Khu tái định cư thủy điện Lai Châu: Vẫn thiếu đất sản xuất trầm trọng
(Xây dựng) – Sau gần 8 năm kể từ khi chuyển nơi ở mới, người dân tại khu tái định cư ở thị trấn Mường Tè vẫn bị thiếu đất sản xuất, phải đi làm thuê để cải thiện thu nhập, nhưng không ổn định.
Cơ sở hạ tầng ở 2 khu tái định cư tại thị trấn Mường Tè đã được đầu tư xây dựng đồng bộ và có chất lượng tốt. |
Cơ sở hạ tầng tại chỗ ở mới tốt hơn
Thị trấn Mường Tè, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu có 2 khu tái định cư thủy điện với 283 hộ gia đình, bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2014. Khu phố 11 có 131 hộ là tái định cư nông nghiệp và khu phố 12 có 152 hộ là tái định cư phi nông nghiệp.
Trong đó, mỗi hộ dân trong khu tái định cư nông nghiệp được chia từ 250 – 300m2 đất ở và khu tái định cư phi nông nghiệp là khoảng 100 – 150m2/hộ. Diện tích này so với nhà ở cũ tuy nhỏ hơn, nhưng về cơ bản vẫn đủ xây dựng nhà ở rộng rãi và kiên cố. 100% hộ dân đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất ở.
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng của 2 khu tái định cư tại thị trấn Mường Tè cũng được đầu tư xây dựng đồng bộ và có chất lượng tốt hơn nhiều so với nơi ở cũ. Đường giao thông được bê tông hóa, có thể cho ôtô đi vào tận cổng nhà người dân. Hệ thống trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng hay khu vui chơi cũng được đầu tư xây dựng khang trang, kiên cố.
Người dân cần có đất sản xuất
Cũng giống như nhiều khu tái định cư khác, vấn đề lớn nhất của người dân tại khu tái định cư nông nghiệp ở thị trấn Mường Tè vẫn là đất sản xuất. Hiện nay, diện tích đất nông nghiệp của người dân tại chỗ ở mới đang thấp hơn nhiều so với ngày trước.
Vấn đề lớn nhất của người dân tại khu tái định cư nông nghiệp ở Mường Tè vẫn là thiếu đất sản xuất. |
Để giải quyết vấn đề này, UBND thị trấn Mường Tè đã lập phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp. Mỗi hộ dân sẽ được nhận khoảng 700 – 800m2 đất sản xuất. Tuy nhiên, vì thiều nguồn vốn nên UBND thị trấn Mường Tè vẫn chưa thế cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Chưa kể, vì là đất lâm nghiệp ở trên đồi có độ dốc cao nên người dân cũng gặp nhiều khó khăn trong việc canh tác.
Dù chính quyền địa phương đã nỗ lực đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, nhưng hiệu quả chưa cao vì nguồn nước còn hạn chế. Thông thường, người dân vẫn đủ nước tưới tiêu vào mùa mưa, nhưng đến mùa khô sẽ bị thiếu. Đây quả thực là một khó khăn rất lớn đối với các hộ dân tại khu tái định cư vẫn chủ yếu dựa vào nông nghiệp.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Vảng Hường, một người dân sống tại khu tái định cư nông nghiệp ở thị trấn Mường Tè cho biết: “Gia đình tôi nhận được khoảng 200 triệu đồng tiền đền bù coi như chỉ đủ để dựng một ngôi nhà mới. Nói thật là chủ đầu tư bồi thường cả tỷ đồng mà dân không có ruộng thì cũng không làm gì được. Bây giờ, chúng tôi thậm chí còn phải đi mua gạo để ăn.
Mọi người ở đây muốn cải thiện thu nhập thì phải đi làm thuê mà có người đi được, có người không đi được. Tôi già rồi không đi làm thuê được nữa chứ con cái thì phải đi làm thêm chứ không thì chết đói. Chỉ là công việc không được ổn định, thỉnh thoảng đi bốc vác trong thị trấn thôi chứ cũng không đi xa được”.
Để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế và cải thiện thu nhập, UBND huyện và thị trấn Mường Tè đã triển khai dự án hỗ trợ người dân trồng quế và sa nhân tím. Tuy nhiên, vì đây là những cây lâu năm nên thời gian thu hoạch phải chờ khá lâu. Năm 2021 là năm đầu tiên người dân bắt đầu thu hoạch sa nhân tím, nhưng sản lượng còn thấp.
Các hộ gia đình là dân tộc Thái ở Mường Tè vẫn gìn giữ được kiến trúc nhà sàn truyền thống. |
Trong khi đó, một số hộ gia đình triển khai dự án nuôi cá lồng và cá bè cũng không thể duy trì lâu dài vì thiếu nguồn nước. Hiện nay, thị trấn Mường Tè chỉ có một khu cung cấp nước cho toàn thị trấn, nhưng lưu lượng nước không được ổn định và thường bị thiếu hụt vào mùa khô. Trong hoàn cảnh này, chính quyền địa phương chỉ có triển khai các giải pháp tạm thời như như kêu gọi người dân tiết kiệm nước, tích trữ nước để dùng cho mùa khô…, đồng thời đẩy mạnh công tác tìm kiếm nguồn nước mới.
Nói tóm lại, cuộc sống của người dân tại khu tái định cư Mường Tè vẫn chưa thể tốt như ngày trước. Thậm chí, một số hộ gia đình còn rơi vào hoàn cảnh khó khăn sau khi sử dụng hết tiền bồi thường mà không có sinh kế mới trong hoàn cảnh thiếu đất sản xuất.
Khôi phục và bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc
Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng người dân tại khu tái định cư Mường Tè vẫn đang nỗ lực gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Thực tế, sau khi nhận được tiền đền bù, các hộ gia đình là người dân tộc Thái (chiếm đa số tại khu tái định cư nông nghiệp) vẫn duy trì được kiến trúc nhà sàn truyền thống. Thay đổi duy nhất chỉ là việc các hộ thay mái gỗ bằng mái tôn phù hợp hơn với điều kiện thời tiết khắc nghiệt tại vùng núi phía Bắc.
Thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu, thị trấn Mường Tè cũng đang xây dựng kế hoạch khôi phục và bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc Thái tại khu tái định cư như lễ hội, nhà ở, ẩm thực, trang phục… Bên cạnh đó, huyện Mường Tè cũng đang triển khai thí điểm mô hình phố đi bộ là không gian giới thiệu văn hóa của các dân tộc trên địa bàn.
Tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng xác định tạm thời chỉ tập trung khôi phục và bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc chứ chưa tính đến khả năng phát triển du lịch vì còn nhiều vướng mắc. Ví dụ, UBND thị trấn Mường Tè từng đề xuất xây dựng 100% nhà sàn cho người dân tộc Thái ở khu tái định cư phi nông nghiệp, nhưng chưa thể thực hiện vì lượng gỗ phải khai thác là rất lớn.
Bên cạnh đó, tiềm năng phát triển du lịch ở Mường Tè cũng bị hạn chế vì giao thông cách trở, tình trạng sạt lở diễn ra thường xuyên khi có mưa lớn…
Nguồn: Báo xây dựng