Thị trường bất động sản phía Nam: Giao dịch ảm đạm, giá vẫn tăng

(TN&MT) – Theo các đơn vị khảo sát bất động sản (BĐS), từ cuối năm 2021 đến nay, thị trường đã và đang diễn ra một cách nghịch lý, đó là lượng giao dịch về nhà ở, căn hộ và đất nền đều giảm nhưng giá bán lại tăng, tính thanh khoản thấp.

Giá vẫn tăng cao

Theo ghi nhận của các chuyên gia BĐS, thị trường BĐS TP.HCM và các tỉnh lân cận hiện đang tiếp tục tăng, một số địa phương có tình trạng “sốt đất ảo”, giá rao bán được “thổi” lên đã khiến thị trường BĐS rơi vào tình thế người có nhu cầu mua thực không mua được, người bán hét với giá trên trời. Về căn hộ, các dự án chung cư có giá bán tối thiểu từ 30 triệu đồng/m2 trở lên, hướng đến nhóm khách hàng trung và cao cấp, nguồn cung sản phẩm ngày càng thiếu hụt đã đẩy giá bán căn hộ tăng cao.

Ông Huy Phong – phụ trách một sàn BĐS tại TP.HCM cho biết, giá nhà phố hiện đã lên đỉnh khiến giao dịch không nhiều. Chẳng hạn, năm 2020, với số tiền 25 tỷ đồng, người mua có thể sở hữu 1 căn nhà mặt phố khoảng 100m2 trên các tuyến đường khu trung tâm quận 1, quận 3. Song, cũng ở vị trí đó hiện nay, chủ nhà rao bán với giá lên 40 tỷ đồng/căn. Giá đã tăng cao nhưng giao dịch rất chậm. Nguyên nhân do nguồn cung sản phẩm mới không có nhiều, chủ yếu khách hàng mua đi rồi bán lại.

gia-nha-dat-van-tang.jpg

Nguồn cung sản phẩm ngày càng thiếu hụt đã đẩy giá bán nhà đất tăng cao.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định, hiện tại, giá đất đã cao hơn giá trị thực nên không phù hợp với quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh và quy luật cung cầu, dẫn đến việc không phù hợp với thực tế của thị trường BĐS. Điều này dễ dẫn đến “bội thực” cho nhà đầu tư, người tiêu dùng và có thể là con dao hai lưỡi cho chính bản thân các chủ đầu tư vì giá bán quá cao trong khi thị trường không hấp thụ được dẫn đến lượng hàng tồn kho sản phẩm ngày một tăng.

Cần được điều chỉnh

Theo báo cáo của JLL Việt Nam, nguồn cung mới căn hộ trong quý I/2022 chỉ đạt 1.518 căn hộ, giảm 76,6% so với quý trước. Nhu cầu dịch chuyển tương đồng với nguồn cung mới, trong đó tổng lượng bán trong quý I/2022 đạt 1.507 căn, giảm 74,1% so với quý trước. Thị trường BĐS ghi nhận phân hóa nhu cầu giữa nhóm khách mua đầu tư và khách mua để ở do động thái siết tín dụng cho vay BĐS của Ngân hàng Nhà nước. Tuy vậy, hiện có các chương trình ưu đãi hấp dẫn của chủ đầu tư dự án vẫn thu hút sự chú ý của nhóm khách đầu tư BĐS dài hạn từ vốn nhàn rỗi.

Theo ông Nguyễn Hoàng – Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển DKRA Vietnam, quỹ đất tại TP.HCM ngày một hạn hẹp, trong khi nhu cầu đầu tư đất nền và nhà ở gắn liền với đất của người dân ngày càng tăng mạnh khiến cho giá nhà đất tăng cao. Thị trường liên tục phát sinh giao dịch với giá tăng cao, việc điều chỉnh về mức giá cân bằng sẽ mất nhiều thời gian dài. Song, sau những “cơn sốt” đất vừa qua, người mua nhận thức tốt trước khi xuống tiền đặt chỗ, lướt sóng, tránh rủi ro.

“Hiện tại, chính quyền các địa phương ngày càng minh bạch, công khai thông tin về tình trạng nhà đất giúp người mua né việc “cò” lợi dụng quy hoạch “thổi” giá đất. Trong năm 2022, theo xu hướng, thị trường sẽ tự điều hòa và điều chỉnh giá BĐS, giá bán khó đột biến. Khách hàng cần tránh chạy theo tâm lý đầu tư đám đông, mà nên chọn các chủ đầu tư dự án có uy tín để hạn chế rủi ro”.

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển DKRA Vietnam.

Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, thị trường nhà ở vẫn chịu áp lực tăng giá vì nguồn cung thấp, giá đất tăng. Nguồn cung đất nền phần lớn không nằm ở các dự án được phê duyệt quy hoạch mà chủ yếu ở các dự án đấu giá của địa phương và dự án tự phát của nhà đầu tư nhỏ lẻ. Do đó, những người có nhu cầu mua ở thực nên tìm kiếm những khu đất có giá cả hợp lý, chủ đầu tư uy tín, dự án đáp ứng được tiêu chí về giá cả, pháp lý thì sẽ có thanh khoản tốt.

Bạn cũng có thể thích