Hạ Long (Quảng Ninh): Hiểm họa sạt lở đất trong xây dựng
(Xây dựng) – Vụ đổ kè hôm 12/8/2021 tại tổ 8 khu 4, phường Bãi Cháy vùi lấp lán thợ xây của một công trình xây dựng liền kề làm 4 người thương vong. Đó chỉ là một trong số những vụ tai nạn sạt lở đất nghiêm trọng ở thành phố Hạ Long trong 10 năm nay, đã cộm lên vấn đề cấp thiết phải tăng cường quản lý chất lượng công trình dân dụng và trật tự xây dựng.
Khu vực sạt trượt đất trên đường Hoa đào, phường Bãi Cháy đã lâu không được xử lý. |
Hạ Long hiện là thành phố trực thuộc tỉnh, có diện tích đất đai lớn nhất toàn quốc, riêng huyện Hoành Bồ cũ diện tích đất đã bằng cả tỉnh Nam Hà. Địa lý thì bán sơn địa lại ven biển, nhiều sông suối, thêm vào đó ngành khai thác than đổ thải tạo ra nhiều đồi núi nhân tạo… địa tầng không ổn định, dễ sạt lở đất. Trong khi địa phương tốc độ đô thị hóa nhanh, với nhiều công trình xây dựng hạ tầng của các thành phần kinh tế, trong đó tỷ trọng công trình dân dụng chiếm một tỷ lệ cao. Công tác quản lý công trình công nghiệp còn khả dĩ, công trình dân dụng đang còn nhiều bất cập, thậm chí là còn có tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, cấp trên chỉ đạo, cấp dưới lơ là, quên việc.
Thành phố Hạ Long đang mất cân đối giữa nhu cầu sử dụng đất ở với quỹ đất ở. Những quả đồi, những bãi triều rừng ngập mặn thoáng cái là thành dự án “đô thị”, đất nền thì nhiều người ở thì ít, nhiều tòa nhà hoang không người ở. San đồi lấp biển đang để lại hệ lụy khôn lường, dưới thấp chênh lệch cốt nền và không kết nối với hệ thống tiêu thoát nước khu dân cư hiện có. Như ở khu vực Bãi Muối, phường Hà Khánh; khu Vườn Rau phường Cao Thắng hay bị úng lụt do các khu đô thị mới của FLC, Ligco Từ Liêm đất nền phía ngoài cao hơn khu dân cư phía trong. Trên cao đồi núi san gặt trơ màu đất mới, như dự án khu đồi Thủy sản khi mưa đất đá theo dòng nước xiết tạo lũ quét, tàn phá khu dân cư phía dưới.
Núi đồi bị cạo trọc, khi mưa lớn đất lở theo dòng nước siết tạo lũ quét tàn phá vùng hạ lưu. |
Một đại họa mới đằng sau Luật khoáng sản có hiệu lực, đất đồi lên ngôi khoáng sản (tình trạng khan hiếm đất san nền), thì đồi núi ở khu vực phía Tây thành phố là điểm hấp dẫn cho phường “đạo tặc”, đất đá san nền phất lên. Ở khu vực này, hiện có trên 60 xe và máy xúc đêm ngày quần thảo như bầy thú săn mồi. Họ thông đồng với chủ rừng, chủ đất vườn đồi không cần phép tắc, tự tiện xẻ đồi bạt núi, chở đất đi bán (kể cả bán cho dự án lớn chưa có mỏ đất hoặch mỏ đất ở xa) cho nhu cầu đất vượt thổ, san nền với giá từ (năm mươi đến bảy mươi triệu) 50.000.000đ – 70.000.000đ/m3, có vị trí còn được hưởng công san nền. Việc xẻ đất san đồi vụng trộm, không có giải pháp thi công, đánh giá tác động môi trường do cơ quan chuyên môn chỉ định, khi trời đổ mưa đất sũng nước đồi núi sập xuống kéo theo nhà cửa, các công trình xây dựng.
Căn nhà 4 tầng của anh Nguyễn Văn Tùng ở tổ 1 khu 4, phường Bãi Cháy vừa xây xong đã nghêng trên 15 độ, chủ nhân phải bỏ hoang từ tháng 9/2020. |
Khu vực dân cư tự xây thiếu sự quản lý của chính quyền cơ sở trong việc cảnh báo khu đất trũng dễ ngập úng, thửa đất đồi dễ sạt lở. Thành phố Hạ Long có 100 điểm nguy cơ úng lụt, sạn lở đất, nhưng khi mưa gió rất ít nơi có biển cảnh báo, hoặc loa phóng thanh nhắc nhở cho dân biết khu vực này dễ ngập úng, khu vực kia đất dễ sạt lở, chỉ “nước đến chân mới nhảy”. Khi xảy ra ngập lụt, sập đất chết người, dân báo cán bộ phường mới tá hỏa giải quyết “hậu quả”.
“Nhất cử lưỡng tiện” vừa khai thác tài nguyên đất bán làm vật liệu san nền lại được mặt bằng chia lô bán đất, nên họ bất chấp nguy hiểm. |
Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng không đi đôi với giải pháp thi công và tính toán đến bình độ thửa đất. Nhiều thửa đất có độ dốc cao vẫn cấp phép xây dựng nhà ở, không có hướng dẫn bỏ kè và giải pháp thi công an toàn cho các công trình liền kề. Cụ thể, như vụ đổ kè hôm 12/8/2021 ở tổ 8 khu 4, phường Bãi Cháy. Do một tuyến kè của 3 hộ dân phía trên xây dựng sơ sài, gặp mưa úng nước sập xuống đúng vào lán tá túc của nhóm thợ xây công trình liền kề, khiến 3 người chết tại chỗ, một người cứu được phải đi cấp cứu.
Công trình xây dựng trại sáng tác của Hội Nhiếp ảnh Việt Nam mặt tiền đường 10 làn xe thuộc phường Hà Khẩu, sau đồi vách núi cao rất nguy hiểm. |
Trong vụ việc này, bộc lộ vấn đề cán bộ địa chính phường Bãi Cháy không đi sâu đi sát cơ sở nhắc nhở chủ đầu tư công trình là ông Nguyễn Thành Sử hướng dẫn nhóm thợ xây ở xa đến tạm cư dựng lán ở vị trí an toàn, mà lại dựng lán dựa lưng vào tuyến kè cũ, xây cao chót vót, không an toàn. Đây là vụ thứ 3 tai nạn tương tự xảy ra ở thành phố Hạ Long và là vụ thứ 2 diễn ra tại phường Bãi Cháy. Vụ trước xảy ra vào năm trước (3/8/2020), tại tổ 8a khu 7 cùng phường Bãi Cháy, tuyến kè cao 6m, dài 3m đổ sập xuống lán thợ dựng ở ngay chân kè, làm anh Đỗ Văn Mạnh, sinh năm 1979, quê ở xã Hưng Nhân, huyện Hưng Hà, Thái Bình chết ngay tại chỗ. Vụ tai nạn tương tự vậy (vụ thứ 3) xảy ra đêm ngày 16 rạng sáng ngày 9/8/2008 tại tổ 9 khu 3 phường Hồng Hải cướp đi sinh mạng của 7 người thợ xây quê ở tỉnh Nam Định.
1 giờ 30′ ngày 10/1/2020 tình trạng bạt đồi bán đất nền làm sập núi ở tổ 4 khu 10, phường Hồng Hải khiến 16 hộ dân phải di cư khẩn cấp. |
Qua vụ tai nạn sập kè nghiêm trọng xảy ra ở phường Bãi Cháy, một vấn đề được đặt ra cho trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cơ sở trong việc quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng, quản lý các giải pháp thi công, đánh giá tác động môi trường trên địa bàn theo Luật Xây dựng và văn bản phân cấp quản lý rất rõ ràng của UBND tỉnh Quảng Ninh.
4 giờ ngày 12/8/2021, đổ kè ở tổ 8 khu 4, phường Bãi Cháy đất đá vùi lấp lán tá túc tạm của nhóm thợ xây làm 4 người thương vong. |
Chính quyền cơ cở, trực tiếp là cán bộ địa chính phải là người tuyến đầu sâu sát quản lý trận tự an toàn xây dựng, sẽ hạn chế được hiểm họa sạt lở đất trong xây dựng, các công trình xây dựng dân dụng nhỏ lẻ trong khu dân cư.
Một số vụ tai nạn sạt lở đất nghiêm trọng ở thành phố Hạ Long trong 10 năm trở lại đây: – Đêm ngày 16 rạng sáng ngày 17/8/2010 sạt lở đất làm sập nhà ông Phạm Văn Bẩy, ở tổ 2 khu 7 phường Hồng Hải. 3 người thương vong, 2 người chết tại chỗ là vợ ông Bẩy tên là Chính sinh năm 1958 và người con gái khi ấy 16 tuổi, ông Bảy bị gãy chân. – Đêm ngày 27 rạng sáng ngày 28/8/2015 sập đất tạo lũ quét kéo sập 3 căn nhà cùng anh em ruột chung trên một thổ đất ở tổ 44 khu 4, phường Cao Thắng làm 10 người thương vong, chết tại chỗ 9 người. – Ngày 9/8/2012, gia đình ông Đỗ Xuân Lúa, ở tổ 4 khu 5, phường Trần Hưng Đạo một phen hú hồn, một vạt đồi cao đổ sập vào nhà mình, khiếu nhà cửa tan nát, may mà người nhanh chân thoát chết. – Ngày 10/1/2020, tổ 4 khu 10 phường Hồng Hải đổ kè trong khi xây dựng, nhiều nhà đất sụt trơ móng, 16 hộ phải di cư lánh nạn khẩn cấp. – Ngày 3/8/2020, sập kè đổ vào lán thợ xây tá túc ở tổ 8a, khu 7 phường Bãi Cháy làm anh Đỗ Văn Mạnh, sinh năm 1979, quê ở xã Hưng Nhân, huyện Hưng Hà, Thái Bình chết ngay tại chỗ. – Ngày 17/8/2020, đất đồi sạt lở đổ vào nhà anh Phạm Ngọc Thiện ở phường Trần Hưng Đạo khiến 2 vợ chồng anh Thiện bị thương nặng. |
Nguồn: Báo xây dựng