AJJANTA & ELLORA: Di sản thế giới với kiến trúc độc đáo đá cắt
(Xây dựng) – Đến Ấn Độ – Quốc gia có nhiều công trình kiến trúc đặc sắc từ cổ xưa đến đương đại, du khách và giới chuyên môn đặc biệt quan tâm đến tham quan, nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và học thuật; đặc biệt là các khu Phật tích được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Ajanta Caves là một quần thể các hang động nghệ thuật kiến trúc Phật giáo chạm, khắc, cắt vào núi đá có lịch sử hình thành từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên đến năm 650 sau Công nguyên.
Quần thể di tích nhìn từ trên cao xuống. |
Ajanta Caves nằm ở huyện Aurangabad, thuộc Bang Maharashtra, miền Trung Ấn Độ. Đó là một di tích nằm cách trung tâm Auragabad 104km (65 dặm), cách Mumbai khoảng 350km và cách Quần thể hang động Ellora khoảng 100km ở phía Tây. Chùa hang Ajanta tọa lạc ở lưng chừng dãy núi hình móng ngựa thuộc cao nguyên Deccan cao 76m, nhìn xuống bên dưới là dòng sông Waghora uốn khúc.
Ajanta Caves gồm 30 hang động được đánh số từ 01-29, và hang số 15A vì được phát hiện sau này. Trong mỗi hang động thường được phân chia thành 3 khu vực, nơi đặt tượng Phật, nơi hành lễ và nơi tu tập của tăng đoàn. Các nhà khảo cổ cũng phân chia theo từng niên đại xây dựng, gồm các hang số 8, 9, 10, 12, 13, 15, 30 mang dấu ấn Phật giáo nguyên thủy, dưới sự bảo trợ của triều đại Satvahana; các hang còn lại mang màu sắc Phật giáo mới, sau này là Phật giáo Đại thừa, dưới sự bảo trợ bởi triều đại Vakataka – trong đó các hang số 9, 10, 19, 26, 29 có công năng là các Thánh đường (Chaityas), còn lại là những Tu viện (Viharas) dành riêng cho các tu sĩ.
Cổng vào đền Kailas. |
Điều đáng nói là các hang động đều được thực hiện hoàn toàn thủ công thể hiện nghệ thuật đá cắt bằng tay (từ ngoài cắt vào) của người Ấn Độ cổ. Những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật tượng Phật khổng lồ đều bằng đá nguyên khối, nguyên vị trí trong lòng dãy núi Ajanta. Đây là những kiệt tác của Nghệ thuật hội họa và kiến trúc Phật giáo cổ đại có ảnh hưởng lớn đến nền nghệ thuật Ấn Độ sau này.
Kiến trúc độc đáo toàn bộ bằng đá. |
Quần thể các hang động này còn bao gồm khoảng 500 bức tranh được tạc vào vách đá và trên trần hang đầy màu sắc sinh động mô tả về tiền kiếp, sự tái sinh và cuộc đời của Đức Phật cho đến khi nhập Niết Bàn. Điều thực sự ấn tượng là màu sắc tranh được chế từ các chất khoáng tự nhiên (đá sa thạch) và các chất có nguồn gốc thực vật nên vừa hài hòa, vừa tương phản mà vẫn tươi nguyên qua mấy ngàn năm cho đến tận ngày nay. Hơn nữa, các bức tranh trên tường, trên trần, trên các cột đá không chỉ mô tả hình ảnh chi tiết về Đức Phật mà còn cho thấy một bối cảnh xã hội sống động nhìn vào thấy ngay sự phân chia giai tầng rõ rệt: một thế giới cung đình giàu có xa hoa của các bậc Quân, Vương, một thế giới nghèo hèn cơ cực ốm đau bệnh tật của dân đen, có thế giới của cỏ hoa chim thú, có cuộc sống bình dị của người dân và có cả cuộc sống của các tiên nữ, thần linh nơi tiên giới!
Các cột đá khổng lồ. |
Đặc biệt là những thiếu nữ trong tranh Ajanta được thể hiện rất quyến rũ với những đường cong mềm mại, thần thái sinh động trong từng ánh mắt, từng nét môi. Các nghệ nhân còn khéo lợi dụng sự phân bố ánh sáng để người xem khi chuyển dịch vị trí có thể thấy nhân vật trong tranh như chớp mắt, hé cười, hết sức sống động.
Hang động Ajanta đã bị lãng quên cùng sự suy tàn của Phật giáo nơi đây cho đến năm 1819 khi một sĩ quan thực dân Anh là Đại úy John Smith trong một chuyến săn bắn hổ đã tìm lại được. Ajanta giờ là một trong những điểm du lịch lớn thu hút khách của bang Maharashtra.
Kiến trúc độc đáo của người Ấn cổ xưa luôn được Ấn Độ gìn giữ. |
Cùng với Ajanta, Ellora Caves là quần thể các hang động thể hiện sự hòa hợp tôn giáo giữa Ấn Độ giáo, Kỳ Na giáo (Jaina/Hỏa giáo) và Phật giáo cách Aurangabad 29km về phía Tây Bắc. Cũng tương tự như Ajanta, Ellora có 34 hang động nằm trong đồi Charanandri. Đây là các đền thờ, tu viện và Matha (học viện) được cắt gọt từ đá thể hiện nghệ thuật cắt đá từ ngoài vào và từ trên xuống từ giữa thế kỷ thứ 5-10. Trong số 34 hang động có 12 hang động kiến trúc Phật giáo (hang động từ 1-12), 17 kiến trúc Ấn Độ giáo (hang động 13-29) và 5 là Jaina giáo (hang động 30-34).
Điều cực kỳ đặc biệt khiến tôi nhất định phải đặt chân đến nơi này chính là tại Ellora. |
Vào ngày Xuân phân hàng năm (ngày 10/3 dương lịch), là ngày duy nhất trong năm, có một khắc (15 phút) duy nhất khi mặt trời lặn, ánh nắng sẽ xuyên qua khung cửa sổ nhỏ để soi rọi khuôn mặt Đức Phật tại Cave No.10.
Nếu ai đã từng tìm hiểu về Tháp Bút tại Hồ Gươm cũng sẽ thấy điểm tương đồng về sự vĩ đại mà người xưa tính toán trong quá trình xây dựng: chỉ một khắc duy nhất trong năm khi mặt trời mọc, hình bóng ngòi bút của Tháp Bút sẽ chạm vào Đài Nghiên (Nghiên mực) trên cổng vào Cầu Thê Húc để Tả Thiên Thanh! Được ghi nhận là vào Ngày Hạ chí 22/6).
Nhà nước Ấn Độ đã dành nhiều công sức đầu tư, quản lý, trùng tu, tôn tạo và quảng bá các địa danh này trở thành những khu di tích quý giá, minh chứng sinh động cho một thời kỳ văn hóa và tôn giáo hưng thịnh nhất tại Ấn Độ. Hai quần thể này được UNESCO công nhận “Di sản văn hóa thế giới” vào năm 1983; cũng là hai trong nhiều địa điểm du lịch lý tưởng khác của Ấn Độ, giúp du khách muốn tìm hiểu, chiêm bái và thưởng ngoạn các công trình với trình độ nghệ thuật kiến trúc điêu khắc đá đỉnh cao của người Ấn cổ xưa.
Nguồn: Báo xây dựng