Thị trường đất nền tạo “sóng”, hút dòng tiền
(TN&MT) – Báo cáo thị trường bất động sản (BĐS) quý 1/2022 của Bộ Xây dựng cho thấy, giao dịch trên thị trường có sự sụt giảm ở phân khúc căn hộ so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, phân khúc đất nền lại hấp lực mạnh dòng vốn đầu tư.
Căn hộ giá rẻ biến mất
Điểm đáng chú ý nhất trong báo cáo của Bộ Xây dựng về thị trường BĐS đó là phân khúc đất nền đang tăng cao so với thu nhập của người dân. Trong khi, tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, hầu như không còn căn hộ chung cư dưới 25 triệu đồng/m2, căn hộ mức giá này chỉ có tại một số ít các dự án tại khu vực xa trung tâm.
Tại Hà Nội, có thể kể đến dự án Anland Premium Dương Nội, Hà Nội giá 30 triệu đồng/m2, One 18 Ngọc Lâm giá 26 triệu đồng/m2, Eurowindow River Park giá khoảng 25 triệu đồng/m2. Tại TP.HCM, thị trường tương đối hiếm dự án có giá dưới 30 triệu đồng/m2. Tại Đà Nẵng có sự xuất hiện của dự án The Ori Garden (Quận Liên Chiểu) giá khoảng 21 triệu đồng/m2.
Giá căn hộ tại các địa phương đều có xu hướng tăng, tỷ lệ tăng bình quân khoảng 3% so với 2021. Trong khi đó, nguồn cung về nhà ở thương mại trong quý I vẫn chưa được cải thiện. Số lượng dự án được cấp phép mới chỉ bằng khoảng 41%, số căn hộ của các dự án bằng khoảng 49% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Xuân Dũng – Cục trưởng Cục quản lý Nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, thị trường BĐS đang thiếu nguồn cung ở các phân khúc. Số lượng dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội được cấp phép xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng đều hạn chế, có xu hướng giảm.
Nguyên nhân khiến giá nhà đất tăng cao là do các sàn giao dịch BĐS câu kết với nhau “ôm hàng”, “làm giá”, “tạo sóng”, “ thổi giá”, gây “sốt ảo” ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường BĐS”. Ngoài ra, việc tách thửa, phân lô bán nền tại một số địa phương chưa theo quy định của pháp luật, tạo cơ hội cho hành vi đầu cơ, đẩy giá BĐS lên cao nhằm trục lợi.
Đất nền tạo sức hút
Qua tổng hợp của nhiều địa phương, Bộ Xây dựng cho biết, phân khúc đất nền đang chiếm ưu thế trên thị trường, tạo được sức hút mạnh dòng vốn đầu tư. Lượng giao dịch đất nền trong quý đạt 153.537 giao dịch thành công. Tổng lượng giao dịch bằng khoảng 242% so với quý 4/2021, cụ thể, tại miền Bắc có 20.726 giao dịch; tại miền Trung có 42.722 giao dịch; tại miền Nam có 90.089 giao dịch.
Giá đất nền có biên độ tăng cao hơn so với căn hộ chung cư, bình quân tăng khoảng 5-10% so với quý trước. Tại Hà Nội, các khu vực Vành đai 4 đi qua huyện Hoài Đức gần Cụm công nghiệp Dương Liễu, cầu vượt Song Phương giá khoảng hơn 100 triệu đồng/m2; khu vực gần dự án Vinhomes Wonder Park Đan Phượng giá khoảng 150 triệu đồng/m2; Khu vực đầu cầu Nhật Tân phía Đông Anh, giá khoảng hơn 200 triệu đồng/m2 với những lô đẹp mặt đường lớn.
Tại TP.HCM, đất nền tại Thủ Thiêm Villa (Quận 2) có giá khoảng 125,3 triệu đồng/m2, The EverRich III (Quận 7) có giá khoảng 117,5 triệu đồng/m2, Đông Tăng Long (Quận 7) có giá khoảng 64,4 triệu đồng/m2, Hoàng Anh Minh Tuấn (Quận 9) có giá khoảng 91,5 triệu đồng/m2, Kim Sơn (Quận 7) giá khoảng 136,5 triệu đồng/m2, KDC Kiến Á (Quận 9) giá khoảng 70,1 triệu đồng/m2…
Ông Vũ Kim Giang – Tổng Giám đốc sàn giao dịch BĐS Hải Phát Land đánh giá, đất nền luôn là kênh đầu tư vua, an toàn, thanh khoản nhanh. Tuy nhiên, muốn đầu tư vào đâu tốt nhất phải am hiểu về pháp luật, pháp lý dự án. Bởi, những dự án đang lên những cơn sốt nóng là thị trường của người bán không phải nơi để mua hàng.
“Đầu tư đất nền năm 2022, nhà đầu tư cần phải cảnh giác với những câu chuyện đã từng xảy ra trên thị trường như vụ Alibaba, các dự án bán đất nông nghịệp “trái luật”. Do vậy, nhà đầu tư cần lựa chọn kỹ các chủ đầu tư có uy tín, các dự án đầy đủ thủ tục pháp lý đừng lựa chọn những thị trường đã quá nóng sốt, giá đã “đẩy” lên quá cao rồi thì khó “thoát hàng”, nhiều khi phải cắt lỗ mới thoát hàng được”, ông Giang phân tích thêm
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Cường – Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội cho biết, thị trường BĐS tăng mạnh đẩy lạm phát, đẩy chi phí lên một mặt bằng mới. Điều này không tốt cho thị trường và các nhà đầu tư. Năm 2022, thị trường BĐS sẽ có biến động mạnh, sẽ phân hóa rất lớn, không phải đầu tư vào BĐS nào cũng thắng. Những dự án BĐS được quy hoạch đồng bộ sẽ lên ngôi, những dự án nhỏ lẻ, tự phát sẽ đi xuống.
“BĐS vẫn là kênh đầu tư được ưa chuộng trong năm 2022. Tuy nhiên, lựa chọn phân khúc nào, khu vực nào là tuỳ thuộc vào “khẩu vị” của mỗi nhà đầu tư. Tiềm năng và sự phục hồi của các phân khúc sau đại dịch cũng sẽ không đồng đều. Chẳng hạn, bất động sản nhà ở vừa túi tiền, BĐS công nghiệp sẽ nhanh hơn nếu so với BĐS du lịch nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, dù chọn đầu tư phân khúc gì nhà đầu tư cần cân nhắc các yếu tố như tính kết nối về hạ tầng giao thông; bám sát các dự án lớn; tiềm năng phát triển kinh tế” – ông Cường nhấn mạnh.