Bài 22: Dự án nghìn tỷ thành bãi chăn thả trâu bò tại Thái Nguyên?
(Xây dựng) – Được khởi công cách đây gần 10 năm, đến nay, Dự án Bệnh viện Đa khoa Phúc Thái tại phường Cải Đan, thành phố Sông Công (Thái Nguyên) vẫn chỉ là bãi đất hoang rộng hàng nghìn m2, để người dân đổ thải và chăn thả trâu bò gây nhiều bức xúc trong dư luận.
Dự án Bệnh viện Đa khoa Phúc Thái bỏ hoang ở vị trí đất “vàng” của thành phố Sông Công, Thái Nguyên. |
Từ kỳ vọng… đến thất vọng
Dự án Bệnh viện Đa khoa Phúc Thái chính thức được khởi công xây dựng ngày 19/3/2013 tại thị xã Sông Công (nay là thành phố Sông Công), tỉnh Thái Nguyên do Công ty Cổ phần Công nghiệp thương mại và dịch vụ y tế Phúc Thái có trụ sở tại phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội làm chủ đầu tư.
Theo đó, dự án được UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận đầu tư là bệnh viện đa khoa loại II với quy mô 600 giường bệnh và khu điều trị phục hồi chức năng được xây dựng trên diện tích hơn 27.000m2 với tổng kinh phí triển khai là trên 2.000 tỷ đồng. Dự án chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 có quy mô 400 giường bệnh với 14 khoa và 4 phòng chức năng; Giai đoạn 2 là 200 giường bệnh còn lại.
Công trình gồm các hạng mục như: 1 nhà điều hành 5 tầng, một khu trung tâm 15 tầng, đường giao thông nội bộ, bãi đỗ xe, cây xanh và san vườn… Được xây dựng đồng bộ với một nhà khám chính, nhà hành chính, nhà điều dưỡng, nhà truyền nhiễm, nhà tang lễ – khoa giải phẫu và các công trình phụ trợ khác.
Theo tính toán, bệnh viện hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ có 315 cán bộ chuyên môn, kỹ thuật và cán bộ quản lý vào làm việc. Mục tiêu của bệnh viện là sẽ có đủ các chuyên khoa; trong đó, tập trung vào cấp cứu và điều trị các bệnh về tim mạch, tiêu hóa, các chuyên khoa và ngoại vi phẫu. Bệnh viện 100% từ vốn trong nước.
Dự kiến đến hết quý II/2013, dự án sẽ hoàn thành giai đoạn I, giai đoạn II tiếp tục được thực hiện vào cuối năm 2015, đầu năm 2016.
Khung nhà 5 tầng hoang tàn, rêu phong, cỏ mọc um tùm. |
Bệnh viện được kỳ vọng sẽ đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân; góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng để thị xã Sông Công nâng cấp đô thị lên thành phố; cung cấp các dịch vụ y tế với các kỹ thuật chuyên khoa, chuyên ngành. Đồng thời, đây cũng là nơi hợp tác, trao đổi, nghiên cứu khoa học về y học.
Dự án để hoang đến bao giờ?
Để đảm bảo mặt bằng cho nhà đầu tư, thành phố Sông Công đã vào cuộc quyết liệt, vận động người dân phường Cải Đan đồng thuận, giao đất để đảm bảo tiến độ dự án. Lãnh đạo thị xã Sông Công lúc đó cũng khẳng định, đây là chủ trương của thị xã về thu hút đầu tư nói chung và xã hội hóa các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục là một trong những ưu tiên để phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.
Đặc biệt, đây là dự án trong lĩnh vực y tế nên chỉ trong một thời gian ngắn, người dân đã đồng thuận, hàng chục nghìn m2 đất trồng lúa của người dân tại vị trí đất “vàng” tiếp giáp với Quốc lộ 3 cũ Hà Nội – Thái Nguyên, hàng trăm mét đất mặt tiền đã sớm được bàn giao cho nhà đầu tư thi công.
