Giải pháp nào cho việc cân đối cung cầu trong tiêu thụ VLXD?

“Báo động” việc đầu tư sản xuất VLXD tràn lan

Vừa qua, Bộ Xây dựng ban hành công văn 1334/BXD-VLXD gửi các địa phương về việc đầu tư phát triển vật liệu xây dựng.

Nội dung nêu rõ, căn cứ vào Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020; Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản.

Qua khảo sát tổng hợp thông tin về tình hình cung – cầu một số sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu như  xi măng, gạch ốp lát, kính xây dựng tính đến hết năm 2020 cho thấy đang xảy ra tình trạng cung vượt cầu.

Cụ thể, về xi măng đến cuối năm 2020 tổng số dây chuyền đã đầu tư 85 dây chuyền, với tổng công suất khoảng 104,04 triệu tấn xi măng/năm. Tổng sản lượng xi măng và clinker tiêu thụ khoảng 100 triệu tấn. Trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 62 triệu tấn; xuất khẩu khoảng 38 triệu tấn.

xi măng xuất khẩu
Trong lúc thị trường tiêu thụ nội địa yếu kém, lựa chọn con đường xuất khẩu xi măng là phù hợp để giải quyết bài toán cung cầu (Ảnh: Trần Giang – Báo Nhân dân).

Đối với gạch ốp lát, tính đến hết năm 2020, cả nước đã có 83 nhà máy sản xuất gạch ốp lát được đầu tư với tổng công suất khoảng 826 triệu m2/năm, tổng sản lượng sản xuất khoảng 560 triệu m2 , tổng sản lượng tiêu thụ nội địa khoảng 465 triệu m2, giá trị xuất khẩu khoảng 180 triệu USD.

Đối với kính xây dựng năm 2020, tổng công suất thiết kế các nhà máy sản xuất tương đương 355 triệu m2 quy tiêu chuẩn/năm. Sản lượng sản xuất kính xây dựng đạt khoảng 280 triệu m2. Sản lượng kính phẳng tiêu thụ khoảng 200 triệu m2, hiện tại một số đơn vị sản xuất kính đã phải tạm dừng sản xuất trên một số dây chuyền.

Trước thực trạng trên, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương cần xem xét, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án sản xuất các sản phẩm nói trên cần cân nhắc tránh việc đầu tư tràn lan, dẫn đến cung vượt cầu, gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Đặc biệt, đối với lĩnh vực xi măng, thực hiện theo Chỉ thị  số 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ, hạn chế việc đầu tư mở rộng, nâng công suất các dự án xi măng tại các thành phố lớn, khu vực tập trung dân cư, các khu vực cảnh quan, môi trường thiên nhiên cần được bảo vệ.

Đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến của cơ quan quản lý Nhà nước về vật liệu xây dựng trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 6 của Nghị định số 09/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng.

Giải pháp nào cho việc cân đối cung cầu tiêu thụ VLXD?

Trao đổi với Reatimes về việc đầu tư mới để sản xuất, PGS.TS Lê Trung Thành – Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng nhận định: “Theo Luật đầu tư, Luật quy hoạch thì các nhà đầu tư luôn có tính chủ động. Tuy nhiên, trong trường hợp công suất của các lĩnh vực đã nhiều thì sẽ gặp rủi ro. Đối với các nhà máy đầu tư lớn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế. Cần cân nhắc kỹ đến việc đầu tư mới vì hiện nay xi măng, gạch ốp lát, kính xây dựng, các mặt hàng chủ lực của vật liệu xây dựng về công suất đều đủ, thậm chí vượt công suất. Câu chuyện liên quan đến xuất khẩu là quá trình điều phối khi dư thì xuất, trong nước có nhu cầu thì lại dùng, đây là chính sách rất hợp lý. Tuy nhiên, vẫn phải lưu ý đầu ra xuất khẩu, để tránh gặp rủi ro”.

Cũng theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), thị trường tiêu thụ nội địa đã chững lại khiến cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước ngày càng căng thẳng. Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu tuy thuận lợi nhưng thiếu bền vững, hiệu quả giảm sút. Đơn cử, năm 2018, xi măng xuất khẩu đạt 31,6 triệu tấn, nhưng chỉ thu về 1,246 tỷ USD, đơn giá bình quân chưa đầy 40 USD/tấn. Năm 2020, xuất khẩu 38 triệu tấn, nhưng giá xuất khẩu thậm chí còn giảm đi, chỉ đạt 37 USD/tấn.

Để khắc phục tình trạng cung vượt cầu , TS. Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết: “Trong lúc thị trường tiêu thụ nội địa yếu kém, mà doanh nghiệp đã đầu tư lâu dài nhưng sản xuất không đạt hoặc vượt công suất thiết kế thì không hiệu quả. Để giải quyết bài toán đó phải lựa chọn con đường xuất khẩu vì sức cạnh tranh của ngành xi măng Việt Nam rất tốt, giải quyết được bài toán cung cầu hợp lý. Tuy nhiên, xuất khẩu không dễ dàng vì sự cạnh tranh thế giới rất khắc nghiệt. Doanh nghiệp Việt Nam phải thể hiện sức mạnh, chứng tỏ sức cạnh tranh qua công nghệ, quản lý và chất lượng sản phẩm, dịch vụ”.

Tìm hiểu được biết, hiện nay, Trung Quốc và Philippines là thị trường tiêu thụ chính của ngành xi măng Việt Nam, nhưng sẽ rất rủi ro nếu quá phụ thuộc vào 2 thị trường này, bởi khi họ điều chỉnh sản lượng nhập khẩu, các doanh nghiệp xi măng trong nước sẽ trở tay không kịp.

TS. Nguyễn Quang Cung cho rằng: “Vấn đề logistics, cảng, đường vận chuyển, phương tiện vận tải của Việt Nam chi phí rất cao trong tiêu thụ nói chung và trong xuất khẩu nói riêng. Do vậy cần có cơ chế linh hoạt để giảm áp lực, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp”.

“Khó khăn là vậy nhưng việc xuất khẩu vẫn diễn ra, đối với Trung Quốc là một thị trường lớn, có ảnh hưởng lớn vì vậy doanh nghiệp Việt Nam phải hết sức tỉnh táo, nghiên cứu kỹ những biến động và tạo lập khả năng bền vững”, Chủ tịch VNCA lưu ý…

TS. Nguyễn Quang Cung cũng đưa ra nhận định, trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ về bất động sản thì tiêu thụ xi măng của Việt Nam thấp hơn rất nhiều nước, những năm tới khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu về xi măng sẽ rất lớn vì phục vụ xây dựng về đường xá, hạ tầng. Việc chủ động đầu tư trước dây chuyền, nhà máy sẽ tránh rơi vào bức tranh thiếu xi măng trầm trọng, tránh việc xi măng thế giới tràn vào Việt Nam xảy ra “sốt” giá xi măng.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích