Nhà Quốc hội Lào đặc biệt như thế nào?
(Xây dựng) – Nhà Quốc hội mới của Lào là quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào. Công trình có tổng vốn đầu tư gần 112 triệu USD, được nghiệm thu hoàn thành vào ngày 8/8 và chính thức bàn giao ngày 10/8/2021.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith tại Lễ khánh thành và bàn giao công trình Nhà Quốc hội Lào. |
Được xây dựng trên nền Nhà Quốc hội cũ
Nhà Quốc hội Lào là nơi diễn ra các kỳ họp của Quốc hội Lào, nơi làm việc của lãnh đạo Quốc hội, chuyên viên và cán bộ Văn phòng Quốc hội.
Công trình đồng thời được bố trí nhiều không gian đa năng, linh hoạt phục vụ tiếp các đoàn khách trong nước và quốc tế, hội họp, đào tạo, tổ chức sự kiện và nghi lễ quan trọng của quốc gia…
Công trình được xây dựng trên nền Nhà Quốc hội cũ, tại quảng trường ThatLuang trung tâm Thủ đô Viêng Chăn. Công trình liên kết chặt chẽ với chùa ThatLuang, trụ sở Văn phòng Quốc hội, Bộ Quốc phòng, Bảo tàng an ninh… trong khu vực.
Nhà Quốc hội Lào gồm 01 tầng hầm, 05 tầng nổi, được xây dựng trên khu đất khoảng 2,3ha, tổng diện tích xây dựng hơn 7.000m2, tổng diện tích sàn hơn 33.700m2, diện tích cây xanh sân vườn khoảng 7.200m2.
Công trình do Bộ Xây dựng là chủ đầu tư dự án; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành (Bộ Xây dựng) thực hiện quản lý dự án; Binh đoàn 11 (Bộ Quốc phòng) là tổng thầu thi công. Đơn vị tiếp nhận và sử dụng là Ban Thư ký Quốc hội Lào.
Kiến trúc công trình lấy cảm hứng từ Quốc kỳ Lào
Lấy cảm hứng từ lá Quốc kỳ, gồm 3 màu trắng, xanh nước biển và đỏ, nên thiết kế kiến trúc Nhà Quốc hội Lào phân biệt thành 3 khu vực khác nhau. Trong đó, vòng tròn màu trắng (được thể hiện bằng chất liệu đá), như mặt trăng ở giữa, thể hiện sức mạnh cho sự thống nhất Đất nước. Đây cũng là chất liệu chủ đạo của kiến trúc công trình.
Đường kẻ ngang màu xanh đen (được thể hiện bởi không gian xanh khu vực giếng trời bao quanh phòng họp chính), giống như sự phản chiếu bầu trời rộng lớn với mặt trăng trên sông Mekong đang quan sát toàn thế giới, đại diện cho quyền lực tối cao của Chính phủ nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá của quốc gia.
Màu đỏ đậm (phần mái chéo bằng vật liệu ngói), đại diện cho tình yêu đất nước, bảo vệ lãnh thổ quý giá trong quá khứ và tương lai.
Tất cả các không gian làm việc của cán bộ của Quốc hội được bao quanh bởi khu vực sân và hội trường Nhà Quốc hội, giống như màu đỏ đậm, bao quanh đường màu xanh đen và vòng tròn trắng như trên quốc kỳ Lào.
Hình thức kiến trúc Nhà Quốc hội Lào theo phong cách truyền thống, có sự chắt lọc những đường nét kiến trúc, các họa tiết trang trí dân gian, mái dốc…, có sự kết hợp giữa các vật liệu xây dựng mới với các vật liệu truyền thống như mái ngói, gỗ tự nhiên, đá…
Công trình vừa thể hiện những nét tương đồng với thị hiếu kiến trúc của người Lào, vừa thể hiện nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của đất nước Lào.
Một số không gian chính của Nhà Quốc hội Lào
Phòng họp Quốc hội là không gian quan trọng, có điểm nhấn là hệ trần vòm, mang hình thức kiến trúc đặc trưng của Phật giáo. Các cửa sổ lấy sáng kết hợp hoa văn trang trí truyền thống của Lào.
