Đề xuất giải pháp phát triển KH&CN đo đạc và bản đồ đến năm 2030
(TN&MT) – Ngày 17/5, tại Hà Nội, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội thảo tổng kết hoạt động khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2021 và định hướng phát triển đến năm 2030 trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.
KH&CN phục vụ phát triển kinh tế – xã hội
Ông Nguyễn Phi Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ cho biết, Hội thảo này là hoạt động nhằm kỷ niệm tiến tới kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Bộ TN&MT (2002 – 2022) và chào mừng Ngày KH&CN hàng năm (18/5). Đồng thời, tổng kết 10 năm hoạt động KH&CN nhằm đánh giá những thành quả của nhà nhiều khoa học, cá nhân, tổ chức đã đóng góp cho sự phát triển của lĩnh vực đo đạc bản đồ, để từ đó, phát huy những kinh nghiệm, rút ra những bài học nhằm định hướng cho những năm tiếp theo.
Ông Nguyễn Phi Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ phát biểu tại Hội thảo
Theo ông Nguyễn Phi Sơn, trong 10 năm qua, lĩnh vực đo đạc và bản đồ đã tổ chức triển khai thực hiện 67 đề tài cấp Bộ, 3 đề tài cấp quốc gia, nhiều đề tài cấp cơ sở. Sự cống hiến cho nghiên cứu khoa học của lĩnh vực đã được Bộ trưởng Bộ TN&MT tặng nhiều bằng khen: Như cụm công trình về nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện mạng lưới trọng quốc gia đã được bình xét là 1 trong 10 sự kiện của ngành TN&MT năm 2014. Đặc biệt, năm 2021, Công trình “Bộ sách khoa học kỹ thuật phục vụ đào tạo tiến sỹ ngành kỹ thuật đo đạc và bản đồ” của PGS.TSKH Hà Minh Hòa đã đạt giải A trong đợt xét giải thưởng KH&CN ngành TN&MT lần thứ nhất và sau đó, công trình đã được vinh danh trong sách Vàng Việt Nam năm 2021.
Giai đoạn 2011-2021, bên cạnh việc thực hiện tốt các đề tài nghiên cứu, sự phát triển của tiềm lực KH&CN trong lĩnh vực đo đạc bản đồ là việc đầu tư máy móc, thiết bị, phần mềm cho các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực, mạnh dạn đầu tư những công nghệ mới hiện đại. Đây là công cụ giúp cho các tổ chức nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ theo kịp với sự phát triển của thế giới.
Cùng với những kết quả đạt được, Viện trưởng Nguyễn Phi Sơn cũng chỉ ra vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong nghiên cứu, triển khai KH&CN trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ như: thiếu nguồn cán bộ khoa học giỏi, tâm huyết phù hợp với định hướng phát triển; thách thức về đầu tư thiết bị – công nghệ;…
Vì vậy, tại Hội thảo này, ông Nguyễn Phi Sơn mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp của lãnh đạo quản lý của các đơn vị trong và ngoài Bộ về khả năng ứng dụng, mức độ ưu tiên, ý tưởng đặt hàng để nghiên cứu khoa học đo đạc bản đồ có sự đầu tư nghiên cứu sâu hơn nữa, đặc biệt, đối với những hướng nghiên cứu có thể tạo ra các sản phẩm khoa học mang ý nghĩa quan trọng cho ngành TN&MT nói chung và cho đất nước nói chung.
Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững
Theo ông Nguyễn Đại Đồng, Trưởng phòng KHCN và Hợp tác quốc tế, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, trong giai đoạn tới, định hướng về KH&CN trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ của Bộ TN&MT sẽ được đổi mới đồng bộ, triệt để theo các định hướng và quy định của pháp luật về đo đạc, bản đồ hiện nay; đặc biệt là việc chuyển giao công nghệ trong nước, từ nước ngoài về Việt Nam; tập trung đẩy mạnh việc đề xuất đặt hàng, tổ chức nghiên cứu các vấn đề có tính liên vùng, liên ngành, các nghiên cứu có tác động lớn đến phát triển của lĩnh vực đo đạc bản đồ, của ngành TN&MT.
Trong đó, các đề tài nghiên cứu sẽ tập trung nghiên cứu cơ sở khoa học để hoàn thiện thể chế, pháp luật về đo đạc và bản đồ; Nghiên cứu cơ bản về Trái đất bằng phương pháp đo đạc và bản đồ tiên tiến, hiện đại; Nghiên cứu phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản, hoạt động đo đạc bản đồ chuyên ngành phục vụ quốc phòng an ninh, phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các thành tựu mới của công nghệ ảnh số, công nghệ bay quét LiDAR, công nghệ viễn thám, công nghệ GIS, công nghệ GNSS để hiện đại hóa quy trình xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, thành lập, cập nhật bản đồ địa hình quốc gia đảm bảo dữ liệu nền địa lý phải được cung cấp chính xác, đầy đủ và kịp thời; nghiên cứu ứng dụng công nghệ GNSS động để xác định vị trí tọa độ, độ cao chính xác cho đo đạc bản đồ, các ngành và cộng đồng xã hội; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ GIS trong lưu trữ và xử lý khối lượng lớn dữ liệu không gian địa lý thu nhận từ nhiều nguồn khác nhau theo thời gian thực phục vụ thành lập bản đồ 3D, 4D.
Nghiên cứu để xây dựng và phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, trong đó, trọng tâm là nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến việc thu nhận, lưu trữ, cập nhật, tích hợp và chia sẻ dữ liệu không gian địa lý; xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của khối tư nhân, cộng đồng trong việc phát triển các dịch vụ liên quan đến dữ liệu không gian địa lý, tạo ra các sản phẩm đa dạng phục vụ xã hội; nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về hạ tầng dữ liệu không gian địa lý; nghiên cứu phát triển ứng dụng, khai thác hiệu quả hạ tầng dữ liệu không gian địa lý.
Để thực hiện thành công định hướng về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ trong giai đoạn đến năm 2030, bà Vũ Thị Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN, Bộ TN&MT cũng đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ TN&MT, các Sở TN&MT của các địa phương trong việc triển khai thực hiện các đề tài, dự án khoa học và công nghệ, chuyển giao các kết quả nghiên cứu cho các địa phương.
Cùng với đó, cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ trong nghiên cứu, đào tạo với các Viện nghiên cứu, các Trường đại học trong nước và quốc tế; đẩy mạnh liên kết giữa nghiên cứu, đào tạo và các cơ sở sản xuất nhằm huy động tối đa tiềm lực trong nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng các kết quả nghiên cứu. Đồng thời, tiếp tục đánh giá trình độ công nghệ; xây dựng các đề án, dự án đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học về đo đạc và bản đồ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ an ninh, quốc phòng.