Những “nữ shipper” đặc biệt trong mùa dịch

Những “nữ shipper” đặc biệt trong mùa dịch

Từ sáng sớm họ đã tập trung tại UBND xã để bắt đầu phân loại các nhu yếu phẩm rồi đóng túi và chất lên xe cải tiến chở đi phân phát cho các hộ dân. Cứ như vậy họ đã kiên trì với công việc này trong suốt những ngày dịch vừa qua.

Những ngày qua, trên khắp các nẻo đường của thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, người dân thấy đều đặn mỗi ngày, từ sáng đến trưa, có những người phụ nữ mặc đồ bảo hộ kín mít, kéo những chiếc xe cải tiến chất đầy các túi nông sản, nhu yếu phẩm để mang đi tiếp tế.

Sử dụng xe cải tiến để đưa các nhu yếu phẩm và nông sản đến từng hộ gia đình trong toàn xã, kể cả những nơi đang bị phong tỏa, cách ly là một trong những sáng kiến của chị Bùi Thị Thúy Hồng – Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Phùng (Đan Phượng, Hà Nội) và các chị em đang được người dân và chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao.

Ship-mua-dich (1)

Không quản nắng mưa, cán bộ, hội viên phụ nữ Thị trấn Phùng đều kéo những chiếc xe cải tiến chất đầy hàng hóa để giao đến từng hộ gia đình.

Hàng ngày, cứ 6h sáng, không ai bảo ai, các chị em đều tập trung đúng giờ tại UBND xã, bắt đầu mỗi người một tay phân loại các nhu yếu phẩm của từng hộ gia đình, rồi đóng túi và chất lên các xe cải tiến.

Từ sáng sớm họ miệt mài đến 11h30 phút, thậm chí có khi là quá trưa, không kể những ngày nắng nóng hay mưa rào, trong bộ đồ bảo hộ kín mít, các chị kéo đi phân phát cho khoảng gần 170 hộ gia đình trong xã. Tinh thần làm việc luôn hăng hái, không ai nghĩ họ là những hội viên phụ nữ đã ngoài 40, 50 tuổi.

“Khoảng 500 nhân khẩu mỗi ngày đều được đảm bảo nguồn cung thực phẩm đầy đủ, an toàn. Có những ngày cao điểm, chúng tôi đi liên tục”, chị Hồng chia sẻ.

Buổi sáng, sau khi “ship hàng” xong xuôi, các chị kịp về nhà nghỉ ngơi được một chút đến chiều lại ra trực chốt phòng, chống dịch, hay lại “lên đơn” để đi chợ hộ, người này người kia nhờ mua gì đó, khi là đồ ăn, khi là thuốc men, đồ gia dụng…

Đến tối, chị Hồng cùng các chị em lại họp online qua nhóm Zalo chuẩn bị bữa sáng cho các cán bộ, chiến sỹ trực chốt ngày mai. Phụ nữ “ba đảm đang” mà, nên mọi người rất tin tưởng các chị em phụ nữ xã.

Bởi thế nên những ngày dịch bệnh phức tạp, việc hội lại phong phú gấp mấy lần. Thời gian nghỉ ngơi tuy có thu hẹp đi, nhưng niềm vui, nụ cười lại nở trên khuôn mặt từng chị em nhiều hơn trước.

Dịch bệnh Covid – 19 trong những ngày cao điểm, là những cán bộ, hội viên nòng cốt, từng chị em phụ nữ Thị trấn Phùng hiểu rõ không thể đứng ngoài công tác phòng, chống dịch.

Thế nhưng, làm công việc “xông pha” vào những nơi nguy hiểm, đang cách ly, phải tự bảo hộ mình như công việc các chị làm những ngày qua, thì không phải người thân, gia đình nào cũng dễ dàng đồng ý.

Chị Hồng kể lại những ngày đi vận động chị em khá khó khăn vì không phải chỉ nói vài câu là thuyết phục được người thân của họ: “Nhiều ông chồng khó tính lắm, nhất quyết không đồng ý cho vợ đi vì sợ không an toàn. Chị em đôi khi vì thế mà chùn bước. Thấy vậy, tôi phải đi trước, làm trước, hứa với các anh là công tác phòng, chống dịch rất chặt chẽ, vì chỉ có vậy, chị em mới noi theo và thấy đó là việc làm ý nghĩa”.

Dần dần, các gia đình cũng hiểu ra và đồng ý cho vợ đi làm “shipper” chống dịch. Ở nhà, những người chồng đó thay vợ cơm nước, chăm sóc con cái, động viên tinh thần vợ. Nhờ đó, chị em phụ nữ thị trấn ngày một đồng lòng, công việc cứ thế êm xuôi….

Ship-mua-dich (3)

Xong nhiệm vụ, các “nữ shipper” trở về, phía sau lớp khẩu trang phòng hộ là niềm vui bừng lên trong ánh mắt.

Cứ như vậy, hình ảnh những chị em phụ nữ, chẳng biết là cao hay thấp, béo hay gầy, vì các chị mặc lên người những bộ đồ bảo hộ giống hệt nhau, cần mẫn kéo chiếc xe cải tiến chất đầy đồ lên đến cả tạ, đi khắp ngõ, xóm để giao đồ cho từng hộ gia đình đã trở thành hình ảnh quen thuộc với người dân trong xã.

Có khi chẳng ai nhận ra các chị, đến khi nghe giọng mới thấy thân quen. Người làng với nhau, lâu nay vốn đã nghĩa tình, nay thấy được hành động đẹp ấy càng thêm cảm phục. Một số người chụp lại hình ảnh các chị, rồi đăng lên mạng xã hội, hoặc vẽ tranh để thay cho lời cảm ơn.

“Tiếng lành đồn xa”, nhiều người biết đến, xúc động vì những điều bình dị mà cao quý các chị đang làm cho cộng đồng, đậm tình người trong lúc khó khăn. Với những hộ gia đình được nhận nhu yếu phẩm do các chị đưa tới, họ hết lời khen rau củ quả tươi ngon, thịt được làm sạch sẽ, đóng túi cẩn thận.

“Tôi cho bạn bè ở các xã khác xem hình ảnh phụ nữ Thị trấn Phùng đưa rau thịt đến tận nhà, họ xem rồi bảo cứ như mơ, phụ nữ quê tôi quá nhiệt tình và tâm huyết”, bà Liên, một người dân ở khu dân cư Phương Trì, Thị trấn Phùng, Đan Phượng cho biết.

Bà Nguyễn Thị Bảy – Chủ tịch Hội LHPN huyện Đan Phượng (Hà Nội) đánh giá, hội viên phụ nữ Thị trấn Phùng từ lâu đã được đánh giá cao trong việc sáng tạo các phong trào, nhất là nhân đạo, từ thiện.

“Cùng với những bữa cơm ấm tình, những “Cửa hàng 0 đồng”, việc làm của cán bộ, hội viên phụ nữ Thị trấn Phùng đã và đang lan tỏa về sự đồng lòng để cùng vượt qua đại dịch”, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đan Phượng đánh giá.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Bạn cũng có thể thích