Quy định của pháp luật có liên quan đến quy hoạch còn bất cập
(Xây dựng) – Chiều 25/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe trình bày báo cáo và cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”.
Trình bày báo cáo kết quả giám sát chuyên đề, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Phó trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát nêu rõ: Đến nay, công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đã được triển khai tích cực.
Trong tổng số 111 quy hoạch được lập theo quy định của Luật Quy hoạch có 108/111 quy hoạch đã được phê duyệt nhiệm vụ (40/42 quy hoạch cấp quốc gia, 6/6 quy hoạch vùng, 62/63 quy hoạch tỉnh); 07/111 quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt.
Kinh phí lập quy hoạch đã được quan tâm bố trí. Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch đã được đưa vào vận hành…
Bên cạnh những thành quả, Đoàn giám sát cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế. Theo đó, còn tồn tại cách hiểu khác nhau, chưa thống nhất ở các cấp, các ngành về một số nội dung trong Luật Quy hoạch như nội hàm quy hoạch tổng thể quốc gia; Khái niệm “tích hợp quy hoạch”; Việc lập đồng thời các quy hoạch gặp khó khăn; Quy định về kinh phí trong hoạt động quy hoạch chưa phù hợp; Việc ban hành văn bản hướng dẫn Luật Quy hoạch rất chậm và còn bất cập; Quy định của pháp luật có liên quan đến quy hoạch còn bất cập, chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ…
Lực lượng tư vấn lập quy hoạch còn hạn chế về số lượng, khó lựa chọn được tư vấn có đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm. Một đơn vị tư vấn tham gia lập đồng thời nhiều quy hoạch có thể dẫn đến không bảo đảm chất lượng. Việc lựa chọn tư vấn còn gặp khó khăn do thủ tục đấu thầu phức tạp…
Đoàn giám sát cũng chỉ rõ các bất cập trong quá trình thực thi liên quan đến quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện…
Trên cơ sở chỉ rõ những nguyên nhân của bất cập, khó khăn, hạn chế, phân định rõ nhóm nguyên nhân khách quan và nhóm nguyên nhân chủ quan… và nêu trách nhiệm của các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Trong đó, có các giải pháp cần thiết phải triển khai ngay để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 như cho phép Chính phủ thực hiện các giải pháp thúc đẩy công tác lập quy hoạch cho đến khi Luật Quy hoạch được sửa đổi; nghiên cứu, sửa đổi các văn bản pháp luật về công tác quy hoạch còn mâu thuẫn, chồng chéo để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc; Chính phủ chỉ đạo khẩn trương hoàn thành lập, phê duyệt hoặc quyết định các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia.
Đoàn giám sát đồng thời đề xuất các giải pháp trong dài hạn như tổng kết toàn diện tình hình triển khai thực hiện và rà soát các quy định pháp luật hiện hành có liên quan đến công tác quy hoạch bảo đảm đồng bộ thống nhất với Luật Quy hoạch sau khi đã được sửa đổi, bổ sung…
Sau khi nghe trình bày báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành thảo luận cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát.
Nguồn: Báo xây dựng