NSND Tự Long và những nghệ sĩ từng làm phụ hồ mưu sinh

Trước khi trở thành những nghệ sĩ có tên tuổi, NSND Tự Long, ca sĩ Châu Khải Phong, Đạt G đều vất vả mưu sinh với nghề phụ hồ.

NSND Tự Long

NSND Tự Long tên đầy đủ là Vũ Tự Long. Anh là nghệ sĩ hài, nghệ sĩ chèo, diễn viên điện ảnh. NSND Tự Long định vị tên tuổi qua các chương trình Gặp nhau cuối tuần, Táo Quân. Mùa Táo Quân 2022, anh mang đến hình ảnh “Táo Mạng” đầy duyên dáng, triết lý sâu sắc.

Tự Long được bổ nhiệm Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội từ năm 2014. Anh là nghệ sĩ mặc áo lính trẻ nhất được phong tặng danh hiệu NSND.

Anh nhận danh hiệu khi mới bước sang tuổi 43. Ngày anh nhận danh hiệu NSND cũng đúng ngày bố anh – nghệ sĩ Vũ Tự Lẫm nhận danh hiệu NSƯT.

nsnd tu long va nhung nghe si tung lam phu ho muu sinh
NSND Tự Long và bức ảnh hiếm hoi chụp cùng bố được anh chia sẻ trên trang cá nhân (Ảnh: Facebook nhân vật).

Bất ngờ là ban đầu Tự Long chưa xác định theo đuổi con đường nghệ thuật. Năm 1991, sau khi tốt nghiệp THPT, Tự Long học Trung cấp Xây dựng. Khi đó, anh cho rằng, chỉ có xuất khẩu lao động mới có thể thay đổi cuộc đời.

Nhiều người chỉ biết đến Tự Long như một nghệ sĩ hài. Ít ai biết, trước đây, anh từng làm nhiều nghề để kiếm sống. Anh đi làm lơ xe, phụ hồ xách vữa cho các công trình trên xã, học nghề mộc, làm chân chạy xe ôm trước khi thi vào khoa Chèo – trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội.

nsnd tu long va nhung nghe si tung lam phu ho muu sinh
NSND Tự Long với hình ảnh “Táo Mạng” trong Táo Quân 2022 (Ảnh: VFC).

Năm 1998, sau khi tốt nghiệp đại học, anh được tuyển về Nhà hát Chèo Việt Nam. Năm 1999, Tự Long về đầu quân tại đoàn Chèo Tổng cục Hậu cần của Quân đội.

Có lẽ chính quá trình lao động mưu sinh vất vả trước đây đã giúp NSND Tự Long có thêm nhiều chất liệu, vốn sống, năng lượng tích cực cho những vai diễn của anh sau này. Cách diễn của anh cũng tự nhiên, gần gũi với người lao động, nói lên tiếng nói, tâm tư tình cảm của mọi người.

Ca sĩ Châu Khải Phong

Châu Khải Phong tên thật là Lê Minh Thuận. Anh nổi tiếng với các bản hit: “Ngắm hoa lệ rơi”, “Không trọn vẹn nữa”… Sáng tác Ngắm hoa lệ rơi” của Duy Cường được Châu Khải Phong ra mắt vào tháng 3/2017, sau đó được nhiều nghệ sĩ như Ưng Hoàng Phúc, Hoa Vinh,… cover (thuật ngữ dùng để nói về một sản phẩm âm nhạc, bài hát được làm lại hoặc hát lại).

Châu Khải Phong sinh ra trong gia đình bố mẹ làm nông dân và có 3 người con. Khác xa vẻ sôi nổi, nam tính trên sân khấu, ngoài đời Châu Khải Phong khá hiền lành. Anh kể, tính tình và cách sống của anh bắt nguồn từ những bài học thời trẻ.

Thuở mới lớn, nhận thức được kinh tế gia đình không khá giả khiến anh gặp áp lực so với bạn bè cùng trang lứa. Từ đó, anh luôn nung nấu ý định phải làm gì để thoát nghèo, giúp gia đình và các em có cuộc sống đủ đầy hơn. Và rồi anh bắt đầu đi làm phụ hồ.

nsnd tu long va nhung nghe si tung lam phu ho muu sinh
Ca sĩ Châu Khải Phong từng vất vả với nhiều công việc lao động chân tay (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

“Thật ra lúc đó tôi nghĩ đơn giản thôi. Mỗi ngày kiếm khoảng 150 nghìn đồng từ công việc này. Hàng tháng đi làm về giao cho mẹ để nuôi các em học hành là được. Nhưng rồi mọi thứ không như tôi nghĩ.

Cô em gái kế cận thấy Phong cực quá và bản thân bố mẹ không giàu có, em tạm gác giấc mơ dù vừa đỗ đại học. Lúc ấy em bảo, thấy Phong có công việc cực nhọc như thế, em không đành lòng nên quyết định nghỉ học đi làm thêm. Chính ngày đó giúp Phong hiểu rằng, mình phải thành công. Hiện tại, em gái Phong đã có cơ hội học xong đại học và làm giáo viên” – anh từng chia sẻ với PV Dân trí.

Ngoài công việc phụ hồ, anh từng nhận bưng bê ở quán và nhiều công việc khác. Thế nhưng trong anh, ước mơ làm ca sĩ từ thuở nhỏ không bao giờ nguôi. Ở làng quê, Phong được coi là anh chàng thư sinh, dễ nhìn. Chính vì vậy, Phong lân la đến phòng trà các tỉnh để xin hát. Cát-sê chỉ ba cọc ba đồng nhưng vì quá đam mê, anh chấp nhận theo đuổi đến cùng.

Trong lần đi hát ở Thái Nguyên, Châu Khải Phong gặp hai người anh em tốt. Khi nghe Phong kể câu chuyện đời, chuyện về những đam mê… họ thấy gần gũi và kết nghĩa anh em. Đặc biệt, hai người này động viên và cùng Phong vào TPHCM để tìm người thực hiện album đầu tiên.

Ca sĩ Đạt G

Đạt G được coi là một ca sĩ underground. Anh được nhiều khán giả trẻ biết đến sau bản hit “Bánh mì không”. Đạt G còn nổi tiếng với những ca khúc “Buồn của anh”, “Đừng quên tên anh”,…

nsnd tu long va nhung nghe si tung lam phu ho muu sinh
Đạt G cũng từng đi làm phụ hồ (Ảnh: Giải mã tri kỷ).

Trong chương trình Giải mã tri kỷ, nam ca sĩ từng tiết lộ rằng, trước khi bén duyên với âm nhạc, anh đi bán vé số, phụ hồ và nhiều công việc lao động chân tay khác. Mặc dù không được đào tạo một cách bài bản như nhiều ca sĩ nhưng đam mê của anh chưa bao giờ bị dập tắt. Sáng đi làm, chiều về anh vẫn viết nhạc.

Thậm chí, những năm tháng khó khăn đó vô tình trở thành nguồn cảm hứng sáng tác, giúp Đạt G bén duyên với âm nhạc. “Có những buổi chiều Đạt chạy xe giao hàng, bất chợt nghĩ ra những câu hát và giai điệu rất hay, nó lại vần và thế là Đạt viết vào cuốn sổ”, nam ca sĩ xúc động nhớ lại.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích