Các doanh nghiệp ngành Xây dựng phải có kế hoạch sản xuất phù hợp để đạt được các tiêu chí “An toàn – Chất lượng – Tiến độ”

(Xây dựng) – Ngày 31/5, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Vai trò công tác an toàn, vệ sinh lao động trong việc thực hiện chương trình phục hồi kinh tế – xã hội giai đoạn sau đại dịch Covid-19”. Toạ đàm nhằm trao đổi và thảo luận về những khó khăn, thách thức trong việc đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động cho đoàn viên công đoàn nói riêng và cho người lao động nói chung đồng thời chia sẻ thông tin, kinh nghiệm quý báu để từ đó có những đề xuất, kiến nghị kịp thời và phù hợp bảo đảm công tác an toàn vệ sinh lao động, góp phần vào công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của đất nước sau đại dịch.

cac doanh nghiep nganh xay dung phai co ke hoach san xuat phu hop de dat duoc cac tieu chi an toan chat luong tien do
Toàn cảnh buổi Toạ đàm.

Quyền Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động Nguyễn Anh Thơ cho rằng, công tác an toàn, vệ sinh lao động và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động cần phải được chú trọng, thực hiện thường xuyên, liên tục. Đây trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến nền kinh tế của Việt Nam cũng như các doanh nghiệp ngành xây dựng. Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report năm 2021 (có 31,6% số doanh nghiệp ngành xây dựng tham gia khảo sát này) cho rằng tình hình kinh doanh sẽ tốt hơn trong 6 tháng đầu năm 2022, và có tới 47,4% số doanh nghiệp dự báo sẽ tăng trưởng trong 12 tháng tới. Đây cũng là quy luật tất yếu, bởi nền kinh tế như chiếc lò xo bị nén suốt một thời gian bị gián đoạn hoạt động do dịch bệnh đã sẵn sàng bật tăng trở lại.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, ước năm 2021, ngành Xây dựng đạt một số chỉ tiêu: Giá trị tăng thêm của ngành Xây dựng dự kiến tăng 0,2-0,5% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ số giá xây dựng tăng 4,34% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ số giá giao dịch một số loại bất động sản so với cùng năm trước tăng khoảng 3,1%. Diện tích nhà ở bình quân cả nước ước đạt 25m2/người.

Về vật liệu xây dựng, ước tính sản lượng tiêu thụ một số vật liệu xây dựng chủ yếu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xi măng tiêu thụ ước đạt khoảng 105,6 triệu tấn, tăng khoảng 2%; Kính xây dựng khoảng 186 triệu m2, tăng khoảng 24%; Sứ vệ sinh khoảng 16 triệu sản phẩm, tăng khoảng 7%; Đá ốp lát khoảng 17 triệu m2, giảm khoảng 10%; Gạch ốp lát khoảng 440 triệu m2, giảm khoảng 13%; Với công nghiệp khoảng 2,3 triệu tấn, giảm khoảng 8%; Tấm lợp amimăng khoảng 36 triệu m2, giảm khoảng 20%; Gạch nung 18,4 tỷ viên, giảm khoảng 26%; Gạch không nung 3,35 tỷ viên, giảm khoảng 33%.

cac doanh nghiep nganh xay dung phai co ke hoach san xuat phu hop de dat duoc cac tieu chi an toan chat luong tien do
Quản lý tốt sức khoẻ của người lao động và sự an toàn đối với tài sản của doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng sau đại dịch Covid-19.

Do vậy, để triển khai công việc kinh doanh được tốt hơn trong thời gian tới (trong bối cảnh “Chuyển đổi trạng thái, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế”) thì ông Nguyễn Anh Thơ nhận định rằng, các doanh nghiệp ngành Xây dựng phải chuẩn bị một kế hoạch sản xuất phù hợp để đạt được các tiêu chí “An toàn – Chất lượng – Tiến độ”. Muốn đạt được được tiêu chí này, ngoài việc cân đối về nguồn lực tài chính, nhu cầu của các đối tác, khách hàng, nhân viên – người lao động… thì các doanh nghiệp phải đánh giá thực hiện được lĩnh vực then chốt khi doanh nghiệp trở lại hoạt động, đó là lĩnh vực quản lý tốt sức khoẻ của người lao động và sự an toàn đối với tài sản của doanh nghiệp. Đây là một vấn đề quan trọng hàng đầu cần phải đánh giá thực hiện đầy đủ trước khi doanh nghiệp bắt đầu trở lại hoạt động theo trạng thái “Bình thường mới”.

Để thực hiện hiệu quả được các tiêu chí nêu trên đối với doanh nghiệp khi hoạt động trở lại trong bối cảnh “Chuyển đổi trạng thái, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế”, ông Thơ cho biết: Chúng ta cần thực hiện 05 vấn đề theo chu trình như sau: Xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh khi hoạt động trở lại. Bám sát và tuân thủ các Chỉ thị của Chính phủ, địa phương về thông tin – kiểm soát tình hình dịch bệnh và các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, PCCN, sức khoẻ và môi trường. Thực hiện và quản lý có chiến lược các kế hoạch hoạt động trở lại. Kiểm tra, giám sát tiến độ và nội dung việc thực hiện kế hoạch (nhằm phù hợp với thực tiễn của tình hình). Thông tin đến cơ quan chủ quản cấp trên (Tổng Công ty) và các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương (có liên quan) về các khó khăn vướng mắc khi thực hiện kế hoạch hoạt động cũng như công tác phối hợp phòng chống dịch bệnh.

Cũng theo dự báo của Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động thì giai đoạn 2021 – 2025, những vấn đề cấp bách về an toàn, vệ sinh lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động cần giải quyết, như: Ngăn chặn sự gia tăng tai nạn lao động, đặc biệt là các vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết nhiều người trong lĩnh vực xây dựng, khai khoáng, hóa chất, hóa dầu, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Tăng cường giám sát ô nhiễm môi trường lao động, từng bước cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, xây dựng văn hóa an toàn lao động, vệ sinh lao động, nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu. Nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động, đặc biệt khu vực làng nghề, khu vực nông nghiệp, trong doanh nghiệp vừa và nhỏ, về việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, gắn kết với ý thức bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, việc làm và sự phát triển bền vững.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích