Ý Yên (Nam Định): Người dân ngao ngán vì mức bồi thường, hỗ trợ “bèo bọt”
(Xây dựng) – Một số hộ dân ở thôn Cao Bồ, xã Yên Hồng, huyện Ý Yên (Nam Định) phản ánh mức bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện Dự án xây dựng Cụm công nghiệp Yên Bằng quá bèo bọt khiến người dân bị mất đất chịu nhiều thiệt thòi.
Một phần diện tích Cụm công nghiệp Yên Bằng, huyện Ý Yên đã được san lấp. |
Báo điện tử Xây dựng nhận được đơn của 14 hộ dân ở thôn Cao Bồ, xã Yên Hồng, huyện Ý Yên (Nam Định) phản ánh việc UBND huyện Ý Yên áp mức bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện Dự án xây dựng Cụm công nghiệp Yên Bằng, huyện Ý Yên quá thấp khiến người có ruộng bị thu hồi chịu nhiều thiệt thòi.
Ông Nguyễn Văn Trung ở thôn Cao Bồ, xã Yên Hồng, huyện Ý Yên – đại diện cho 14 hộ dân thôn Cao Bồ trình bày trong đơn: “Chúng tôi luôn chấp hành tốt mọi đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Chúng tôi cũng đồng tình và ủng hộ chủ trương thành lập và xây dựng Cụm công nghiệp Yên Bằng để phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng trong việc giải phóng mặt bằng của cụm công nghiệp Yên Bằng vừa qua, các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện chỉ chú trọng vào việc hoàn thành công việc, quá quan tâm đến lợi ích doanh nghiệp mà quên đi quyền lợi của an sinh xã hội của người dân”.
Theo phản ánh của các hộ dân, UBND huyện Ý Yên áp đơn giá đền bù đất nông nghiệp là 50.000 đồng/m2. “Đây là mức đền bù quá thấp vì cách đây 10 năm khi Nhà nước thu hồi đất để giải phóng mặt bằng xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ – Cao Bồ, đơn giá đền bù đã là 50.000 đồng/m2. Đến nay, sau 10 năm, giá cả mọi thứ đã tăng gấp mấy lần nhưng UBND huyện Ý Yên vẫn áp dụng đơn giá cũ là không hợp lý”, ông Nguyễn Văn Thắng, một người dân ở thôn Cao Bồ có ruộng bị thu hồi cho biết.
Cũng theo phản ánh của các hộ dân, tiền hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm mà UBND huyện Ý Yên áp dụng chỉ bằng 3 lần giá đất là rất thấp, không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Ngoài ra, thời điểm UBND huyện Ý Yên thông báo việc tổ chức cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất của các hộ dân, người dân không được đền bù hoa màu trên đất. “Thời điểm giữa tháng 4 lúa đang thì con gái xanh mơn mởn, chúng tôi mất bao công sức cày cấy và đầu tư phân bón, giống má mà không được đền bù hoa màu trên đất”, một trong 14 hộ dân bức xúc.
Các hộ dân tính toán, tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ đất nông nghiệp và ổn định đời sống cho mỗi sào ruộng chỉ từ 72-73 triệu đồng, thấp hơn từ 40-50 triệu đồng/sào so với mức bồi thường, hỗ trợ mà một số tỉnh, thành phố lân cận tỉnh Nam Định đang áp dụng. “Cả gia đình tôi trông vào mấy sào ruộng làm kế sinh nhai. Nay ruộng bị thu hồi hết nhưng số tiền nhận được lại rất thấp nên chúng tôi không biết sau này sẽ sống bằng cách nào. Bản thân tôi đã có tuổi nên không công ty, xí nghiệp nào nhận vào làm. Tôi thực sự rất lo lắng cho tương lai của mình”, một người dân than thở.
Anh Nguyễn Văn Thắng ở thôn Cao Bồ, xã Yên Bằng, huyện Ý Yên (Nam Định) cho biết nếu như bảng giá đất do HĐND tỉnh Nam Định ban hành theo chu kỳ 5 năm nên khó thay đổi trong ngày một ngày hai thì việc UBND huyện Ý Yên áp mức tiền hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm chỉ bằng 3 lần giá đất thể hiện sự cứng nhắc, rập khuôn máy móc, không nghĩ đến quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi. Ngoài ra, thời điểm tiến hành cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất, UBND huyện Ý Yên cũng không đền bù hoa màu trên đất khiến người có đất chịu nhiều thiệt thòi, gây bức xúc trong nhân dân.
Trong đơn gửi UBND huyện Ý Yên, các hộ dân đề nghị UBND huyện Ý Yên cần nhân thêm hệ số điều chỉnh bảng giá đất đối với đơn giá đền bù đất nông nghiệp qua các năm để người dân đỡ thiệt thòi. Huyện cũng phải đưa phương án hỗ trợ ổn định sản xuất vào phương án đền bù, giải phóng mặt bằng, đề nghị áp dụng ở mức là 30% đơn giá đất. Người dân cũng đề nghị tiền hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cần áp dụng ở mức tối đa bằng 5 lần giá đất. Đồng thời, UBND huyện Ý Yên cũng phải đền bù hoa màu trên đất tại thời điểm tiến hành cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất để bảo đảm quyền lợi của người dân.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, khi thu hồi đất thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp Yên Bằng, UBND huyện Ý Yên áp dụng bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2015-2020 do UBND tỉnh Nam Định ban hành ngày 30/12/2014. Theo đó, bảng giá đất trồng cây hàng năm (gồm đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm và đất trồng cây hàng năm khác) thuộc địa giới các huyện là 50.000 đồng/m2.
