6 dự án thiết kế đô thị “thuận theo tự nhiên”
Những hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ, hạn hán, sóng thần… đang diễn ra ngày càng thường xuyên hơn trên khắp thế giới, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của khoảng 800 triệu người và thiệt hại khoảng 1 tỷ đô la mỗi năm cho các thành phố để giải quyết hậu quả thiên tai. Điều này cho thấy, sự tồn tại của các đô thị đang phụ thuộc vào khả năng thích ứng với thiên tai một cách nhanh chóng, hiệu quả nhằm bảo vệ người dân và hạ tầng của thành phố.
Trong những năm gần đây, nhiều dự án thiết kế đô thị đã bắt đầu giới thiệu các giải pháp dựa vào thiên nhiên (Nature-Based Solutions – NBS) để cung cấp việc quản lý bền vững các hệ sinh thái nhằm giải quyết thách thức từ môi trường. NBS được Liên hiệp Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên định nghĩa là các phương án bảo vệ, quản lý bền vững, phục hồi và sửa chữa hệ thống sinh thái, nhằm thích ứng với các thách thức từ thiên tai đồng thời đem lại lợi ích cho con người và tự nhiên.
Các giải pháp này có thể làm giảm thiểu ô nhiễm không khí, cải thiện nhiệt độ của thành phố, quản lý lượng nước mưa cùng nhiều lợi ích khác với môi trường sinh thái, đồng thời giúp cư dân sống gần với thiên nhiên, tác động tích cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người dân thành phố. Hơn nữa, NBS cũng có thể đóng góp vào các thiết kế sáng tạo có thể có chi phí thấp hơn nhiều so với các giải pháp truyền thống.
Bài viết giới thiệu 6 dự án thiết kế đô thị sử dụng NBS để giải quyết các vấn đề môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân.
Công viên Bishan-Ang Mo Kio, Singapore
Các giải pháp NBS đòi hỏi phải bước ra ngoài vùng an toàn, thử các giải pháp thay thế sáng tạo và kết hợp chặt chẽ giữa nhiều công đoạn. Quá trình này đầy thách thức nhưng không hoàn toàn bất khả thi, như chúng ta có thể thấy ở Công viên Bishan-Ang Mo Kio ở Singapore.
Một vài thập kỷ trước, thành phố đã quyết định phân luồng sông Kallang tạo ra một con kênh bằng bê tông và đi kèm là hệ thống ngăn cách làm ranh giới phân chia rõ ràng giữa công viên và cộng đồng dân cư. Khi con kênh bê tông này cần được nâng cấp, thay vì bảo trì con kênh như thiết kế ban đầu, cơ quan cấp nước quốc gia của Singapore đã quyết định tự nhiên hóa dòng sông bằng cách khôi phục lại lòng sông và vùng ngập nước như trước. Kênh thoát nước bê tông thẳng 2,7km đã bị phá bỏ và biến thành một con sông tự nhiên uốn khúc dài 3,2km.
Kết quả là một dự án cơ sở hạ tầng xanh – xanh (nước và thực vật) giúp ngăn lũ và cải thiện chất lượng nước, giúp con kênh phát huy tối ưu vai trò tự nhiên. Đồng thời, việc kết hợp vật liệu tự nhiên, kỹ thuật xây dựng dân dụng và thảm thực vật có thể lọc và hấp thụ nước giúp ổn định bờ sông và chống xói mòn hiệu quả.
Đại học Quốc gia Singapore đã thực hiện một phân tích về sự tương quan giữa chi phí và lợi ích của công viên. Báo cáo cho thấy, việc xây dựng lại kênh bê tông sẽ tiêu tốn khoảng 94 triệu USD (133 triệu SGD). Mặt khác, việc phá bỏ kênh bê tông và phát triển dòng sông tự nhiên chỉ tốn chưa đến 50 triệu USD (70 triệu SGD), có thể tiếp tục góp phần mở rộng và kết nối các khu vực công viên thiên nhiên với thành phố.
Nói cách khác, bên cạnh tất cả những lợi ích về môi trường từ việc cải thiện hệ sinh thái và môi trường sống của con người, phương pháp NBS này còn giúp tiết kiệm tài chính đáng kể so với mức chi phí của các giải pháp truyền thống, đồng thời đem lại những kết quả tốt hơn nhiều.
Hành lang xanh, Colombia
Trong vài năm qua, chính quyền thành phố Medellin của Colombia đã biến các bờ của 12 tuyến đường thủy và hai bên lề của 18 tuyến đường bộ thành một “thiên đường xanh”. Dự án Hành lang xanh bao gồm việc trồng cây dọc theo các con đường để giảm thiểu tác động của “đảo nhiệt đô thị” (các khu vực có nhiệt độ lớn hơn đáng kể so với khu vực xung quanh), chủ yếu là do việc sử dụng quá nhiều bê tông và nhựa đường.
Ví dụ, Avenida Oriental, một trong những con đường sầm uất nhất thành phố, đã được tu sửa, các khu vực dành cho người đi bộ được lát đá, vỉa hè truyền thống được thay thế bằng những khu vườn như một công viên thu nhỏ. Hơn 600 cây xanh và hàng nghìn loài thực vật được lựa chọn kỹ lưỡng đã được trồng và chăm sóc, cho phép các loài động vật hoang dã bản địa quay trở lại khu vực nội đô. Ngày nay, chúng ta có thể thấy nhiều loài chim khác nhau, chẳng hạn như vẹt đuôi dài, bướm, thậm chí cả sóc “đi du lịch” khắp thành phố.
Sáng kiến này tập trung vào các khu vực thiếu không gian xanh và cố gắng giảm khoảng hơn 2°C nhiệt độ không khí. Dự án Hành lang xanh đã giành được Giải thưởng Ashden về Làm mát bằng thiên nhiên năm 2019, hỗ trợ bởi Chương trình Hiệu quả Làm mát Kigali.
Vườn Mưa, Brazil
Dự án Vườn Mưa (Brazil) đề cập đến vấn đề nước mưa của thành phố khi phần lớn diện tích đất tự nhiên bị che phủ bởi bê tông, đá và các vật liệu không thấm nước khiến nước mưa chảy dồn xuống hệ thống thoát nước gây ngập lụt, kèm theo một lượng lớn rác bẩn, bụi đường gây nên tình trạng ô nhiễm.
Vườn mưa được thiết kế đặc biệt để thấm nước mưa một cách tự nhiên, giảm lượng nước chảy xuống hệ thống thoát nước và từ đó giảm ô nhiễm do nước mưa. Phương pháp này nhằm xử lý dòng chảy nước mưa bằng cách sử dụng thực vật, đá và các yếu tố tự nhiên. Đá, rễ cây sẽ giữ lại các chất rắn trong nước và từ đó, nước dễ dàng ngấm xuống các tầng đất sâu hơn. Mô hình này có thể áp dụng gần vỉa hè, đường đi hay một số khu vực bên trong các tòa nhà cao tầng.
Công viên tuyến tính, Mexico
Tương tự như các hành lang xanh ở Medellin (Colombia), công viên tuyến tính ở thành phố Mexico được hình thành dựa trên cơ sở tái tạo môi trường bằng cách trồng lại rừng cây đô thị và phục hồi độ thấm của đất, giúp tăng 16% độ ẩm tương đối của không khí và giảm 5% nhiệt độ, giảm thiểu tác động của “đảo nhiệt đô thị”.
Công viên xanh không chỉ đem đến giá trị về môi trường mà còn góp phần bảo tồn các giá trị lịch sử văn hóa khi nó được xây dựng theo kiến trúc Grand Canal lịch sử của thủ đô Mexico, tích hợp hơn 70.000m2 đất từng bị chia cắt bởi kết cấu đô thị. Dự án thiết lập hành lang xanh tập trung vào việc phục hồi thảm thực vật bản địa và rừng ven sông của con kênh cũ trong một không gian công cộng, đồng thời phục hồi chức năng thẩm thấu tự nhiên của đất.
Công viên đầm lầy, Trung Quốc
Công viên đầm lầy Qunli nằm ngay giữa thành phố Cáp Nhĩ Tân của Trung Quốc, thuộc vùng ngập nước sinh thái cần được bảo vệ. Cùng với quá trình đô thị hóa, khu vực xung quanh vùng đầm lầy này bị xâm chiếm bởi đường nhựa và cao ốc khiến nguồn nước chảy vào đây bị gián đoạn, đe dọa trực tiếp tới hệ sinh thái nơi đây. Để giải quyết vấn đề này, chiến lược của các kiến trúc sư là biến vùng đất ngập nước đang chết dần thành “bọt biển xanh” – một công viên tích trữ nước mưa giữa lòng thành phố, không chỉ giải cứu vùng đầm lầy đang biến mất mà còn trở thành địa điểm sinh thái lý tưởng phục vụ cư dân.
Chiến lược của dự án này có 4 điểm quan trọng. Thứ nhất, phần trung tâm của vùng đầm lầy hiện tại được giữ nguyên, phát triển và biến đổi một cách tự nhiên. Chiến lược thứ hai là tạo ra một vòng các ao và gò bao quanh vùng đầm lầy cũ bằng cách sử dụng những kỹ thuật chia và lấp đất đơn giản, tạo ra một vùng đệm cho lõi của vùng đầm lầy. Thứ ba, thiết lập một mạng lưới đường đi và hạ tầng trên mặt đất, cho phép du khách trải nghiệm đi bộ xuyên qua một khu rừng vùng đầm lầy. Và cuối cùng là tạo ra các lối đi bộ trên cao để tham quan toàn bộ công viên.
Giải pháp “thuận theo tự nhiên” này đã biến vùng đất ngập nước thành một công viên đa chức năng – thu thập, lọc, lưu trữ nước mưa và thấm vào tầng nước ngầm, trong khi vẫn hoạt động hiệu quả để giúp nâng cao đời sống người dân, mang đến những trải nghiệm giải trí và giá trị thẩm mỹ cho thành phố. Công viên đã góp phần to lớn vào sự tồn tại của môi trường tự nhiên, đồng thời đóng vai trò là cơ sở hạ tầng xanh thoát nước hiệu quả cho khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi lũ lụt từ tháng 6 đến tháng 8 hằng năm.
“Nông nghiệp đô thị” ở một số quốc gia
“Nông nghiệp đô thị”, mà cụ thể hơn là việc trồng rau, quả hay các loại hoa màu trong thành phố đã trở thành một xu hướng mới ở nhiều nơi, thông qua sáng kiến của cư dân hoặc sự hỗ trợ của chính quyền thành phố. Đơn cử, thành phố San Francisco (Mỹ) đang giảm thuế để cho phép cư dân trồng các cây nông nghiệp trên những mảnh đất trống bỏ hoang của thành phố. Hay tại Tokyo, 5 vườn rau trên tầng mái của đỉnh các ga tàu đã được khánh thành vào năm 2014. Tại Barcelona (Tây Ban Nha), sáng kiến “nông nghiệp đô thị” của những người đã nghỉ hưu giúp hình thành nên các vườn rau lớn ở những khu vực ngoại vi bị bỏ hoang.
Trong khi đó, sáng kiến “Quintais Susentáveis” (Tạm dịch: sân sau bền vững) ở bang Roraima, miền Bắc Brazil, thu hút nhiều sự quan tâm khi kết hợp sản xuất nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực với các hoạt động tạo thu nhập cho những người yếu thế trong xã hội, thúc đẩy lao động và hòa nhập cộng đồng bằng cách khuyến khích hộ gia đình tận dụng khu vực đất vườn, đất trống để trồng cây nông nghiệp. Chương trình đào tạo người dân cách thức sản xuất nông nghiệp bền vững và khuyến khích họ bán sản phẩm của mình tại thị trường địa phương. Dự án cũng kết hợp với điều tra nhân khẩu học, sở thích, thói quen ăn uống của những thành viên trong gia đình để tư vấn giống cây phù hợp.
Nhìn chung, việc áp dụng phương pháp NBS trong quy hoạch đô thị phải được thực hiện dựa trên đặc điểm tự nhiên của khu vực, thay vì chỉ đáp ứng mục đích sử dụng của con người. Nói cách khác, việc tạo điều kiện để các nhân tố tự nhiên phát triển bền vững và giữ đúng vai trò sinh thái của chúng sẽ đem lại lợi ích lâu dài và bền vững cho cuộc sống của con người.
Thay vì tìm cách giải quyết hậu quả của những tác động tiêu cực đến môi trường trong quá trình đô thị hóa, thì những phương án quy hoạch đô thị thân thiện với môi trường, bảo vệ hệ sinh thái vốn có không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn đem đến nhiều giá trị sống lành mạnh cho cư dân thành phố./.