Nhà Quốc hội Lào được xây dựng mới trên nền Nhà Quốc hội cũ, tại trung tâm Thủ đô Viêng Chăn. |
Kết cấu thép mái vòm phòng họp vượt nhịp 36m, có trọng lượng hơn 265 tấn, với gần 42.000 chi tiết. Kết cấu thép được sản xuất, gia công tại Việt Nam trước khi vận chuyển sang lắp đặt tại Lào.
Hệ thống trần vòm được chia thành 324 modul, với tổng diện tích trần kim loại hơn 2.100m2. Sản phẩm được cung cấp và nhập khẩu đồng bộ từ Cộng hòa Liên bang Đức. Trần vòm được thiết kế và tính toán là một phần của giải pháp chiếu sáng và trang âm cho không gian phòng họp chính.
Ngoài mái vòm, phòng họp chính còn có một điểm nhấn khác là đèn chùm pha lê có đường kính 3m, cao 1,25m, lấy ý tưởng thiết kế cách điệu từ hoa Chăm pa, được nhập khẩu từ Cộng hòa Séc.
Tường gỗ tiêu âm đục lỗ được bố trí xung quanh phòng họp sử dụng 100% vật liệu gỗ khai thác trong nước.
Nội thất phòng họp chính bố trí bàn ghế cho 320 đại biểu, 04 thư ký, 07 chủ tịch đoàn, được nhập khẩu nguyên chiếc từ Tây Ban Nha và 100 ghế tại khu vực khách mời trên ban công.
Phòng họp được trang bị hệ thống âm thanh, màn hình, phiên dịch… hiện đại, đáp ứng yêu cầu cho kỳ họp Quốc hội cũng như các cuộc họp trong nước và quốc tế khác.
Xung quanh phòng họp Quốc hội bố trí các không gian phụ trợ, đảm bảo đáp ứng các nhu cầu khác trong suốt quá trình diễn ra kỳ họp.
Một không gian quan trọng khác của công trình Nhà quốc hội Lào là phòng họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phòng họp song phương. Không gian này sử dụng vật liệu hoàn thiện chính là đá, được nhập khẩu từ châu Âu tạo cảm giác sang trọng và bố trí xen kẽ vật liệu có tính chất trang âm trên trần, trên các diện tường xung quanh nhằm nâng cao chất lượng âm thanh hội đàm.
Hệ thống âm thanh và màn hình được trang bị hiện đại, tương tự không gian Phòng họp Quốc hội, có hệ thống phiên dịch phục vụ các sự kiện, cuộc họp quốc tế.
Sảnh lớn là lối ra vào chính của công trình, có hình thức mái truyền thống, được thiết kế cao, rộng, với các hoa văn cách điệu lớn, được đục thủng. Cửa sổ giúp tạo cảm giác thông thoáng và cung cấp ánh sáng tự nhiên cho không gian tiếp đón này.
Các cửa gỗ lớn được làm hoàn toàn bằng gỗ hương với chiều cao hơn 5m, trọng lượng xấp xỉ 1 tấn/cánh, đòi hỏi sự tỉ mỉ và kỹ thuật cao trong khâu sản xuất và lắp đặt.
Hoa văn trang trí xuyên suốt ở trong và ngoài tòa nhà lấy cảm hứng từ các họa tiết truyền thống của Lào, được thể hiện trên các chất liệu đa dạng như đá, gỗ, GRC, kim loại…
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành cho biết: Việc gia công hoa văn trang trí với số lượng lớn nói trên không chỉ đòi hỏi máy móc hiện đại mà còn cần đến đội ngũ các thợ thủ công lành nghề trong quá trình hoàn thiện tinh xảo trước khi chuyển đến công trường.
38 tháng thi công an toàn
Công tác chuẩn bị thi công Nhà quốc hội Lào được các bên tiến hành từ năm 2017. Mũi cọc khoan nhồi đầu tiên được thi công ngày 01/7/2018. Sau gần 38 tháng thi công, công trình chính thức được nghiêm thu hoàn thành vào ngày 8/8/2021.
Công trình được hoàn thành sau gần 38 tháng thi công. |
Nói về quá trình triển khai dự án, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, cho biết: Đối với phần thô, công trình Nhà Quốc hội Lào có 390 cọc khoan nhồi đường kính 1.000mm, gần 25.000m3 bê tông, hơn 6.400 tấn thép cốt bê tông, 5.400 tấn thép kết cấu.
Đối với phần hoàn thiện, công trình cần đến 53.000m2 đá ốp lát các loại nhập khẩu từ châu Âu; 23.800m2 sơn bả trần thạch cao; 2.800m2 vách nhôm kính ngoài nhà (trong đó khung nhôm nhập khẩu từ Đức, phần kính nhập khẩu từ Indonesia); 2.900m2 vách gỗ tự nhiên (gồm gỗ hương, pơmu, gõ đỏ trong nước); 372 con sơn gỗ các loại; 7.200m2 mái ngói nhập khẩu từ Thái Lan; 577 bộ cửa gỗ tự nhiên và 133 bộ cửa chịu lửa các loại…
Về phần thiết bị, công trình được đầu tư các giải pháp kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại, tiên tiến, đồng bộ của các nhà sản xuất hàng đầu thế giới hiện nay.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, ông Nguyễn Tiến Thành cho biết: Do tính chất đặc biệt của Công trình Nhà Quốc hội Lào, Dự án có tới 2 Ban chỉ đạo, 2 Ban quản lý dự án, 2 tư vấn thiết kế và 2 tư vấn giám sát của Việt Nam và Lào – Nhật.
Công trình huy động nguồn cung ứng vật tư, thiết bị, nhân lực từ Việt Nam sang Lào, vốn cách xa về địa lý, nên khi diễn ra đại dịch Covid-19 (từ tháng 4/2020 đến nay, chiếm tới 16/38 tháng thi công), công trường càng gặp nhiều trở ngại, khó khăn. Nhưng với nỗ lực, quyết tâm của các lực lượng tham gia, công trường đã không bị gián đoạn thi công, đảm bảo tiến độ yêu cầu, đồng thời phòng chống dịch an toàn. Số lượng cán bộ, công nhân trực tiếp thi công trên công trường tại thời điểm cao nhất tới gần 900 người.
Trong gần 38 tháng thi công, tương ứng với hơn 4 triệu giờ sản xuất, công trường không xảy ra mất an toàn lao động, gây thiệt hại về người và tài sản, không xảy ra cháy nổ…
Với sự chỉ đạo của Bộ Xây dựng, sự điều hành, quản lý trực tiếp của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, công trình áp dụng công nghệ quản lý hiện đại BIM trong thiết kế và thi công nhằm hạn chế các xung đột, giải quyết kịp thời các vướng mắc, góp phần nâng cao chất lượng và tiến độ dự án.
Công nghệ BIM cũng sẽ được bàn giao cho phía Lào để phục vụ việc quản lý, vận hành công trình sau này.
Đặc biệt, công trình được nghiệm thu 3 lần. Trước khi được nghiệm thu hoàn thành vào ngày 8/8/2021, hồi tháng 3/2021, theo yêu cầu của phía bạn Lào, các hạng mục, không gian chính, các hệ thống cơ điện, hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà đã được khẩn trương thi công, nghiệm thu tạm thời và bàn giao cho phía Lào phục vụ thành công Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khoá IX nước CHDCND Lào từ ngày 22 đến ngày 26/3/2021. Trong suốt kỳ họp không xảy ra bất kỳ một sự cố kỹ thuật nào.
Đến nay tất cả các hạng mục công việc, các hệ thống kỹ thuật đã hoàn thành và được vận hành, chạy thử trong thời gian dài, đảm bảo chất lượng, an toàn, đủ điều kiện để chính thức nghiệm thu hoàn thành, khánh thành và bàn giao cho phía bạn Lào.
Nguồn: Báo xây dựng