Như vậy, bảng giá này không thay đổi so với bảng giá đất trồng cây hàng năm giai đoạn 2010-2014 dù chỉ số giá tiêu dùng, giá đất phổ biến trên thị trường đã tăng nhiều lần so với thời điểm năm 2010. Tiền hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cũng chỉ được UBND huyện Ý Yên áp mức bằng 3 lần giá đất, trong khi theo quy định số tiền này có thể áp ở mức tối đa bằng 5 lần.
Điều 114, Luật Đất đai 2013 quy định về Bảng giá đất và giá đất cụ thể: Căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá đất và khung giá đất, UBND cấp tỉnh xây dựng và trình HĐND cùng cấp thông qua bảng giá đất trước khi ban hành. Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 05 năm một lần và công bố công khai vào ngày 01 tháng 01 của năm đầu kỳ. Trong thời gian thực hiện bảng giá đất, khi Chính phủ điều chỉnh khung giá đất hoặc giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì UBND cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp.
Ngày 7/6/2019, UBND tỉnh Nam Định có quyết định thành lập Cụm công nghiệp Yên Bằng, huyện Ý Yên trên địa bàn 2 xã Yên Bằng và Yên Hồng với tổng diện tích 50ha. Ngành nghề hoạt động của cụm công nghiệp này là: Công nghiệp phụ trợ công nghệ cao, cơ khí chế tạo máy; sản xuất linh kiện, phụ tùng ôtô; sản xuất, lắp ráp hàng điện tử, thiết bị điện; cơ khí sửa chữa thiết bị, cơ khí chính xác, lắp máy; sản xuất thiết bị y tế và các ngành công nghiệp khác.
Chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Yên Bằng là Công ty CP Đầu tư phát triển Việt Nam Hàn Quốc. Dự án có tổng mức đầu tư lên tới 475 tỷ đồng. Theo quyết định của UBND tỉnh Nam Định, chủ đầu tư không được san lấp mặt bằng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; chỉ cho các nhà đầu tư thứ cấp thuê sau khi hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật và khu xử lý nước thải cụm công nghiệp. Thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự và các nội dung khác có liên quan theo pháp luật.
Lúa đang lên mơn mởn nhưng người dân lại không được đền bù hoa màu trên đất. |
Ngày 25/12/2021, UBND tỉnh Nam Định tổ chức khởi công Dự án xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Yên Bằng. Tại buổi lễ khởi công, lãnh đạo tỉnh Nam Định cho rằng dự án được kỳ vọng sẽ tạo động lực phát triển sản xuất công nghiệp phía Tây Nam của tỉnh Nam Định, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của huyện Ý Yên và của cả tỉnh Nam Định trong thời gian tới.
Tuy nhiên, việc làm trong cụm công nghiệp thì chưa thấy đâu, chỉ thấy người dân mất kế sinh nhai bao đời trong khi lợi ích chưa được bảo đảm. Đề nghị UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo UBND huyện Ý Yên xem xét lại toàn bộ mức bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất thực hiện dự án xây dựng Cụm công nghiệp Yên Bằng theo hướng bảo đảm ở mức cao nhất quyền lợi của người dân. Chỉ có như vậy, mục đích, ý nghĩa khi xây dựng cụm công nghiệp này mới đạt được trọn vẹn.
Ngày 20/5/2022, UBND huyện Ý Yên đã tổ chức buổi làm việc với đại diện 14 hộ dân để xem xét các nội dung kiến nghị, phản ánh liên quan đến việc đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án xây dựng Cụm công nghiệp Yên Bằng. Tại buổi làm việc, ông Vũ Văn Vui – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ý Yên làm rõ lại các nội dung mà các hộ dân đề nghị như sau: Đơn giá bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng theo đề nghị của người dân sẽ tăng từ 200.000 đồng/m2 lên 390.000 đồng/m2. Việc kiến nghị đền bù hoa màu trên đất thu hồi, UBND huyện ghi nhận và xem xét xử lý trả lời các hộ dân. Các nội dung khác UBND huyện xem xét trả lời công dân. Hy vọng những kiến nghị của người dân có đất bị thu hồi được UBND huyện Ý Yên xem xét một cách thấu tình, đạt lý.
Để rộng đường dư luận, bảo đảm khách quan, đa chiều trong thông tin, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã đặt lịch làm việc, nhiều lần liên hệ với lãnh đạo văn phòng UBND huyện Ý Yên để được cung cấp thông tin liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện Dự án xây dựng Cụm công nghiệp Yên Bằng nhưng đã nhiều ngày qua phóng viên không nhận được phản hồi.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin vấn đề trên.
Nguồn: Báo xây dựng