‘Báo động đỏ’ thiếu hụt lao động sau dịch (kỳ 1): Doanh nghiệp ngấm ‘đòn’ dịch bệnh
Mặc dù dịch Covid-19 đã xuất hiện từ cuối năm 2019, thế nhưng sự bùng phát trở lại mạnh mẽ từ đầu năm 2021 cùng với những biến chủng của vi rút này khiến cả hệ thống từ chính quyền đến doanh nghiệp, người lao động trở tay không kịp.
Đối mặt những đợt dịch liên tiếp
Lần bùng dịch vào tháng 5/2021 là lần thứ 4, sự quay trở lại của vi rút Covid-19 lần này khốc liệt hơn khi mang theo nhiều biến chủng nguy hiểm. Chiến dịch truy vết, khoanh vùng giúp khống chế được dịch, nhưng đi kèm đó cũng là những tác động khiến nhiều ngành nghề kiệt sức, hàng loạt doanh nghiệp phá sản và công nhân mất việc phải hồi hương.
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch cũng vừa duy trì sản xuất, các đô thị công nghiệp ở phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh,… đã áp dụng biện pháp “3 tại chỗ”, “1 cung đường – 2 địa điểm”. Mặc dù chính quyền các địa phương đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ và doanh nghiệp cũng tích cực để đảm bảo sản xuất, vừa khống chế dịch nhưng tác động nặng nề là không tránh khỏi.
Theo số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2021, có 70.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, trung bình mỗi tháng có 11.700 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Phần lớn các doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh và đã giải thể là những doanh nghiệp mới thành lập dưới 5 năm, quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Đây đều là các doanh nghiệp liên tiếp chịu tác động từ những đợt bùng phát dịch bệnh trong thời gian qua. Trong khi các doanh nghiệp tuyên bố giải thể, tình trạng thiếu việc làm trong 6 tháng đầu năm 2021, đặc biệt là ở quý 2/2021 cũng tăng khá cao.
Thành phố Hồ Chí Minh cùng các tỉnh phía Nam đang trải qua giai đoạn cao điểm của dịch bệnh. |
Theo báo cáo của Cục Việc làm – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong quý 2/2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,…
Đáng chú ý, sự bùng phát nhanh, mạnh, khó kiểm soát hơn của dịch Covid-19 lần này đã làm tỷ lệ thiếu việc làm, thất nghiệp của lao động ở khu vực thành thị tăng cao hơn so với khu vực nông thôn. Có 21,9% lao động khu vực thành thị bị ảnh hưởng xấu, trong khi đó con số này ở nông thôn là 14,3%. Xu hướng này khác biệt với xu hướng thường thấy qua các năm trước, với tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn thường cao hơn so với khu vực thành thị.
Tính riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2021, Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực thực hiện khảo sát 4.140 doanh nghiệp, với tổng số 332.301 người lao động. Kết quả, 125.277 người lao động bị mất việc, tạm nghỉ, giãn việc,…
Thông tin từ Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến hết 31/5/2021, số lao động báo không tham gia bảo hiểm xã hội do nghỉ việc là 143.000 người (không tính số người nghỉ không lương hoặc không tham gia bảo hiểm xã hội).
Ngoài ra, theo các đợt thống kê hỗ trợ từ Sở Lao động – thương binh và xã hội thành phố Hồ Chí Minh, đến nay thành phố có gần 590.000 người lao động, lao động tự do, hộ kinh doanh trong diện hỗ trợ vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Số lượng lao động thất nghiệp trong Quý 2/2021 cao hơn vì sự bùng dịch mạnh mẽ hơn. |
Bình Dương hiện có 50.000 doanh nghiệp với hơn 1,2 triệu lao động đến từ hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Do ảnh hưởng của dịch, số lượng lao động thất nghiệp đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong quý 2/2021 là 28.364 người, tăng 15.938 người so với quý 1/2021. Lượng lao động thất nghiệp có sự gia tăng do đây là thời điểm lao động chuyển đổi công việc nhưng gặp phải tình hình dịch bệnh bùng phát trở lại, các doanh nghiệp tạm thời giảm số lượng tuyển dụng, lao động gặp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm việc làm.
Ông Trần Triệu Vỹ, Giám đốc Công ty LSS cho biết, doanh nghiệp ông có khối thiết kế, thi công ở thành phố Hồ Chí Minh và nhà xưởng sản xuất đồ nhựa tại Bình Dương. Cả hai địa điểm này đều đang có nguy cơ thiếu hụt nhân sự trầm trọng khi dịch bệnh căng thẳng như thời gian qua.
“Chúng tôi vừa đang chống chọi với khó khăn từ dịch bệnh mang lại trong công việc kinh doanh sản xuất, vừa phải gồng gánh với bài toán giữ chân nhân sự cả trong và sau dịch. Người lao động, đặc biệt là ở khối lao động phổ thông, họ là thành phần nhạy cảm nhất trong ảnh hưởng dịch bệnh chung hiện nay khi đối mặt với chi phí sinh hoạt và điều kiện sống ở đô thị trong dịch bệnh gia tăng. Dù các phương án về nhân sự cũng đã được tính tới nhưng đúng là chúng tôi cũng trở tay không kịp, đáng nói là sau dịch doanh nghiệp đang căng đầu vì câu chuyện nhân sự”, ông Vỹ nói.
