu Tháp, London, Anh: Là một trong những cây cầu nổi tiếng nhất trên thế giới, Cầu Tháp được xây dựng trong suốt 8 năm, từ 1886 đến 1894. Công trình biểu tượng có 2 tháp phong cách kiến trúc Gothic cổ kính và sang trọng. Nhịp cầu chính nằm giữa hai tòa tháp có thể được tách ra và nâng lên để tạo thành góc đủ lớn cho tàu bè qua lại trên sông Thames. Ảnh: Michal Bednarek.
Cầu Charles, Praha, Cộng hòa Séc: Là một trong những cây cầu thời Trung cổ nổi tiếng nhất châu Âu và là cây cầu lâu đời nhất ở Prague, cầu Charles được hoàn thành vào năm 1402 sau gần 50 năm xây dựng. Công trình kết nối lâu đài Prague với khu phố cổ nằm ở phía bên kia của sông Vltava. Đi bộ qua cầu, du khách không chỉ ngắm nhìn phong cảnh thành phố đẹp như tranh vẽ mà còn có thể chiêm ngưỡng 30 bức tượng các vị thánh nằm dọc trên cầu. Ảnh: TTstudio.
Cầu Trình Dương, Trung Quốc: Đây là một cây cầu gỗ có mái che được trang trí công phu. Cầu Trình Dương (còn được gọi là cầu Trình Dương Phong Vũ) được xây dựng theo phong cách truyền thống, không sử dụng đinh, vào năm 1912. Ngày nay, bên trong cây cầu có vai trò như một khu chợ, nơi người dân địa phương tập trung để bán hàng thủ công và ẩm thực đường phố. Ảnh: Shutterstock.
Cầu Bastei, Đức: Nằm trong công viên quốc gia Saxon Switzerland, cầu Bastei được xây dựng giữa thành tạo đá tự nhiên nổi tiếng Bastei. Ban đầu, cây cầu nhân tạo đầu tiên từng được xây dựng ở đây là một cầu gỗ vào năm 1824. Đến năm 1851, cầu gỗ được thay thế bằng cầu đá sa thạch, do lượng du khách tăng lên đều đặn. Cây cầu này vẫn đứng vững cho đến ngày nay. Cầu Bastei dài 76,5 m và có 7 vòm đá trải dài qua khe núi sâu 40 m. Ảnh: Andreas Zerndl.
Cầu Khaju, Isfahan, Iran: Công trình kiến trúc Ba Tư cổ điển này được xây dựng vào khoảng năm 1650 trên nền của một cây cầu cũ. Cầu Khaju là một cấu trúc trang trí công phu được sử dụng đa chức năng. Là tuyến giao thông bắc qua sông Zayanderud, cây cầu cũng hoạt động như một công trình công cộng và một đập nước. Tòa nhà ở trung tâm cây cầu được sử dụng để tổ chức các cuộc tụ họp cộng đồng. Ảnh: Jakob Fischer.
Cầu Konitsa, Hy Lạp: Được xây dựng vào năm 1870, cây cầu cổ này uốn cong 20 m trên sông Aoos yên tĩnh ở vùng nông thôn Hy Lạp. Cây cầu có thiết kế đơn giản với độ dốc cao, tường lan can thấp và chỉ đủ rộng cho một hoặc hai người đi qua cùng lúc. Ảnh: Gabriela Insuratelu.
Cầu Hohenzollern, Cologne, Đức: Hohenzollern là cây cầu qua sông Rhine tại thành phố Koln (Cologne), được xây dựng từ năm 1907 và 1911. Đây là cây cầu đường sắt được sử dụng nhiều nhất ở Đức. Cầu Hohenzollern dẫn đến nhà thờ Gothic Cologne, địa danh không thể không ghé thăm của thành phố. Ngoài ra, Hohenzollern cũng được biết đến với một bộ sưu tập hàng chục nghìn ổ khóa tình yêu được gắn vào lan can. Ảnh: Chris Dudek.
Cầu Kintai, Iwakuni, Nhật Bản: Với những mái vòm bằng gỗ và cột đá đầy ấn tượng, cầu Kintai trở thành viên ngọc quý của Iwakuni, thành phố thuộc tỉnh Yamaguchi. Bắc qua sông Nishiki, Kintai ban đầu được xây dựng vào năm 1673, nhưng đến năm 1950 đã bị phá hủy bởi một cơn bão. Năm 1953, người dân địa phương đã xây dựng lại một bản sao chính xác cây cầu ban đầu ở vị trí cũ. Ảnh: Sean Pavone.
Nguồn: Báo xây dựng