Kỳ vọng bao nhiêu thất vọng bấy nhiêu khi dự án khởi công xong khung nhà 5 tầng rồi “đắp chiếu” gần 10 năm và trở thành bãi đất hoang rộng lớn. Người dân chăn thả trâu bò, đổ thải, trong đó có cả chất thải có dấu hiệu nguy hại.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, đồng chí Lưu Văn Thắng – Chủ tịch UBND phường Cải Đan cho biết: Cử tri phường rất bức xúc và nhiều lần phản ánh về dự án này. Nguyên nhân là do người dân mất đất trồng lúa, dự án lại không hiệu quả, xây được mỗi khung nhà rồi bỏ hoang nhiều năm nay, thậm chí còn làm ảnh hưởng tới môi trường, mỹ quan cũng như phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Phường cũng nhiều lần đề xuất cấp trên thu hồi, giao đất cho dự án khác nếu dự án không tiếp tục thực hiện, nhưng chưa thấy được xử lý dứt điểm.
Dự án thành nơi chăn thả trâu bò và đổ thải của người dân. |
Đồng chí Vũ Duy Nghĩa – Chủ tịch UBND thành phố Sông Công cũng cho biết: “Sự lãng phí về đất đai và hậu quả do các dự án chậm tiến độ này gây ra rất rõ ràng, trong khi quỹ đất của thành phố có hạn, nhiều nhà đầu tư muốn đầu tư tại địa phương nhưng chưa bố trí được quỹ đất. Địa phương cũng đã có ý kiến với tỉnh và đề nghị nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ nếu tỉnh tiếp tục gia hạn cho dự án, nếu không thì đề nghị thu hồi để giao cho dự án khác vì đó là các vị trí đất “vàng” của thành phố Sông Công”.
Cần xem xét tính pháp lý của dự án
Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên đã kiến nghị UBND tỉnh Thái Nguyên thực hiện thu hồi 25 dự án. Nguyên nhân được Sở này nêu ra là do chậm tiến độ nhiều năm, chưa có hoặc chưa hoàn thiện các thủ tục về xây dựng, đất đai, môi trường, nhà đầu tư không tích cực trong phối hợp bồi thường giải phóng mặt bằng, thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư và đầu tư…
Trong danh sách các dự án bị kiến nghị thu hồi có nhiều dự án chậm tiến độ kéo dài như: Dự án Nhà máy cơ khí đúc Hoàng Long tại Cụm công nghiệp Cao Ngạn, của Công ty Cổ phần Tư vấn và Sản xuất công nghiệp Hoàng Long với tổng vốn đầu 23,5 tỷ đồng, được Sở Công Thương Thái Nguyên cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 5/2011; Dự án Khu đô thị Royal Eco City của Công ty Cổ phần Du lịch thương mại và đầu tư Bắc Thăng Long tại phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên với tổng đăng ký đầu tư 388 tỷ đồng, chậm tiến độ hơn 11 năm kể từ ngày được cấp chứng nhận đầu tư.
Dự án Nhà máy luyện gang Anh Thắng tại xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ do Công ty TNHH MTV Khoáng sản và Bất động sản Anh Thắng làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 140 tỷ đồng, được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào tháng 2/2008 nhưng đến thời điểm kiểm tra đã chậm tiến độ 11 năm, vi phạm quy định của Luật Đầu tư 2020…
UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành quyết định thu hồi, hủy bỏ hiệu lực chủ trương đầu tư, chấm dứt hoạt động dự án với 23 dự án chậm tiến độ kéo dài, nhà đầu tư chưa thực hiện hoặc chưa hoàn tất các thủ tục về xây dựng, đất đai, môi trường, tài chính, thuế… có liên quan đến dự án, nhà đầu tư không có nhu cầu và không có khả năng tiếp tục thực hiện dự án.
Dự án nghìn tỷ chưa biết đến bao giờ mới được xây dựng tiếp. |
Tuy nhiên, trong các dự án đề nghị thu hồi và bị thu hồi không thấy nhắc đến Dự án Bệnh viện Đa khoa Phúc Thái khi dự án này đã chậm tiến độ đến 10 năm. Việc chậm tiến độ, gây lãng phí hàng nghìn m2 đất “vàng” này là rào cản lớn cho mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội cũng như ảnh hưởng tới niềm tin của người dân với Đảng và Nhà nước không những riêng thành phố Sông Công mà còn của cả tỉnh Thái Nguyên, cần sớm được xem xét và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Nguồn: Báo xây dựng