Nỗ lực dập dịch của Chính phủ và chính quyền thành phố Hồ Chí Minh rất quyết liệt, Chính phủ cũng đã chỉ đạo Thành phố phấn đấu đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới sau 15/9. Và đây cũng là một mốc quan trọng để doanh nghiệp dự liệu bài toán kinh doanh và nhân sự.
Doanh nghiệp kiệt sức trong “3 tại chỗ”
Trong lúc dịch bệnh lan rộng ngoài cộng đồng, để duy trì hoạt động, nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh phía Nam đã chọn mô hình “3 tại chỗ” gồm sản xuất tại chỗ – ăn tại chỗ – nghỉ ngơi tại chỗ; hoặc “1 cung đường – 2 địa điểm”, chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân).
Theo báo cáo của thành phố Hồ Chí Minh, tại 17 khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố Hồ Chí Minh đã có 589 doanh nghiệp với 56.000 lao động ký hoạt động theo phương châm “3 tại chỗ”.
Tại tỉnh công nghiệp Bình Dương, có 3.900 doanh nghiệp với hơn 400.000 lao động đăng ký và đủ điều kiện thực hiện các phương án trên để sản xuất.
Tại Đồng Nai, có 1.156 doanh nghiệp với 136.700 người lao động trong 32 khu công nghiệp đăng ký hoạt động “3 tại chỗ”, chiếm hơn 70% số doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp.
Dù nỗ lực nhưng thực tế thời gian qua đã xuất hiện các ca bệnh trong các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” khiến việc duy trì hoạt động, sản xuất của doanh nghiệp gặp khó khăn.
Người lao động ở lại trong các công ty để thực hiện “3 tại chỗ”. |
Điển hình, Công ty cổ phần kỹ nghệ gỗ Long Việt (phường Tân Đông Hiệp, thành phố Dĩ An, Bình Dương) có tổng hơn 800 công nhân thực hiện “3 tại chỗ”. Thế nhưng mới chỉ được 10 ngày, công ty này test nhanh, sau đó xét nghiệm PCR, kết quả phát hiện 248 ca F0 và 40 F1. Công ty Timberland (phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên) có hơn 1.300 người ở lại công ty sản xuất “3 tại chỗ” nhưng tới ngày 27/7 đã phát hiện 233 ca F0.
Không chỉ là vấn đề dịch bệnh, áp lực tài chính khi thực hiện các giải pháp sản xuất trong bối cảnh hiện nay đã khiến không ít chủ doanh nghiệp cảm thấy mệt mỏi. Đặc biệt là chi phí xét nghiệm Covid-19 5 ngày/lần đối với nhân sự làm việc “3 tại chỗ” cũng khiến các doanh nghiệp đuối sức.
Trước những khó khăn này, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội hội doanh nghiệp và địa phương về giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đề nghị Bộ Y tế hoàn thiện Bộ quy tắc và tổ chức huấn luyện cho các tỉnh và các doanh nghiệp thực hiện “y tế tại chỗ”. Bộ Y tế cần hướng dẫn xử lý kịp thời đối với các doanh nghiệp trong thực hiện “3 tại chỗ” như phát hiện F0 để kiểm soát các nguồn lây nhiễm, giảm tổn thất cho doanh nghiệp và bảo đảm sinh kế cho công nhân, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho toàn nhà máy.
Bên cạnh đó, đại diện VASEP đề xuất cần có hướng dẫn thống nhất trong toàn quốc về việc thực hiện “1 cung đường – 2 địa điểm”, kết hợp tuân thủ quy định 5K và các quy định về phòng dịch của doanh nghiệp và của cơ quan y tế địa phương.
Việc ở lại các nhà xưởng để vừa sinh hoạt, vừa sản xuất về lâu dài đã bộc lộ nhiều hạn chế. |
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng nhất trí quan điểm giải pháp cấp bách nhất hiện nay là đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin Covid-19, nhằm đạt miễn dịch cộng đồng, trong đó ưu tiên cho nhóm đối tượng là người lao động, chuyên gia làm việc tại các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ trong việc mua vắc xin.
Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các cơ quan liên quan chắt lọc, tiếp thu tất cả những ý kiến của doanh nghiệp để hoàn thành, trình Chính phủ ban hành một Nghị quyết về phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết sẽ làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam xem xét giảm giá điện cho các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”. Về vấn đề lưu thông hàng hóa, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ trên tinh thần hàng hóa nào cũng là thiết yếu, chỉ trừ hàng cấm. Đặc biệt, không đặt ra các điều kiện, yêu cầu khác biệt, gây ách tắc lưu thông hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản.
Kỳ 2: Cuộc “tháo chạy” bất đắc dĩ
Nguồn: Báo lao động thủ đô