Thanh Hóa: Cần xem xét việc khai thác không đúng giấy phép tại các mỏ đá thị trấn Yên Lâm

(Xây dựng) – Theo giấy phép khai thác do UBND tỉnh cấp cho các doanh nghiệp tại thị trấn Yên Lâm (Yên Định, Thanh Hóa), trữ lượng khai thác đá khối tận thu làm đá ốp lát, đá xẻ, cao nhất chỉ chiếm 9,5%… nhưng trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp tại đây đều đang khai thác sai phép, với sản phẩm đá khối sản xuất đá xẻ, đá ốp lát là chủ yếu.

thanh hoa can xem xet viec khai thac khong dung giay phep tai cac mo da thi tran yen lam
Hệ thống máy nghiền của Công ty Nam Thái Sơn đang hoạt động.

Từ phản ánh của dư luận, PV Báo điện tử Xây dựng đã vào cuộc, tìm hiểu tình hình khai thác đá của các doanh nghiệp tại thị trấn Yên Lâm. Tại đây, cùng với một cán bộ văn hóa của thị trấn, PV đã chọn 3/33 doanh nghiệp trên địa bàn để nắm bắt thực tế đang diễn ra gồm: Công ty TNHH Xuân Trường (Công ty Xuân Trường), Công ty TNHH Chế biến đá tự nhiên Nam Thái Sơn (Công ty Nam Thái Sơn) và Công ty Xây lắp điện, thủy lợi Thăng Bình (Công ty Thăng Bình).

Theo Giấy phép khai thác số 47/GP-UBND ngày 20/3/2020 của UBND tỉnh, Công ty Xuân Trường được khai thác tại mỏ đá Hang Cá với trữ lượng địa chất là 8.420.563m3. Trong đó, đá sản xuất vật liệu xây dựng thông thường 7.725.288m3 bằng 91,7%, đá khối sản xuất đá xẻ 695.275m3, bằng 8,3%. Trữ lượng được phép khai thác là 5.863.281m3, trong đó đá sản xuất vật liệu xây dựng thông thường là 5.376.911m3 (91,7%), đá khối sản xuất đá xẻ 486.590m3 (8,3%).

Tương tự, Công ty TNHH Nam Thái Sơn được khai thác tại mỏ đá Yên Lâm, trữ lượng địa chất là 660.180m3. Trong đó, đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường là 607.365m3, đá khối tận thu sản xuất đá ốp lát 52.815m3. Trữ lượng khai thác 430.000m3 đá. Trong đó, đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường 393.600m3, đá khối tận thu sản xuất đá ốp lát 34.400m3.

Công ty Thăng Bình được cấp quyền khai thác tại mỏ núi đá vôi Hang Cá, trữ lượng khoáng sản gồm: Trữ lượng địa chất 154.982m3. Trong đó, đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường 141.437m3, đá khối tận thu làm đá xẻ, đá ốp lát 13.543m3. Trữ lượng khai thác 140.000m3, trong đó đá làm vật liệu xây dựng thông thường 127.764m3, đá khối tận thu là đá ốp lát 12.236m3.

thanh hoa can xem xet viec khai thac khong dung giay phep tai cac mo da thi tran yen lam
Hệ thống máy nghiền của Công ty Xuân Trường và Thăng Bình đều không hoạt động.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Quảng – Chủ tịch Hiệp hội làng nghề đá thị trấn Yên Lâm khẳng định, tất cả các doanh nghiệp khai thác đá tại đây đều thực hiện đúng giấp phép được cấp, với trên 90% là sản phẩm đá vật liệu xây dựng thông thường. Do những năm gần đây, việc khai thác được thực hiện bằng công nghệ cắt dây (thay cho nổ mìn – PV) nên thường cho ra những khối đá lớn, nếu nhìn bằng mắt thường, người không có chuyên môn dễ lầm tưởng có thể dùng hết làm đá xẻ, đá ốp lát, nhưng qua các công đoạn cắt, xẻ, mài… chỉ có một phần nhỏ được tận thu làm đá ốp lát, đá xẻ, phần lớn bị loại để đem nghiền làm vật liệu xây dựng thông thường. Thêm nữa, các doanh nghiệp trước đây chưa áp dụng công nghệ cắt dây, thường khai thác bằng nổ mìn nên đá bị om, tạo ra những vết nứt, dẫn đến khó khăn trong việc có được những khối đá lớn đủ điều kiện để làm đá xẻ, ốp lát?

