Hà Nội khuyến khích mua online nhưng lại cấm shipper
Sau khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Công Thương Hà Nội lập tức ra thông báo về việc đảm bảo hàng hoá thiết yếu phục vụ nhân dân thủ đô, trong đó khuyến khích việc mua bán trực tuyến, trong khi Sở GTVT cấm shipper công nghệ.
Grab, Now thông báo dừng chở khách, giao đồ ăn tại Hà Nội. Ảnh: Cường Ngô |
Sở Công Thương khuyến khích mua bán online, Sở GTVT cấm shipper
Trong thông cáo báo chí Sở Công Thương TP Hà Nội phát vào khuya 23.7, Sở này khuyến khích người dân tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt, bán hàng trực tuyến qua các ứng dụng như Now, Grab, Beamin.
“Mặc dù đang phải đối mặt với một khó khăn, song trong bất kỳ tình huống nào các hàng hóa cũng đảm bảo đáp ứng đầy đủ ứng nhu cầu của nhân dân kể cả khi nhu cầu mua sắm tăng cao, không để xảy ra thiếu hàng; phân bổ lượng hóa đầy đủ trong hệ thống.
Đồng thời đổi mới nhiều phương thức phục vụ, tăng cường khuyến khích, vận động người dân tích cực thanh toán không dùng tiền mặt, phổ biến rộng rãi đến người dân trên địa bàn thông tin đến các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các hộ kinh doanh trong chợ, website, ứng dụng thươngmại điện tử, bán hàng online trực tuyến (Grab, Now, Baemin, GoFood…)”, thông cáo nêu rõ.
Sau văn bản này của Sở Công Thương Hà Nội, ghi nhận của Lao Động, từ sáng nay, các ứng dụng nêu trên đều đã dừng cung cấp dịch vụ gọi xe, giao đồ ăn và gửi thông báo đến khách hàng vẫn duy trì dịch vụ đi chợ, siêu thị hộ, vận chuyển các hàng hoá thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc men, vật tư y tế.
Hàng loạt ứng dụng chở khách và giao đồ ăn đã thông báo đến khách hàng về việc tạm ngừng cung cấp dịch vụ sau khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố, trong khi đó Sở GTVT cấm shipper hoạt động. |
Tuy nhiên, đến trưa nay, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội lại có văn bản yêu cầu các ứng dụng như Grab, Be, Gojek.. dừng cung cấp ứng dụng gọi xe và cả dịch vụ giao hàng từ hôm nay cho đến khi có thông báo mới.
Sở GTVT đề nghị các ứng dụng sẽ phải dừng toàn bộ giao hàng cho đến khi có thông báo mới. Đồng thời, cơ quan này đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra, xử phạt vi phạm (nếu có) đối các doanh nghiệp không thực hiện việc dừng cung cấp dịch vụ gọi xe, giao hàng công nghệ.
Hiện tại, nhân viên bưu chính và nhân viên giao hàng hoá thiết yếu của các siêu thị hoạt động với điều kiện đơn vị quản lý phải chịu trách nhiệm về phòng dịch của nhóm này và gửi danh sách đăng ký về Sở Giao thông Vận tải.
Sau đó, Sở sẽ chấp thuận qua tin nhắn. Người được chấp thuận sẽ chụp màn hình tin nhắn của Sở Giao thông Vận tải để cung cấp cho lực lượng kiểm tra khi có yêu cầu.
Đang làm việc với các cơ quan chức năng để làm rõ
Với yêu cầu này của Sở GTVT, người dân lúng túng, không biết có nên sử dụng dịch vụ đi chợ, siêu thị hộ qua các ứng dụng công nghệ. Và nếu sử dụng thì có bị các lực lượng chức năng xử phạt? Nhiều người cũng cho rằng, các đơn vị chức năng của Hà Nội nên thống nhất các phương án, tránh điều hành giật cục.
Trao đổi nhanh với Lao Động, đại diện truyền thông của Grab cho biết, đã nhận được công văn của Sở GTVT TP Hà Nội. Hiện Grab đang làm việc với các cơ quan chức năng để làm rõ vấn đề này.
“Quan điểm của chúng tôi cho rằng, khi Hà Nội thực hiện lệnh giãn cách xã hội, hạn chế người dân ra đường, nên để shipper của các ứng dụng hoạt động, bởi đây là sẽ là những người kết nối các cửa hàng thiết yếu với người dân, giảm lượng người phải ra khỏi nhà”, đại diện truyền thông Grab cho biết.
Cũng theo đại diện truyền thông của Grab, việc quản lý lịch trình, lịch sử tiếp xúc của các shipper công nghệ cũng có thể dễ dàng trích xuất từ ứng dụng.
Đồng thời, không phải hệ thống siêu thị nào cũng có sẵn lực lượng giao hàng đông đảo. Hầu hết các siêu thị đều hợp tác với các ứng dụng để giao hàng đến tay người tiêu dùng qua các ứng dụng đi chợ hộ.
Nguồn: Báo xây dựng