Tại khu vực khai thác và chế biến đá của Công ty Nam Thái Sơn, Công ty Xuân Trường và Công ty Thăng Bình, các bãi tập kết đều la liệt những khối đá lớn dùng làm đá xẻ, đá ốp lát, trong các nhà xưởng, hàng loạt máy cắt đá với những lưỡi cưa lớn, máy xẻ các loại đang đồng loạt vận hành, cho ra các loại sản phẩm có kích thước khác nhau. Cùng với đó là rất nhiều những kiện, đống đá thành phẩm hoàn chỉnh chờ xuất kho.

thanh hoa can xem xet viec khai thac khong dung giay phep tai cac mo da thi tran yen lam
Vỉa đá đẹp, thích hợp cho khai thác đá khối tại mỏ đá của Công ty Xuân Trường.

Về đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường, theo quan sát của PV, chỉ có duy nhất tại mỏ của Công ty Nam Thái Sơn có một cụm máy nghiền đang hoạt động để sản xuất đá làm vật liệu xây dựng thông thường. Còn tại Công ty Thăng Bình và Xuân Trường, hệ thống máy nghiền đá làm vật liệu xây dựng thông thường đều đang dừng hoạt động. Giải thích về điều này, quản lý khu vực mỏ đá của Công ty Xuân Trường chia sẻ: “Máy nghiền tạm ngừng hoạt động là do trời vừa mưa xong, đường trơn nên xe không thể chở đá từ trên núi xuống được”?

thanh hoa can xem xet viec khai thac khong dung giay phep tai cac mo da thi tran yen lam
thanh hoa can xem xet viec khai thac khong dung giay phep tai cac mo da thi tran yen lam
thanh hoa can xem xet viec khai thac khong dung giay phep tai cac mo da thi tran yen lam
Bên trong xưởng chế biến đang hoạt động và bãi tập kết đá của các doanh nghiệp, phần lớn đều là đá khối, đá xẻ.

Như vậy, theo thực tế mà PV ghi nhận, số lượng đá khối dùng làm đá ốp lát, đá xẻ tại mỏ đá Yên Lâm được các doanh nghiệp tại đây khai thác, chế biến đang vượt xa so với giấy phép do UBND tỉnh cấp. Khối lượng đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường (từ 90-96%) chỉ chiếm một tỷ lệ không đáng kể. Điều này đồng nghĩa với việc ngân sách Nhà nước chịu thất thu một khoản tiền lớn.

Bởi căn cứ Luật Khoáng sản ngày 17/11/2020 và Nghị định số 202/2013/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, ngày 28/4/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định 1455/2016-QĐ-UBND về “Quy định danh mục và giá tối thiểu tính thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”. Theo đó: Giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tại thời điểm lần đầu đối với đá (đá cát kết, đá bazan) làm vật liệu xây dựng chỉ 65.000 đồng/m3. Trong khi đó, giá đối với đá khối để xẻ lên tới 2.100.000 đồng/m3.

Như vậy, chỉ với mức thu cấp quyền khai thác khoáng sản, sự chênh lệch về số tiền phải đóng cho Nhà nước giữa hai loại đá đã rất lớn. Nếu thực tế diễn ra như ghi nhận của PV, hiển nhiên là ngân sách Nhà nước đang thất thu một khoản tiền lớn, và khoản tiền này sẽ “chảy vào túi” các doanh nghiệp.

Làm việc với PV, lãnh đạo thị trấn Yên Lâm cho biết: Việc quản lý khu vực mỏ đá của Hiệp hội làng nghề đá Yên Lâm thuộc quyền của UBND huyện. Việc thẩm định, đánh giá trữ lượng và cấp quyền khai thác thuộc thẩm quyền các Sở, ngành của tỉnh và UBND tỉnh. Thị trấn chỉ quản lý về nhân sự làm việc tại các mỏ và đảm bảo an ninh trật tự địa bàn. Do đó, thị trấn không nắm được cụ thể tình hình khai thác, trữ lượng, chủng loại đá tại các mỏ.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích